80 tuổi vẫn mê làm cây cảnh

10:43, 30/09/2011

Ngày nay, thú chơi cây cảnh đã phổ biến đến nhiều lứa tuổi, đặc biệt với người cao niên. Cây cảnh không chỉ cho thu nhập mà còn gửi đến con cháu triết lý nhân sinh…

“Các cụ ta thường nói: Yêu cảnh, yêu hoa, hóa ra yêu đời. Chơi cây cảnh là nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày nay, thú chơi cây cảnh đã phổ biến đến nhiều lứa tuổi, đặc biệt với người cao niên. Với họ, cây cảnh không chỉ cho thu nhập mà còn gửi đến  con cháu triết lý về tình mẫu tử, huynh đệ, bằng hữu…”. Vừa thong dong cầm chiếc kéo tỉ mỉ cắt tỉa từng chiếc lá bị sâu, những nhánh cây vươn quá tầm, ông Hoàng Quỳnh Thạch ở xóm Thái Sơn 2, xã Quyết Thắng vừa chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời, chuyện cây như thế…

 

Sinh ra và lớn lên tại xóm Chùa, xã Hải Chiều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, năm 1950, ở tuổi 17 “bẻ gẫy sừng trâu”, chàng trai Hoàng Quỳnh Thạch được tuyển vào Trường Lục quân, khóa VI (Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn - Thái Nguyên). Tháng 7 năm 1950, Hoàng Quỳnh Thạch cùng các học viên trong trường được sang Trung Quốc học về quân sự và kỹ thuật Bộ binh. Những năm 1952-1953, ông chiến đấu ở Tây Bắc, giải phóng Mộc Châu, Yên Châu, Cầu Nòi (Sơn La)... Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được thăng cấp từ Trung đội phó lên Đại đội phó với nhiều Bằng khen, Giấy khen của Sư đoàn, Trung đoàn … Năm 1956, ông trở về Trường Sĩ quan Lục quân làm giáo viên dạy bộ môn Thông tin. Đến năm 1968, ông được Nhà trường cử đi học ở Học viện cao cấp rồi được điều về Quân khu 1 với các chức danh: Trưởng ban huấn luyện; trợ lý Quân huấn; Phó phòng Dân quân; Phó phòng Khoa học quân sự… Năm 1983, ông nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.

 

Cuộc sống của hai vợ chồng cùng hai cậu con trai đang tuổi ăn học chỉ trông vào đồng lương hưu nên không mấy dư dả. Vợ chồng ông phải mượn ruộng để cấy lúa trồng rau, rồi nuôi lợn, nuôi gà, làm đậu phụ, bánh bán kiếm thêm nuôi con ăn học. Năm 1995, khi một số phường, xã lân cận của Thành phố dấy lên phong trào làm kinh tế từ cây cảnh, ông bắt đầu có ý tưởng phát triển kinh tế từ nghề này. Ông lấp 200m2 ao cá để có chỗ đặt cây. Ông cất công đến những gia đình kinh doanh hoặc chơi cây cảnh để mua cây rẻ tiền như: Lan Ý, Thiết mộc Lan, Tài lộc, Trúc nhật... Hầu như chưa có chút kinh nghiệm nào về nghề này, ông Thạch chăm chỉ học những người có kinh nghiệm, đọc sách, báo, ghi chép lại những điều cần thiết. Ông  còn khăn gói đến Nam Định, Hải  Hưng…để học các nghệ nhân về cách tạo thế, tìm dáng cho từng loại cây. Nhiều khi “cái khó ló cái khôn”, do không có tiền mua dàn chắn nắng, ông trồng sắn dây cho leo thành dàn che cho cây. Năm đầu, ông thu được 50kg bột sắn dây bán được 1,5 triệu đồng. Tiếp đó, ông thu về được gần 1 triệu đồng bán một luống cây Tài lộc. Có đồng vốn nho nhỏ, ông mua thêm một số cây đắt tiền hơn như sanh, si, đa…. Cứ vậy, ông “lấy ngắn nuôi dài, “góp gió thành bão”, vườn cây cảnh của ông dần phong phú lên về chủng loại, số lượng, nay trị giá đã trên 1 tỷ đồng. Dưới bàn tay tài hoa của ông, nhiều cây đã trở thành tác phẩm nghệ thuật giá trị.

 

Tôi lặng ngắm các tác phẩm của ông: cây đứng thẳng ngạo nghễ, hùng dũng mang thế trực; cây ngả ngang rồi mới xòe tán mang thế hoành; hai cây ghép đôi là song trụ; rồi thế ngọa long (rồng nằm), giao long (đôi rồng lượn), phượng vũ (chim phượng múa)…Thế giới cây trở thành thế giới muôn vẻ của cuộc sống con người và ý tưởng sâu sắc họ muốn gửi gắm.

 

Nhiều người nghe tiếng ông đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm và mua những cây cảnh "độc"  tới hàng trăm triệu đồng. Lòng nhiệt huyết, niềm đam mê với từng gốc cây, chậu cảnh đã khiến ông trở thành một trong những bậc cao niên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cây cảnh của xã Quyết Thắng. Năm 2009, ông được Hội Sinh vật cảnh T.P phong danh hiệu Nghệ nhân cây cảnh.

 

Ông tâm sự: " Cây cảnh không chỉ là nguồn thu mà còn chất chứa bao niềm vui, nỗi buồn tôi muốn gửi gắm. Biết rằng đã ở cuối đường đời, tôi vẫn mong ước được sống hết mình với cây ".

 

80 năm tuổi đời, 52 năm tuổi đảng, ông Hoàng Quỳnh Thạch để lại phía sau một thời trai trẻ, xông pha trận mạc, khi tuổi cao, sức yếu, hưởng cảnh đoàn viên với con cháu, ông đã tìm được thú vui cho riêng mình - một thú vui tao nhã, trí tuệ và nhân văn.