Đường vào cửa rừng

10:35, 09/09/2011

Tại một bản người Mông, nơi mà tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm đến 3/4 tổng số hộ dân của xóm lại có những người bỏ ra 60-70 triệu đồng để mở đường thì quả thật là chuyện không dễ thấy và thật đáng trân trọng…

Khá lâu rồi, chúng tôi mới có dịp quay lại xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương). Sau nhiều lần liên hệ với trưởng xóm không thành công vì không có sóng điện thoại, chúng tôi vẫn quyết tâm về xóm lần nữa. Con đường vào Na Sàng gập ghềnh nhiều đá, với độ dốc cao và có nhiều vũng nước lớn sau cơn mưa. Chiếc xe máy được coi là “xịn” của một đồng nghiệp cùng cơ quan chúng tôi  cố gắng lắm mới xuống hết con dốc để vào xóm. Gần trưa, chỉ có mấy đứa trẻ đang nô đùa, tìm mãi mới “kiếm” được một người lớn. Chưa kịp hỏi, “người ta” đã đoán ngay vào để “gặp trưởng xóm Nhính à?. Nó đang làm đường ở cuối bản, vào đấy thì thấy ngay. “Làm đường”, hai chữ này làm chúng tôi thêm tò mò. Chiếc xe lại thêm một lần nữa oằn mình đưa hai chúng tôi đến cuối bản. Nhưng lần này, chúng tôi phải dừng ở chân dốc và cuốc bộ.

 

Sau mười lăm phút leo đồi, tiếng máy xúc đang hoạt động mỗi lúc một rõ. Gặp chúng tôi, anh Nhính xiết đôi bàn tay và nói: Lâu lắm rồi mới gặp, hôm nay nhất định phải ở lại. Như hiểu được sự ngạc nhiên của chúng tôi, anh Nhính phân trần: Cách đây hơn 7 năm, được Đảng, Nhà nước quan tâm, chúng tôi được cấp cây giống trồng rừng. Trong tổng số hơn 100ha đất tự nhiên của xóm, đã có tới trên 70ha trồng theo Dự án 661. Lúc đó, cả xóm chỉ có vài hộ dân, mọi người đều phải gánh từng gánh cây giống lên đồi để trồng. Ai cũng nghĩ trồng để đấy thôi chứ mấy ai nghĩ đến tận bây giờ. Sau mấy năm, giá keo cao, muốn bán lắm nhưng gọi thợ gỗ ai cũng lắc đầu bởi vào đến bản còn khó nói gì đến vào rừng lấy gỗ, mà có vào được thì lúc ra chỉ dùng sức người, sức kéo của trâu thôi. Nghĩ đến vài chục ha đã gần quá tuổi cho khai thác thấy tiếc, anh Nhính đã bàn cùng vợ con và hợp tác với một chủ xưởng chế biến lâm sản tại xã để mở đường vào cửa rừng.

 

Tưởng là không quá khó, nhưng với con đường dài hàng cây số, có độ dốc cao, lại do 1 mình đảm nhiệm đã trở thành “phức tạp” đối với người trưởng xóm Mông này. Anh Nhính tâm sự: Được cái, khi mình trao đổi, vợ gật đầu luôn. Anh em cũng ủng hộ, thế là mình bắt tay làm ngay. Thuê một ngày máy xúc 8 tiếng mất hơn 3 triệu đồng, làm hết quãng đường thì phải mất đến 60-70 triệu. Anh nói thêm: Mình tính rồi, làm con đường vào đây, mình có 5ha, còn của bà con có vài chục ha, chưa kể còn vài ha đất đang bỏ trống... Như vậy, mình chỉ bỏ ra khoảng 2ha rừng đã cho khai thác bán lấy tiền để làm đường thì sẽ khai thác được hết toàn bộ số rừng trên. Cái được hơn nữa chính là về lâu dài cho đời con. Mình bỏ cái nhỏ, lấy cái lâu dài mà.

 

Hiện, xóm Na Sàng có 15 nóc nhà, hầu hết bà con là đồng bào dân tộc Mông. Từ bỏ tập quán du canh, du cư, theo tiếng gọi của Đảng, một số hộ dân đã về định cư tại xóm. Sau nhiều năm, với tư duy và cách làm mới trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, con giống, cây giống… cuộc sống của người dân tại đây đã từng bước đổi thay. Xóm hiện có khoảng 6ha lúa, chủ yếu trồng giống lúa Khang dân. Năm 2008, xóm được Nhà nước đầu tư hơn 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất và nâng cao đời sống tinh thần. Ở  Na Sàng giờ nhiều hộ đã có tôn sao vò chè và ti vi. Điều đáng quý hơn, những nét văn hóa truyền thống của người Mông vẫn được nhiều người dân nơi đây gìn giữ, phát huy. Hầu hết các chị em trong xóm đều có trang phục của dân tộc mình. Các chị vẫn thêu những quả còn để con trẻ chơi vào ngày Tết; vẫn nấu món mèm mén chan với canh “đậu lười”. Na Sàng đã có 3 đảng viên và xây được nhà văn hóa khang trang. Cách đây khoảng 7 năm, hầu hết hộ dân trong xóm còn là hộ nghèo, đến nay, con số ấy đã giảm gần 1 nửa, thậm chí có hộ gia đình sau khi trừ chi phí còn có thu nhập vài chục triệu đồng/năm như hộ anh Lý Văn Sình.

 

Năm 2010, xóm được công nhân là xóm văn hóa cấp huyện, xóm phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%. Một số gia đình đã tự bỏ ra 7-8 triệu đồng làm hệ thống dẫn nước từ núi về nhà, đảm bảo nước sinh hoạt quanh năm. Na Sàng hôm nay đã có nhiều đổi khác. Điều đáng quý là bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, những người dân nơi đây đã biết phát huy tính tự lực, tự cường để vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Đúng như anh Nhính nói với chúng tôi thì “Cứ tin vào Đảng, tin vào bà con thì việc gì mình cũng làm được”.