Võ Nhai tuy là một huyện miền núi, địa hình rộng, phức tạp, nhiều xã, xóm cách xa trung tâm huyện, đường sá đi lại còn gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trong nhiều năm qua đã có những bước chuyển biến tích cực.
Ngay từ năm 2000, huyện đã thành lập tổ tư pháp kết hợp với Trung tâm TGPL để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân các xã vùng sâu, xa. Đặc biệt, từ năm 2008, theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và Phòng Tư pháp huyện, 15/15 xã, thị trấn đã thành lập câu lạc bộ (CLB) TGPL. Từ đây, hoạt động tuyên truyền, TGPL cho nhân dân các xã vùng sâu, xa càng được đẩy mạnh. Đồng chí Hoàng Văn Thảo, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Võ Nhai cho biết: “Đây là một hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực đối đối với bà con dân tộc vùng sâu, xa của huyện Võ Nhai. Hàng năm, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật huyện luôn phối hợp với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thực hiện nhiều chuyến TGPL lưu động tại cơ sở”. Được biết, năm 2010, đã có 5 chuyến TGPL lưu động tại 9 điểm thôn, bản với hơn 1.750 người tham dự, trả lời trên 300 phiếu TGPL với nhiều lĩnh vực khác nhau. Các CLB TGPL đã trợ giúp, tư vấn pháp luật, tại cơ sở cho trên 3.000 người, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đầu năm 2011, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với UBND 11/15 xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền về công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, đồng thời phối hợp với các CLB tổ chức tư vấn pháp luật và TGPL tại 24 xóm, bản với gần 2000 người tham dự, tư vấn được 320 phiếu TGPL.
Chúng tôi đến Liên Minh, một trong những xã vùng sâu, xa của huyện Võ Nhai. Nơi đây 6/9 xóm có người dân tộc thiểu số chiếm 100%, 5 xóm chưa có điện thắp sáng. Trình độ dân trí không đồng đều, sự am hiểu pháp luật còn hạn chế.
Chị Vương Thị Giang, cán bộ tư pháp, Chủ nhiệm CLB TGPL xã cho hay: “Mỗi năm, CLB tổ chức từ 4 đến 6 buổi sinh hoạt TGPL tại các xóm, vừa tuyên truyền vừa giải đáp hàng trăm ý kiến, thắc mắc của bà con”. Được biết ngày 21-4 vừa qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phối hợp với phòng Tư pháp huyện và UBND xã đến TGPL cho xóm Nác và xóm Kẹ, hai xóm có 100% là người Dao. Sau những chuyến TGPL, bà con đã am hiểu hơn về những vấn đề họ quan tâm, khi có vướng mắc, người dân đã biết tìm gặp cán bộ tư pháp để được tư vấn, giải quyết. Trước đây, mỗi năm, UBND xã tiếp nhận đến chục lá đơn về tranh chấp đất đai, nhưng từ năm 2008, khi có hoạt động TGPL thì tình trạng trên đã giảm hẳn (năm 2010 chỉ còn có 3 vụ).
Anh Lý Tài Hà, Trưởng xóm Kẹ nói: “Có hoạt động TGPL người dân chúng tôi hiểu biết thêm được rất nhiều điều. Những vấn đề bà con thắc mắc đều được cán bộ trả lời rõ ràng. Chúng tôi mong Trung tâm và huyện sẽ tổ chức nhiều đợt TGPL hơn ở xóm tôi”.
Ông Nguyễn Xuân Nông, Chủ tịch UBND xã Liên Minh nói: “Hoạt động TGPL đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho nhân dân, đồng thời giúp cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống đạt hiệu quả hơn. Ðến nay, tình hình đơn thư khiếu kiện vượt cấp, nạn tảo hôn, tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình đã giảm hẳn. Có được những thành công đó là nhờ công tác TGPL được đẩy mạnh từ Trung tâm TGPL tỉnh đến các cấp huyện, xã và hệ thống các CLB”.
Trao đổi với chúng tôi, Chị Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh nói: “Mặc dù còn nhiều khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, phương tiện (chưa có xe ô tô), nhân lực, nhưng hằng năm, Trung tâm tổ chức trên 70 chuyến TGPL lưu động chủ yếu về các xóm, bản, xã thuộc huyện nghèo và đặc biệt khó khăn như: Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ… Chúng tôi có 68 cộng tác viên nhiệt tình, có chuyên môn thuộc các sở, ban, ngành cùng thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, chúng tôi đã thành lập được 115 CLB TGPL trên địa bàn toàn tỉnh, hoạt động đều đặn và khá hiệu quả. Nhân dân vùng sâu, xa chủ yếu quan tâm đến Luật Đất đai, giao đất giao rừng, Luật Hôn nhân và gia đình, các chế độ chính sách, hộ khẩu, hộ tịch… TGPL lưu động mới thấy được sự cần thiết của hoạt động này đối với bà con vùng sâu, xa. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đáng nhớ. Có lần chúng tôi gặp trời mưa to, đường lầy lội, quần áo lấm lem, phải thuê xe ôm đưa vào xóm, chỉ lo bà con không đến. Nhưng khi đến nơi, bà con đã đến đông kín nhà văn hóa. Đó là niềm vui to lớn để động viên chúng tôi, nhất là sau mỗi lần quay lại, nhận thức của bà con đã được nâng lên”.
Có thể nói, hoạt động TGPL đã có những tác động tích cực đến nhận thức về pháp luật của người dân vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn. Hoạt động đã kịp thời giải đáp thắc mắc, nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân ngay tại cơ sở, giảm tình trạng khiếu kiện không đáng có, giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, các vấn đề mà người dân yêu cầu trợ giúp ngày càng nhiều và phức tạp. Do đó, hoạt động TGPL càng cần thiết đối với người dân.