Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng

18:28, 01/08/2011

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, cả nước có trên 18.800 ca mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM), 52 ca tử vong. Hiện nay, bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Tại Thái Nguyên, trong quá trình giám sát dịch tễ, ngày 28 và 29-7, các cán bộ của Trung tâm Y tế Dự phòng Thái Nguyên đã phát hiện 10 trẻ em nghi mắc bệnh TCM, trong đó có: 1 trẻ ở Trường Mầm non Bưu Điện, 1 trẻ ở Trường Mầm non Gia Sàng; 4 trẻ ở các xã: Cù Vân (Đại Từ), Tân Lập, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) được phát hiện khi đang điều trị tại Bệnh viện A; 3 trẻ ở Cam Giá, Tích Lương, Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) được phát hiện khi đang điều trị tại Bệnh viện Gang thép. Hiện mẫu bệnh phẩm của 3 trong số 10 trẻ nghi mắc bệnh này đã được gửi xuống viện dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.

 

Bác sĩ Hoàng Anh, Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Đây là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dấu hiện đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi và lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Bệnh do nhóm vi rút đường ruột (enterovirus) gây nên, trong đó nhóm Enterovirus 71 thường gây các biến chứng thần kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong. Điểm khác biệt cần lưu ý là người mắc bệnh TCM, sau khi khỏi bệnh không tạo được miễn dịch bền vững nên có thể bị mắc đi, mắc lại nhiều lần.

 

Bệnh lây truyền bằng đường “phân – miệng” và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà… Đặc biệt khi bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp thì việc hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan trực tiếp từ người sang người. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi rút gây bệnh TCM, nhưng không phải tất cả mọi người nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh; bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn.

 

Hiện nay, bệnh TCM chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu do đó cần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý và điều trị kịp thời. Cách ly ngay các trường hợp mắc, không để lây lan ra cộng đồng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nâng cao thể trạng. Làm sạch bề mặt và khử trùng dụng cụ sinh hoạt, nhà vệ sinh bị nhiễm chất tiết và bài tiết của bệnh nhân TCM. Điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành.

Tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền. Thầy, cô giáo, hoặc người hướng dẫn tại nhà trẻ phải theo dõi hàng ngày, đặc biệt khi trẻ đến lớp, các biểu hiện sốt, xuất hiện loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình, cán bộ y tế xử lý kịp thời.

 

Bảo đảm tất cả trẻ em, người lớn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: Vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch thường xuyên trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ. Thực hiện một số biện pháp hạn chế lây truyền, ăn chín, uống sôi. Làm sạch các dụng cụ, vật dụng thường xuyên sờ mó của trẻ, nhà vệ sinh bằng nước và xà phòng, sau đó lau bằng chloramin B2% hàng ngày. Làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bị nhiễm dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng và lau bằng chloramin B 2%. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc cần phải ngâm, tráng nước sôi trước khi sử dụng…