Bão đổ bộ từ Quảng Ninh đến Nam Định

09:57, 30/09/2011

9h sáng nay tâm bão chỉ cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định chưa đầy 100 km, giảm còn cấp 11 và đầu giờ chiều nay đổ vào đất liền. Tại Hà Nội, lượng mưa trong 3 ngày tới dự báo khoảng 200 mm, có thể gây ngập nhiều tuyến phố.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, vị trí bão đổ bộ được xác định là các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, mạnh cấp 10-11. Vào sâu đất liền, bão suy yếu nhanh, đến 16h chiều nay tâm bão ở nam đồng bằng Bắc Bộ, còn cấp 8-9.

 

Trước khi vào bờ, bão Nesat đã gây gió mạnh cấp 9-10 tại Cửa Ông (Quảng Ninh), Cô Tô, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Đêm qua, bão vượt qua đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), gió mạnh đã làm nhiều nhà bị tốc mái, một tàu ở khu 2 Tuần Châu (Quảng Ninh) bị đắm, may mắn không có thiệt hại về người.

 

Trung tâm thành phố Hải Phòng 8h sáng nay gió bắt đầu xoáy mạnh, cây nghiêng ngả. Sóng biển tại Đồ Sơn bắt đầu mạnh, nhưng chưa dâng cao. Toàn bộ học sinh thành phố được nghỉ học từ sáng nay.

 

Tại huyện đảo Cát Hải, nơi được xác định là xung yếu nhất của Hải Phòng, từ 3h sáng gió xoáy liên hồi. Trước đó gần 5.000 người dân ở sát biển, vùng nguy hiểm đã được sơ tán khẩn cấp. Theo lãnh đạo huyện, lo nhất là 4 km đê xung yếu, có khả năng vỡ khi bão đổ bộ kết hợp với triều cường.

 

Tại Quảng Ninh, nơi tâm bão sẽ đi qua, lệnh cấm biển được thực hiện từ sáng qua. Người già trẻ em trên các lồng bè, làng chài đã được đưa vào đất liền, tuy nhiên vẫn còn người ở lại. Đoàn công tác Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị tỉnh cưỡng chế di dời.

 

 

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão.

 

Từ đêm qua đến sáng nay, Thanh Hóa có mưa trên diện rộng, gió bão mạnh dần lên cấp 5-6. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo huy động toàn bộ lực lượng thu hoạch lúa màu khi ruộng lúa chín 80-85%, thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đặc biệt là vùng trũng thấp.

 

Giám đốc Sở GD&ĐT thông báo cho tất cả trường THPT (trừ TP Thanh Hóa) cho học sinh nghỉ học 2 ngày (29-30/9) để giúp gia đình thu hoạch lúa mùa. Ngày 29/9, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động 900 chiến sĩ xuống Triệu Sơn, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá để giúp dân gặt lúa.

 

Ngày 29/9, tàu vận tải Đức Minh 18 của ông Phan Đức Minh ở Ninh Bình (trên tàu có 39 lao động) vận chuyển xi măng đang trên đường vào bờ tránh bão đã bị mắc cạn, gãy bánh lái cách bờ biển xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hoá khoảng 4 hải lý.

 

Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đưa 2 tàu trọng tải lớn để hỗ trợ. Lúc 24h ngày 29/9, hai tàu cứu hộ đã tiếp cận được tàu Đức Minh, nhưng do nước cạn không kéo ra được, đành để tàu này neo đậu tại vị trí bị nạn và đưa 39 thuyền viên vào bờ an toàn lúc 3h sáng nay.

 

Tại Hà Nội, do hoàn lưu trước bão kết hợp ảnh hưởng với không khí lạnh, suốt đêm qua khu vực này đã có mưa, nhưng không lớn. Mưa, gió mạnh đến đúng vào giờ đi làm buổi sáng khiến nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn. Dự báo cả đợt chừng 3 ngày, lượng mưa Hà Nội sẽ đạt khoảng 200 mm.

 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương sáng nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo 9h sáng việc di dời người dân ở vùng nguy hiểm phải được hoàn thành, bởi sau khi bão vào sẽ không thể can thiệp.

 

"Đầu giờ chiều bão vào đến đất liền, 3 giờ sau vào đến Hà Nội. Tâm bão tiến thẳng vào thủ đô nên có thể mạnh cấp 7-8. Cần nhắc nhở người dân hạn chế ra đường, tránh những nguy hiểm rình rập", Phó thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo, các ngành chức năng của Hà Nội cần kiểm tra chặt những cây có nguy cơ đổ, tháo dỡ, giằng néo biển quảng cáo, cần ăng ten... để tránh gây tai nạn trong bão.

 

Được hình thành từ ngày 24/9 ở ngoài khơi phía đông Philippines, 3 ngày sau bão Nesat quét qua quốc gia này làm 18 người thiệt mạng, hơn 100.000 người dân phải đi sơ tán. Ngày 29/9, bão tấn công đảo Hải Nam, Macau và Hong Kong làm nhiều cây xanh bật gốc, giao thông ngưng trệ.

 

Hiện ngoài khơi phía đông Philippines có một cơn bão tên quốc tế là Nalgae, dự báo sẽ đi theo hướng Tây, quét qua đảo Luzon của Philippines, vào biển Đông và hướng đến miền Trung Việt Nam.