Người thầy thuốc phải luôn tu dưỡng, rèn luyện cả đức và tài

09:01, 09/09/2011

Đối với người thầy thuốc, tài và đức phải luôn song hành, đó là những lời tâm huyết của bác sĩ Lê Xuân Tân – Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên khi nói về việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm Gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tập thể cán bộ, công  nhân viên chức Bệnh viện.  

Bệnh viện C Thái Nguyên là một bệnh viện đa khoa có quy mô lớn của tỉnh với 420 giường bệnh, 24 phòng, khoa điều trị, 473 cán bộ công nhân viên. Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng  bộ Bệnh viện C đã xác định hai chủ đề lớn để vận dụng học tập vào thực tế đó là: Nâng cao y đức và phát triển khoa học kỹ thuật vào khám, điều trị cho bệnh nhân. Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Lê Xuân Tân, Giám đốc Bệnh viện C cho biết: “Nâng cao y đức là vấn đề sống còn của bệnh viện, do đó, khi triển khai cuộc vận động chúng tôi đã gắn những tư tưởng chỉ đạo, tác phong lối sống của Bác, lời dạy của Bác về y đức để mọi người dễ hiểu và làm theo bằng chính những công việc của mình”.

 

Sau khi triển khai nội dung của Cuộc vận động đến toàn thể cán bộ, viên chức Bệnh viện, Đảng bộ yêu cầu mọi người viết bài thu hoạch, xây dựng chương trình hành động của mỗi cá nhân gắn với công việc được giao. Các cấp ủy Đảng sẽ căn cứ vào đó để theo dõi giám sát và nhắc nhở mọi người thực hiện. Bên cạnh đó, Bệnh viện có chế độ khen thưởng, kịp thời động viên khuyến khích các tập thể cá nhân làm tốt, phê bình những việc làm chưa tốt. Ngoài ra, Bệnh viện còn thực hiện giám sát bằng cách mở hòm thư góp ý tại các khoa phòng, Ban thanh tra của Bệnh viện sẽ tổng hợp hàng tuần các ý kiến phản hồi đóng góp của bệnh nhân, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các cán bộ vi phạm. Cũng qua hòm thư góp ý, nhiều kiến nghị của bệnh nhân đã được bệnh viện tiếp nhận, rút kinh nghiệm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Chiều thứ 5 hàng tuần, Bệnh viện tổ chức họp bệnh nhân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng cũng như các ý kiến đóng góp của bệnh nhân.

 

Xác định làm tốt y đức phải đi đôi với nhiệm vụ chuyên môn, trong những năm qua, Bệnh viện rất chú trọng công tác phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào khám, điều trị, thường xuyên cử cán bộ đi học ở cả trong và ngoài nước. Riêng năm 2010, bệnh viện đã cử 81 cán bộ đi học, trong đó có 7 cán bộ đi học ngắn hạn ở nước ngoài. Nhờ đó, đến nay bệnh viện đã triển khai được gần 20 loại phẫu thuật nội soi và thực hiện được nhiều phẫu thuật chuyên sâu như: phẫu thuật sọ não, phẫu thuật các bệnh về tiết niệu, gan, mật; triển khai thành công kỹ thuật lọc máu ngoài thận. Trong lĩnh vực lâm sàng, đây là Bệnh viện đầu tiên ở Thái Nguyên và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc triển khai thành công kỹ thuật chụp cắt lớp đa dãy (16 dãy)… Đặc biệt, với phương châm xã hội hóa y tế nhằm mang lại những điều kiện chữa trị bệnh tốt nhất cho người dân, ngày 16/10/2010 bệnh viện đã chính thức khai trương Trung tâm trị liệu ung thư (liên kết đầu tư với Singapore và Trung Quốc với tổng trị giá gần 100 tỷ đồng).

 

Trò chuyện với bệnh nhân Nguyễn Thị Oanh (60 tuổi), xã Nga My, Phú Bình, hiện đang điều trị khối u tại Trung tâm trị liệu ung thư, chúng tôi hiểu việc Trung tâm ra đời có ý nghĩa rất lớn đối với người dân bởi trước đây những trường hợp này đều phải chuyển về các bệnh viện lớn ở Hà Nội để điều trị. Bà Oanh cho biết: “Trước Tết tôi có đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai và phát hiện có u ở não nhưng do nhà tôi nghèo nên tôi chưa dám đi điều trị, đến ngày 23 Tết thì bệnh phát nặng, gia đình đưa tôi nhập viện C, vì ở đây có các thiết bị điều trị được bệnh ung thư, nên khi các bác sỹ nói sẽ điều trị bằng phương pháp mới, tôi đồng ý ngay. Đến nay, bệnh của tôi đã giảm, tôi thấy khỏe ra, đầu không bị đau như trước nữa, tôi rất cảm ơn các bác sĩ”.

 

Là người trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân Oanh, Bác sĩ Phạm Văn Trường cho biết: Phương pháp mới mà bệnh viện áp dụng đó là sử dụng dao Gamma (Gyro Knife) thế hệ 5 hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Đây là phương pháp phẫu thuật không xâm nhập nên tránh được các biến chứng như chảy máu, gây mê; thời gian phục hồi nhanh, phương pháp này được dùng cho các trường hợp khối u nằm ở sâu bên trong, ở các vị trí nguy hiểm. Được biết đây là bệnh nhân thứ 2 điều trị tại Bệnh viện theo phương pháp mới này, bệnh nhân đầu tiên là ông Nguyễn Văn Hậu, 41 tuổi ở Tam Dương, Vĩnh Phúc, đã được ra viện, hiện tình trạng sức khỏe ổn định.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Xuân Tân, Giám đốc Bệnh viện cho biết thêm: “Đối với các bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo như bà Oanh, Bệnh viện sẽ thực hiện miễn giảm chi phí điều trị. Với 420 giường bệnh, hiện nay công suất sử dụng đạt 150%, năm 2010 bệnh viện được đầu tư trên 64 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp mở rộng các khoa: sản, nhi…dự kiến sẽ đưa vào sử trong năm 2011. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển Bệnh viện với tổng số vốn đầu tư trên 380 tỷ đồng”…

 

Do xác định đúng trọng tâm để học tập và làm theo tấm gương của Bác, sau 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, Bệnh viện đã có được những kết quả đáng mừng: Chất lượng chăm sóc, phục vụ và điều trị bệnh được nâng cao, nhiều ứng dụng khoa học mới được đưa vào áp dụng thành công, uy tín của Bệnh viện không ngừng được nâng lên.

 

Với những thành tích đã đạt được, Bệnh viện C đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bộ Y tế, UBND tỉnh tặng 6 bằng khen, 2 Cờ thi đua xuất sắc… Nhưng có lẽ với tập thể cán bộ công nhân viên nơi đây, phần thưởng cao quý nhất đó chính là “niềm tin yêu” của người bệnh.