Một mô hình quản lý hiệu quả công trình nhà nước đầu tư

10:55, 28/09/2011

Sau 7 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Mỹ Yên, Đại Từ đã đem lại nhiều hiệu quả: Công tác quản lý tốt, vận hành an toàn và khai thác công trình hết công suất; người dân được sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất ổn định, chất lượng.

Năm 1997, tổ chức UNICEF đã tài trợ 370 triệu đồng cho xã Mỹ Yên để xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy từ núi Tam Đảo về 4 xóm (Chùa, Cao, La Yến, Đồng Cháy) cho khoảng 125 hộ gia đình gần chân núi thường xuyên thiếu nước vào mùa khô hoặc nước giếng bị vàng đục không sử dụng được. Tuy nhiên, sau khi công trình được đưa vào sử dụng, không có cơ quan nào đứng ra quản lý nên nhanh chóng xuống cấp, mất nước thường xuyên do mùa mưa đất đá bồi lấp bể trữ, đường ống dẫn, trâu bò thả rông trên đầu nguồn gây ô nhiễm nguồn nước… Năm 2002, UBND tỉnh phê duyệt đầu tư nguồn vốn trên 3,7 tỷ đồng để  xây dựng công trình nước sinh hoạt thứ 2 tại xã Mỹ Yên với mục tiêu đưa nước sạch đến cho phần lớn người dân trong xã sử dụng. Rút kinh nghiệm từ công trình trước, cấp ủy, chính quyền xã Mỹ Yên đã đề xuất với huyện và các cơ quan chức năng của tỉnh cho thành lập HTX Dịch vụ cấp nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Mỹ Yên để quản lý cả 2 công trình nước sinh hoạt đầu tư tại xã.

 

Khi mới thành lập HTX có 13 xã viên là người ở địa phương với quy chế hoạt động rõ ràng,  xây dựng bảng tin về cấm tình trạng phá hoại, gây ô nhiễm nguồn nước, kè đá nơi đầu nguồn để ngăn trâu bò thả rông làm ô nhiễm nguồn nước, tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích thiết thực của công trình mang lại. Từ khi HTX đi vào hoạt động thì những hiện tượng người dân phá đường ống dẫn nước đã không còn, những sự cố nhỏ xảy ra kịp thời được khắc phục nên rất hiếm khi mất nước. Tâm sự với chúng tôi, chị Cao Thị Thơm ở xóm Đồng Cháy cho biết: “Nước giếng gia đình tôi có màu vàng không sử dụng được nên phải thường xuyên đi xin nước ăn ở xa nhưng giờ thì có nước sạch dẫn về tận nhà thuận tiện hơn bao nhiêu”. Ngay ở xóm Bắc Hà, một trong những xóm xa nhất của xã Mỹ Yên cũng đã có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt.

 

Mặc dù là vùng nông thôn nhưng sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, HTX Dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường xã Mỹ Yên đã dần tạo được thói quen sử dụng nước sinh hoạt có trả tiền. Hiện tại mỗi tháng HTX thu được 14-16 triệu đồng, trừ tiền in hoá đơn, nộp thuế… mỗi tổ viên được trả lương 1 triệu đồng, số còn lại dùng để gây quỹ và mua sắm thiết bị, sửa chữa, bảo dưỡng đường ống.

 

Thời gian đầu HTX thu 700 đồng/1m3, năm 2009 tăng lên 1.500 đồng/1m3 và đến ngày 1-6-2011 đã tăng lên 2.500 đồng/1m3 (theo khung giá nước sinh hoạt ở nông thôn được UBND tỉnh). Theo ông Đào Ngọc Lan, Chủ nhiệm HTX cho biết việc tăng giá nước như vậy đã được cơ quan chức năng chấp thuận và cần thiết vì giá cả các mặt hàng đều tăng. Thu 1.500 đồng/1m3 thì lương của các xã viên chỉ được 600.000 đồng/1 tháng, quá thấp so với công việc họ phải đảm nhiệm vì vậy họ sẽ không tiếp tục làm nữa. Tính đến đầu tháng 7-2011 đã có 21-25 xóm với 971 hộ dân được sử dụng nước. Trung bình mỗi hộ dân xã chỉ sử dụng từ 8-15m3 nước/1 tháng nên số tiền phải đóng hàng tháng không nhiều nhưng nếu không có khoản thu này HTX sẽ phải ngừng hoạt động và chắc chắn công trình không thể hoạt động ổn định lâu dài.

 

Trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của người dân do Nhà nước đầu tư. Nhưng nhiều nơi vẫn chưa có một mô hình quản lý thật sự hiệu quả mà chỉ có một số người tự đứng ra tổ chức vận hành, nên hoạt động còn lỏng lẻo, chất lượng phục vụ nước sinh hoạt cho người dân chưa tốt. Vì vậy mô hình HTX dịch vụ cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi của xã Mỹ Yên cần được nhân rộng để những công trình do Nhà nước đầu tư phục vụ lợi ích của người dân được tốt hơn.