Đêm 26/9, các tỉnh miền Trung tiếp tục triển khai phương án sơ tán dân vùng xung yếu, chủ động đối phó với bão số 4.
Tối 26/9, tại Quảng Bình có mưa rất to, hơn 2.000 tàu thuyền của ngư dân đã vào neo đâu tại những nơi tránh trú bão an toàn. Các lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an, quân đội đã về tận cơ sở giúp dân chằng néo nhà cửa, tàu thuyền sẵn sàng đối phó với bão số 4.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, Bộ Tư lệnh Quân Khu V đã điều động hơn 1.000 cán bộ chiến sỹ về các địa bàn xung yếu giúp dân phòng tránh thiên tai. Bộ đội Quân khu V đã giúp các địa phương sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, sơ tán tài sản của người dân đến nơi cao ráo đề phòng mưa lớn gây ngập lụt.
Thiếu tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu V cho biết: Hiện nay tất cả các lực lượng đã tập kết về các điểm xung yếu. Riêng lực lượng cơ động đã có mặt tại những điểm dự kiến nước sẽ dâng cao. Hiện các lực lượng này đã sẵn sàng, đặc biệt lực lượng cơ động, dân quân tự vệ các địa phương tổ chức ứng trực 24/24h.
Cũng trong đêm 26/9, được sự giúp đỡ của các lực lượng công an, quân đội và dân quân, các địa phương ở tỉnh Quảng Trị khẩn trương sơ tán dân đi tránh bão.
** Tại tỉnh Quảng Trị tối 26/9 có mưa to, kèm theo gió giật mạnh, vùng biển Quảng Trị bắt đầu có sóng lớn. Đêm qua, toàn tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành việc sơ tán 12.000 hộ dân ở các xã ven biển, vùng thấp trũng đến các nhà cao tầng, trường học, nhà văn hóa thôn để tránh bão.
Cùng với triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bão số 4, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống đề phòng lũ lớn, dài ngày gây chia cắt, cô lập... Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, nhiệm vụ trước mắt là sơ tán toàn bộ bà con vùng ven biển, đảm bảo cho người dân ổn định đời sống. Bên cạnh đó là công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước uống, vệ sinh, tiếp tục bảo vệ an toàn công trình, trụ sở, kho tàng, tài sản…
** Trong ngày 26/9, Nhà máy thủy điện Hương Điền xả lũ và đã được thông báo rộng rãi đến nhân dân vùng hạ du. Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất 6.000 bao tải, 800 m2 vải lọc nhằm đề phòng sự cố tại hồ chứa nước Thọ Sơn cũng ở địa bàn huyện Hương Trà.
Đáng lo nhất hiện nay đang là thời điểm cuối vụ thu hoạch thủy sản ở vùng đầm phá Tam Giang, nên các địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác đánh bắt thủy sản trên đầm phá. Ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Bão số 4 chưa dứt mà tiếp tục có bão số 5 nữa thì khả năng thiệt hại rất lớn nên chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt đối phó với bão. Khi lụt lội đánh bắt thủy sản rất thuận lợi, nhưng không vì điều đó mà ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Huyện cũng chỉ đạo cương quyết không cho tàu thuyền ra khơi, kể cả đánh bắt thủy sản. Đây là vấn đề mà chúng tôi rất cương quyết và không chủ quan”./.