Trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 220 CTV dân số và 15 cán bộ chuyên trách dân số thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân của 15 xã, thị trấn thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ. Thù lao cho công việc quá ít ỏi nhưng không vì thế mà họ thấy mệt mỏi với công việc, ngược lại nhiều CTV còn say mê, gắn bó với công việc bận như "con mọn" này đã hàng chục năm liền.
Chị Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Võ Nhai cho biết: Là huyện miền núi, vùng cao có nhiều xóm, bản nằm cheo leo trên đỉnh núi, đường sá đi lại khó khăn nhưng đội ngũ CTV dân số ở đây hết sức nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, đã làm cho công tác này có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến nay, tỷ lệ phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn huyện đã đạt trên 70%. Tỷ lệ sinh con thứ ba không còn ồ ạt như trước, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện có 543 trẻ ra đời, trong đó có 38 trẻ là con thứ ba (chiếm 7,1% tổng số trẻ). Chúng tôi vừa rà soát lại đội ngũ CTV trên địa bàn huyện thì có trên 50% CTV có "thâm niên" công tác 4-5 năm trở lên, 20% trong số đó có thời gian đảm nhiệm công việc này từ 10 năm trở lên. Hầu hết họ đã quen việc nên triển khai các đợt chiến dịch cũng như hoạt động tuyên truyền đều thuận lợi, nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Một trong những CTV tích cực là anh Lý Văn Lù, CTV dân số bản Lũng Hoài, xã Thượng Nung. Anh Lù đã làm công việc này được hơn 10 năm nay và là một trong 3 CTV vừa được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân số do Tổng cục Dân số - KHHGĐ trao tặng. Bản Lũng Hoài có 100% hộ dân tộc Mông, sinh sống trong thung lũng cách trung tâm xã hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ, nhà cách nhà bởi những quả đồi, để đến được hết các hộ gia đình trong bản anh Lù phải đi mất cả ngày trời. Là đàn ông, nhưng anh Lù được đánh giá là CTV tuyên truyền hiệu quả công tác DS-KHHGĐ. Anh rất tự nhiên khi trao đổi những điều “tế nhị” với chị em phụ nữ trong bản. Đàn ông dân tộc Mông vẫn cho rằng việc thực hiện KHHGĐ là của chị em phụ nữ nên họ chưa chấp nhận áp dụng các biện pháp tránh thai để chia sẻ công việc này với chị em. Vì thế, trong bản vẫn có nhiều gia đình sinh nhiều con nên đói nghèo cứ đeo đẳng hết đời cha đến đời con. Bản thân gia đình anh Lù cũng sinh tới 7 con, vợ chồng anh làm quần quật mà mỗi năm vẫn đứt bữa vài tháng. Thấm thía cái nghèo, cái khổ - hệ lụy của việc đẻ nhiều con, anh đã tuyên truyền, vận động người dân trong bản thực hiện KHHGĐ để có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn, cuộc sống gia đình đỡ nghèo hơn. Anh Lù tâm sự: Trước đây tôi cũng có suy nghĩ như cánh đàn ông trong bản, không chịu thực hiện KHHGĐ nên mới đẻ nhiều con. Từ khi làm CTV dân số mới hiểu thêm về những vất vả của phụ nữ, vì thế ngoài việc tuyên truyền cho chị em tôi còn vận động nam giới trong bản thực hiện KHHGĐ. Đàn ông nói với đàn ông cũng dễ thông cảm hơn.
Với chị Dương Thị Sầu, CTV dân số bản Lân Vai, xã Dân Tiến cũng đã gắn bó với công tác này từ năm 1999. Bản có hơn 50 hộ dân tộc Mông, trong đó có gần 60% chị em phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Phụ nữ mang thai được khám định kỳ, tiêm phòng đẩy đủ vắc-xin và được sinh con an toàn ở cơ sở y tế. Hàng năm, vào dịp chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản- KHHGĐ do xã tổ chức, chị em đều được tham gia khám, tư vấn và điều trị các bệnh phụ khoa kịp thời. Trẻ em đến tuổi được cắp sách đến trường. Có được những kết quả đó, không thể không kể đến những bước chân không biết mỏi của chị Sầu trong việc tuyên truyền, vận động người dân trong bản thực hiện công tác DS - KHHGĐ, mặc dù số tiền 50 nghìn đồng/tháng không đủ để xăng xe hàng tháng chị xuống xã giao ban, nhưng chị vẫn làm với suy nghĩ hết sức giản đơn là qua công việc chị được gặp gỡ, được giao lưu, trò chuyện với chị em và thấy vui khi công việc của mình được chị em ủng hộ.
Chị em phụ nữ ở xóm Cao Biền, xã Phú Thượng đã nhiều năm nay quen với hình ảnh anh Triệu Văn Tiên, CTV dân số nhiệt tình trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ và là người đồng hành với chị em phụ nữ khi họ “vượt cạn”. Bởi từ Cao Biền đến được Trạm Y tế xã cũng phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ đi bộ. Được biết, anh Tiên đã làm CTV dân số từ năm 1994 đến nay, hiện anh là Bí thư Chi bộ, y tá thôn bản nên khá thuận lợi trong công việc. Đã 6-7 năm nay, xóm không có người sinh con thứ ba trở lên. Năm 2010, anh Tiên đã vận động được 3 đối tượng đình sản và trực tiếp đưa các chị đến tận cơ sở y tế để thực hiện dịch vụ. Trước đây, khi tổ chức chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ tại xã, hầu như chị em không hào hứng tham gia bây giờ thì khác, khi có chiến dịch mà không được thông báo chị em còn thắc mắc, bởi họ thấy được hiệu quả của việc khám sức khỏe định kỳ, nhất là sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ…
Có thể thấy, những việc làm tưởng như rất đơn giản, nhỏ bé của các CTV dân số ở các bản làng nhưng đã mang lại nhiều chuyển biến trong nhận thức của mỗi người dân đối với công tác DS-KHHGĐ. Những bước chân không mỏi của đội ngũ CTV dân số ở cơ sở chính là những nhân tố tích cực góp phần thực hiện mục tiêu “Dân số ổn định, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”.