Lặng thầm cho sự sống hồi sinh

10:48, 16/09/2011

Giữa những ồn ã của người bệnh và nụ cười mừng rỡ của người vừa được thầy thuốc cứu thoát, ít ai biết đến có sự tham gia, đóng góp âm thầm của những người đang làm việc tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu Thái Nguyên.

Đã nhiều lần đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, tôi được chứng kiến ở khu vực cấp cứu hay ở các khoa Ngoại, Sản, Nhi... những tất bật, khẩn trương của người thầy thuốc. Họ đang làm việc để cứu giúp người bệnh có lại được một cơ thể khỏe mạnh, hoặc chí ít là giảm đi phần nào nỗi đau thể xác... Và giữa những ồn ã kêu la của người bệnh và nụ cười mừng rỡ của người vừa được thầy thuốc cứu thoát, ít ai biết đến có sự tham gia, đóng góp âm thầm của những người đang làm việc tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu Thái Nguyên, với chức năng đảm bảo an toàn máu cho phục vụ cấp cứu...

 

... Một ngày trung tuần tháng 9, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, tôi vô tình được chứng kiến cặp vợ chồng trẻ Hoàng Văn Hưng - Lương Thị Mến, xóm Làng Ngòi (xã Động Đạt, Phú Lương) trong niềm vui tràn đầy hạnh phúc. Ôm đứa con thơ trong lòng, chị Mến nói với mọi người: Nhờ các thầy thuốc cấp cứu kịp thời, con trai tôi được sống. Còn anh Hưng cứ líu ríu cảm ơn mọi người đã quan tâm hỏi thăm. Con trai của cặp vợ chồng trẻ này là cháu Hoàng Văn Bé, nhập viện lúc mới 4 ngày tuổi. Cháu bị bệnh vàng da, tăng BLIUBIN trong máu do bất đồng nhóm máu mẹ con. Nếu không truyền thay máu kịp thời, cháu bé sẽ khó qua khỏi cơn nguy kịch. Song hoàn toàn khác so với các trẻ em sơ sinh, do cháu Bé có nhóm máu khó xác định nên bác sĩ, kỹ thuật viên Trung tâm bắt tay khẩn trương làm các xét nghiệm máu, tìm phương án giành lại sự sống cho cháu.

 

Thầy thuốc ưu tú Vũ Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm nhớ lại: Trong thời gian hơn 3 năm gần đây, Trung tâm đã làm xét nghiệm, pha trộn điều chế chế phẩm máu, cấp phát máu cho Khoa nhi để thay máu cho hơn 20 trường hợp trẻ sơ sinh. Hầu hết các trường hợp, cán bộ Trung tâm chỉ phải làm từ 1 đến 2 xét nghiệm là yên tâm, bảo đảm cấp phát máu cấp cứu an toàn. Nhưng trường hợp của bệnh nhân Bé, khi làm các xét nghiệm chéo, máu cho vào thử trong ống nghiệm đều bị ngưng kết, vón lại. Làm đến xét nghiệm thứ 5, 6 không có kết quả, trong phòng nghiệm bắt đầu có ý kiến chuyển cháu về Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) điều trị. Kinh nghiệm nghề nghiệp cho biết: Thời gian không ủng hộ bệnh nhân nên nếu chuyển Hà Nội, cháu Bé sẽ bị nhiễm độc thần kinh ngay trên đường đi cấp cứu, có thể dẫn đến tử vong.

 

Nhìn cháu Bé nằm lịm đi trong vòng tay người mẹ tội nghiệp, chị Vân thương lắm, động viên bác sĩ, kỹ thuật viên tiếp tục làm thêm các xét nghiệm cần thiết, đồng thời gọi điện về Khoa Truyền máu Bệnh viện Nhi Trung ương nhờ tư vấn. Vừa hội chẩn từ xa qua điện thoại, vừa chỉ đạo cán bộ kiên trì làm thêm các xét nghiệm nhóm máu của mẹ và xét nghiệm Coombs trực tiếp, gián tiếp của con để tìm nguyên nhân, sau đó tiếp tục thử các phản ứng... Chị Vân thở phào: Chúng tôi phải chọn 10 đơn vị máu mới được 2 đơn vị khối hồng cầu nhóm O để thay cho bệnh nhân, mất hơn 3 giờ đồng hồ thử các xét nghiệm và hội chẩn, chúng tôi đã giành ‘chiến thắng’ , tìm ra nhóm máu thích hợp để cấp phát sang Khoa Nhi kịp thời truyền cho cháu.

 

Với tập thể gồm 30 cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên đang công tác tại Trung tâm, trường hợp bệnh nhân Bé là một kỷ niệm đáng nhớ, dù rằng ngày nào ở đây cũng có máu được cấp phát phục vụ cấp cứu. Được biết, ngoài cung cấp máu cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Huyết học - Truyền máu Thái Nguyên còn thường xuyên cung cấp máu phục vụ cấp cứu cho các bệnh viện ở tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang và một số bệnh viện lớn ở Hà Nội. Cũng từ những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phong trào hiến máu nhân đạo từ các trường đại học, cao đẳng và một số cơ quan Nhà nước trên địa bàn phát triển nên lượng máu thu được hàng năm ngày càng tăng. Nếu như năm 2008, Trung tâm tổ chức được 3 đợt hiến máu, tiếp nhận được 295 đơn vị máu, thì năm 2009, Trung tâm đã phối hợp tổ chức được 30 đợt, tiếp nhận được hơn 4.000 đơn vị máu; năm 2010, tổ chức được 42 đợt, tiếp nhận được hơn 6.000 đơn vị máu ; 8 tháng đầu năm nay, Trung tâm cũng đã tổ chức được 30 đợt hiến máu tình nguyện, tiếp nhận được hơn 4.000 đơn vị máu. Tuy vậy, lượng máu cần cho cấp cứu hàng năm mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu thực tế. Vì thế, máu vẫn chủ yếu ưu tiên dành cho bệnh nhân cấp cứu khẩn cấp, ưu tiên sản khoa, thay máu sơ sinh và những bệnh nhân trong cơ thể không tự sản sinh được máu thay thế.

 

Để có máu an toàn tiếp cho những bệnh nhân nặng được hồi sinh sự sống, những cán bộ huyết học hàng ngày vẫn tiếp tục lặng lẽ với công việc của mình. Ngay sau tiếp nhận máu của người hiến tặng là một loạt các xét nghiệm được thực hiện để sàng lọc, loại bỏ các đơn vị máu có bệnh lây nhiễm. Tiếp đến là việc định nhóm máu rồi mới bắt đầu mang máu vào sản xuất thành các chế phẩm máu. Chị Vân cho biết thêm: Từ năm 2003, hơn 90% lượng máu (máu toàn phần) do Trung tâm tiếp nhận được đã đưa vào sản xuất thành các chế phẩm máu, như: Khối hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương đông lạnh và tủa lạnh, nhờ đó, đáp ứng được yêu cầu truyền máu hiện đại, truyền máu từng phần, tránh lãng phí và đồng thời tránh nguy cơ tiềm ẩn cho người bệnh. Đặc biệt từ ngày 1-1-2011, Trung tâm Huyết học - Truyền máu Thái Nguyên đã triển khai kỹ thuật định nhóm máu và phát máu trên Gelcard thay cho kỹ thuật trong ống nghiệm. Kỹ thuật mới này bảo đảm an toàn về mặt miễn dịch.

 

Không ồn ào, không gây khó dễ và cả không ‘phong bì’ của người nhà bệnh nhân, những cán bộ đang công tác tại Trung tâm huyết học - Truyền máu Thái Nguyên đã làm việc hết mình vì một sự hồi sinh cho bao cuộc đời.