Dự án nhỏ, ý nghĩa thiết thực

14:47, 29/09/2011

Dự án hợp phần xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh (XDNTHVS) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ năm 2010. Tại Phú Bình, xã Nga My được huyện chọn để triển khai thí điểm với 200 hộ tham gia.

Qua khảo sát, năm 2009, toàn xã có 2.336 hộ thì có 2.252 hộ có nhà tiêu, trong đó chỉ có 854 nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm 37,9%). Do không có nhà tiêu hoặc xây dựng tạm bợ không hợp vệ sinh nên mỗi khi mùa mưa đến gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, do Nga My nằm ở vùng trũng, có sông Cầu chảy qua nên cứ vào mùa mưa bão (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm) là 9/26 xóm của xã bị ngập lụt, trong đó, có 6 xóm là Đò, Điếm, Nghể, Dinh A, Dinh B và Dinh C năm nào cũng bị ngập sâu…

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Hành, Trạm trưởng Trạm Y tế xã, Phó Ban Chỉ đạo Dự án tại địa phương cho biết: Khi Dự án được triển khai, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ)  gồm 12 thành viên là các trưởng xóm, đại diện hội, đoàn thể ở địa phương. Tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa của Dự án và vận động nhân dân đăng ký tham gia. Các xóm tổ chức họp, bình xét và lập danh sách, ưu tiên các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi chốt danh sách xã tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn cách làm nhà tiêu hợp vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn. Theo đó, nhà tiêu phải được thiết kế 2 ngăn, có đổ tấm lót… đảm bảo khô, thoáng. Mỗi hộ được Dự án hỗ trợ 800 nghìn còn lại là vốn đối ứng của gia đình. Trong quá trình thực hiện, BCĐ cử người giám sát thi công tại các xóm, đảm bảo phải xây dựng theo đúng quy định. Trong vòng 4 tháng (từ tháng 8 đến tháng 11-2010) 200 nhà tiêu hợp vệ sinh theo Dự án XDNTHVS đã được xã Nga My đã được xây dựng xong. Nhiều hộ dù kinh tế gia đình khó khăn cũng cố gắng để đối ứng xây dựng cho được nhà tiêu hợp vệ sinh. Anh Nguyễn Văn Tích, xóm Bờ Trực cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhà có 4 khẩu nhưng vợ và con tôi hay đau ốm nên kinh tế rất khó khăn, ngày trước nhà tôi chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh nên ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Do đó, tôi cố gắng đối ứng 1,2 triệu đồng để xây một nhà tiêu hợp vệ sinh, vừa phục vụ sinh hoạt gia đình lại đảm bảo vệ sinh môi trường. Qua thực hiện Dự án, nhận thức của người dân đã thay đổi, họ thấy được sự cần thiết phải có một nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay, toàn xã đã có 1.054 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm gần 47%) tăng gần 10% so với trước khi triển khai Dự án.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Bình, đơn vị được giao giám sát Dự án cho biết: “Dự án tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực với đời sống, sức khỏe người dân nên được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Thông qua Dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường, từng bước xóa bỏ tập quán lạc hậu, phóng uế ra môi trường của nhiều hộ dân ở các xã nghèo. Huyện đang đề nghị tiếp tục được triển khai Dự án tại 3 xã là Hà Châu, Xuân Phương và Úc Kỳ để phấn đấu tiến tới mục tiêu 100% số hộ trên địa bàn huyện có nhà tiêu hợp vệ sinh.