Trung tuần tháng 9, những trận mưa nặng hạt liên tiếp trút xuống miền đồi, núi huyện Võ nhai, các khe suối nước dềnh lên, dòng sông Dong cũng thế, nước chảy thao thiết. Từ trung tâm xã Tràng Xá nhìn sang bờ bên kia, rừng Khuôn Mánh lặng phắc một màu xanh.
Trung tuần tháng 9, những trận mưa nặng hạt liên tiếp trút xuống miền đồi, núi huyện Võ nhai, các khe suối nước dềnh lên, dòng sông Dong cũng thế, nước chảy thao thiết. Từ trung tâm xã Tràng Xá nhìn sang bờ bên kia, rừng Khuôn Mánh lặng phắc một màu xanh. Những hôm mưa, chẳng có loại xe ô tô nào qua được ngầm để đưa đón người sang thăm khu rừng cách mạng. Lâm vào cảnh này, chỉ còn cách duy nhất sang thăm rừng nhờ cây cầu treo vắt ngang sông. Hơn 10 năm nay, cây cầu treo này đã đưa bao người sang sông, trong số đó có nhiều người từ mọi miền Tổ quốc đến với rừng Khuôn Mánh để thăm nơi ra đời Trung đội Cứu Quốc quân II (CQQII). Trong đó có nhiều người thuộc thế hệ con, cháu của các bậc “tiền bối” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
70 năm trước (ngày 15-9-1941), trong sự đùm bọc của đồng bào các dân tộc huyện Võ Nhai, tại khu rừng Khuôn Mánh, Trung đội CQQ II được khai sinh, với 36 cán bộ, đội viên... Như bao lần trở lại, bà Hạ Chí Nhân, con gái của đồng chí Hoàng Quốc Việt (tên thật là Hạ Bá Cang), Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đều lặng lẽ nhẩm đọc lại tên của từng người được lưu danh trên bia vàng. Tuy không sinh ra bên dòng sông Dong, rừng Khuôn Mánh, nhưng bà Nhân thuộc vanh vách từng mỏm đá, gốc cây. 63 tuổi, bà được nhiều người ví như một pho sử sống. Từ tấm bé, bà đã lớn lên trong tiếng ầu ơ của những lời hát ru kêu gọi nhân dân đứng dậy đấu tranh giành độc lập, và cả những lo âu khi nhà vắng tin cha. Cụ Hoàng Quốc Việt, cha của bà, là người đã trao lá cờ đỏ sao vàng và giao nhiệm vụ cho Trung đội CQQII. Trong nghĩ suy của bà, rừng Khuôn Mánh là nhà, là một phần của sự sống, vì thế với từng dòng tên lưu danh trên bia vàng bà luôn thấy có gì đó thân thiết, gần gũi lắm. Đây là nguyên do để mỗi lần ngược đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên, dù bận rộn mấy bà cũng “sắp lịch” lên thăm lại khu rừng xưa.
Nay núi rừng Khuôn Mánh đã có nhiều đổi mới, Khu di tích lịch sử được xây dựng khang trang; con đường rừng được xây bậc đá thuận tiện cho người về nguồn; người dân dưới chân núi cũng có cuộc sống no đủ hơn. Trên vùng đất xã Anh hùng Tràng Xá, có một ngôi trường khang trang mang tên đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn ấm áp tình thầy trò. Vào giờ học lịch sử, các em - những chủ nhân tương lai của đất nước khi mở trang sách, lòng phấn chấn, tự hào: Quê hương tôi, Khuôn Mánh - một thời là cái nôi của phong trào cách mạng. Cha, ông tôi đã làm nên những chiến công, để tên đất, tên làng là đèo Nhâu, đèo Bắp, Khuôn Ba... được lưu danh trên trang sử.
Đã là con dân đất Việt, có mấy ai không thấm đẫm trong huyết quản đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vì thế hằng năm những người thân của các cán bộ, đội viên CQQII thường tựu về Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh, vừa để báo công với người đi trước, vừa để nghĩ suy chuyện đời, và răn mình phải sống sao cho thật có ý nghĩa, xứng đáng là con cháu Cụ Hồ. Bà Trừ Thị Văn, 82 tuổi, hiện ở thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) cho biết: Tôi có 2 người anh là Trừ Văn Thoòng, Trừ Văn Vằn tham gia CQQII. Anh Thoòng được giao làm tiểu đội trưởng. Sau này, cả 2 người anh của tôi đều hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Mẹ tôi, cụ Lưu Thị Chầu đã vì chiến tranh mà chồng và 2 người con phải hy sinh - Mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Chiến tranh là điều không ai mong muốn. Nhưng vì nước mất, nhà tan, nghe lời Bác, bao lớp người đã đồng lòng đứng dậy, cùng đoàn kết để giành lấy độc lập từ tay quân xâm lược. Bố bà Văn bị địch bắt, tra tấn dã man cho đến chết trong nhà tù Chợ Chu (Định Hoá), 2 người anh trai phải ngã xuống vì đạn thù. Với đời người thì còn có nỗi đau nào hơn, song cũng gần suốt cuộc đời, vào ngày giỗ bà luôn hương khói, cầu mong anh linh cha cùng các anh yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Cũng có lúc bà nhìn lại mình, thấy cuộc sống hiện tại còn chưa hết khó khăn, nhưng dù ở hoàn cảnh nào bà cũng luôn răn dạy các con, cháu phải biết phấn đấu, phải sống sao cho không hổ thẹn với lớp người đi trước. Ông Ma Từ Đông Hải, con trai bà Văn tâm sự: Những lúc gặp khó khăn, tôi thường nghĩ đến hình ảnh chiến đấu ngoan cường của các cụ, vì thế tôi luôn vượt qua... Ông Hải nay đã là một Đại tá quân đội về hưu. Hôm nay ông đưa mẹ và vợ về quê hương Tràng Xá như để tỏ lòng tri ân với những người đi trước.
Những người con, người cháu của các cán bộ, đội viên CQQII nay phần nhiều đều đã ở tuổi “Thất thập cổ lai hy”. Họ sinh sống trên nhiều miền quê khác nhau của đất nước, mỗi người lại có một hoàn cảnh riêng, nhưng chắc chắn họ có chung một niềm tin với Đảng, với sự đổi mới của đất nước hôm nay. Trong Lễ gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trung đội CQQII do huyện Võ Nhai tổ chức vào trung tuần tháng 9, tôi đã được gặp 3 ông bà là Trần Thị Đăng Như, Trần Thị Đăng Thư và Trần Tuấn Quảng luôn có nụ cười phúc hậu. Họ là chị em ruột, là con của cụ Trần Đăng Ninh, trước đây từng là Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Họ vừa trải qua đoạn đường hơn trăm cây số từ Hà Nội lên Võ Nhai, vào Tràng Xá. Đã hơn bẩy chục tuổi đời, đâu còn sức vóc của một thời tráng kiện. Nhưng với mỗi người, qua những chuyến đi hướng lòng về nguồn cội, cuộc sống sẽ càng trở nên có ý nghĩa hơn…