Xét xử lưu động góp phần tạo sự ổn định trong xã hội

09:20, 03/08/2011

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động chuyên môn… nhưng ngành Tòa án Nhân dân tỉnh đã phấn đấu để làm tốt công tác xét xử.

Đặc biệt, Toà án Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Tòa án Nhân dân 9 huyện, thành, thị tăng cường công tác xét xử lưu động những vụ án điểm nhằm tuyên truyền chính sách pháp luật, góp phần tạo sự ổn định trong xã hội.

 

Trong những năm trở lại đây, ngành Tòa án của tỉnh không chỉ thực hiện hiệu quả công tác xét xử tại trụ sở của các đơn vị mà còn tăng cường xét xử lưu động đối với một số vụ án điểm để tuyên truyền chính sách pháp luật tới nhân dân, răn đe các đối tượng bất hảo. Tính từ thời điểm năm 2006 đến hết tháng 7 tháng năm 2011, ngành Tòa án Nhân dân các cấp trong tỉnh đã hoàn tất hồ sơ, tiến hành xét xử lưu động 1.166 vụ án với số bị cáo lên đến vài nghìn người (bình quân mỗi năm số án được xét xử lưu động tăng 15%).

 

Trong 6 đầu năm, Tòa án Nhân dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức xét xử lưu động 83 vụ án/107 bị cáo. Trong đó, có một số vụ án điểm như: Ngày 25-3-2011, tại UBND xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) Tòa án Nhân dân tỉnh đã tổ chức xét xử lưu động vụ án Ngô Quang Trung, sinh năm 1980, thường trú tại xã Cao Ngạn phạm tội giết anh Trần Văn Quyền chỉ vì lý do anh Quyền đến xóm của Trung tán gái. Phiên tòa xét xử bị cáo Ngô Quang Trung đã thu hút trên 400 người dân địa phương đến dự và với hình phạt tù trung thân, cộng thêm phải đền bù 60 triệu đồng mà bị cáo Trung phải nhận đã tạo được sức răn đe, giúp nhiều thanh niên ở xã Cao Ngạn nhận thức rõ về hành vi hành hung người vô cớ… Ngày 12-7 mới đây,  tại trụ sở UBND xã Điềm Mặc, Tòa án Nhân dân tỉnh cũng đã tổ chức xét xử lưu động vụ án Ma Doãn Hương, thường trú tại xã Thanh Định (Định Hóa) phạm tội giết mẹ vợ và đâm vợ nhiều nhát vì ghen tuông…

 

Tại những phiên tòa xét xử lưu động nêu trên, Hội đồng xét xử không chỉ làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo mà còn tập trung tuyên truyền về những hành vi tương tự để nhân dân đến xem hiểu biết thêm các quy định của pháp luật. Thẩm phán Bùi Văn Lương, Phó chánh tòa Hình sự (Tòa án Nhân dân tỉnh) cho biết: "Khi đi xét xử lưu động, các thành viên Hội đồng xét xử phải vất vả hơn nhiều, chi phí tốn kém nhưng cái được là qua con người thật, việc thật nên tính giáo dục rất cao". 

 

Ngoài Tòa án Nhân dân tỉnh tăng cường xét xử lưu động, Tòa án Nhân dân nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã dựa vào thực tế tình hình của địa phương mình để tổ chức các phiên xét xử lưu động cho phù hợp. Ví dụ như Tòa án Nhân huyện Phú Lương thường xuyên tổ chức xét xử động các vụ án liên quan đến những tội danh như: Buôn bán hàng cấm; cố ý gây thương tích để nâng cao nhận thức cho nhân trên địa bàn. Tòa án Nhân dân huyện Đồng Hỷ tổ chức xét xử lưu động một số vụ án liên quan đến tội chống người thi hành công vụ. Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên tổ chức các phiên xét xử lưu động về tội mua bán, tàng trữ các chất ma túy trái phép ở nơi bị cáo sinh sống hoặc nơi có tệ nạn này diễn biến phức tạp.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh án Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên khẳng định với chúng tôi: "Sau các phiên xét xử lưu động tại những điểm nóng về tội phạm ma túy thì lãnh đạo các phường, xã đều công nhận là có chuyển biến rõ rệt. Do vậy, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức xét xử lưu động được 36/37 bị cáo tại Trường đại học Sư phạm, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội thành phố và 7 phường, xã, tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm trước".

 

Xét xử lưu động đã tăng cường giáo dục pháp luật, từ đó góp phần tạo sự ổn định trong xã hội nhưng qua thực tế đây cũng là vấn đề khó khăn với các cơ quan tòa án vì chi phí cho xét xử lưu động tốt kém đến 10 lần so với xét xử tại trụ sở các cơ quan Tòa án, thành viên Hội đồng xét xử tham gia xét xử lưu động phải chịu nhiều sức ép do vấn đề an toàn của phiên tòa… Theo một số lãnh đạo đơn vị tòa án trong tỉnh để làm tốt hơn nữa công tác xét xử lưu động, đề nghị HĐND các cấp trong tỉnh nên xem xét có cơ chế hỗ  trợ kinh phí cho các cơ quan tòa án tổ chức nhiều vụ xét xử lưu động; chính quyền cơ sở nơi cơ quan tòa án tổ chức xét xử lưu động nên phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất.