No ấm với cây chè

09:44, 21/09/2011

Từ một vùng rừng núi hoang vu, nhân dân xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh (Phú Lương) đã xây dựng nơi đây thành mảnh đất trù phú, xanh tươi đầy sức sống…

Chè là nguồn thu chính

 

Chiều thu, phong cảnh làng quê Quyết Thắng thật yên bình, đâu đâu cũng thấy mầu xanh của những nương chè. Dẫn chúng tôi đi giữa những nương chè bát ngát, ông Đỗ Cao Thoan, Trưởng xóm cho biết: Quyết Thắng có 106 hộ. Bà con ở đây chủ yếu sống nhờ vào cây chè. Toàn xóm có trên 60ha chè, diện tích ruộng cấy lúa chỉ khoảng 2ha. Nhớ lại gần 50 năm trước chúng tôi gồm 9 hộ dân ở Thái Bình lên đây định cư theo tiếng gọi của Đảng, nơi đây lúc đó toàn là rừng rậm tối tăm, cây cối chằng chịt, không có đường đi. Để sinh sống, chúng tôi đã phát cây rừng, đốt rẫy để tra lúa, nhưng đất cao, thiếu nước, nên cứ tra 10 mố may ra thu hoạch được 4-5 cây lúa. Đời sống bà con khó khăn thiếu thốn mọi bề, 2 hộ không chịu nổi phải bỏ về quê. Những hộ còn lại vẫn kiên trì bám trụ với hy vọng sẽ tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế.

 

Cuộc sống của bà con trong xóm bắt đầu có sự đổi thay từ năm 1972, khi một số hộ mang cây chè về trồng, ban đầu chỉ là trồng để lấy búp uống phục vụ nhu cầu của gia đình, nhưng rồi thấy cây chè phát triển tốt, hương vị đậm đà nên bà con đã dần mở rộng diện tích. Những đồi bãi tra lúa, trồng sắn trước đây dần được phủ kín mầu xanh của chè. Đến nay, xóm đã có 60ha chè, trong đó 15ha là các giống chè cành. Nhờ cây chè, đời sống của bà con đã từng bước khấm khá lên, nhiều hộ đã trở nên giàu có. Hiện xóm chỉ còn 7 hộ nghèo theo tiêu chí mới, đều là những hộ neo đơn, bệnh tật, không có lao động.

 

Kinh tế phát triển, nhân dân trong xóm đã đóng góp tiền, công làm đường, kéo điện để phục vụ cuộc sống. Hiện xóm đã có đường ô tô vào tận cuối xóm và đường điện do nhân dân tự đầu tư trị giá 240 triệu đồng, nhà văn hóa được xây dựng từ năm 1998 trị giá trên 40 triệu đồng.

 

Và là biểu tượng của địa phương

 

Để chuẩn bị cho Liên hoan Trà diễn ra vào tháng 11, huyện Phú Lương đã tiến hành tìm kiếm, lựa chọn ra những cây chè đẹp để tham gia. Theo chân những người đi tìm kiếm những ứng cử viên “hoa hậu chè”, chúng tôi đến xóm Quyết Thắng và phát hiện một bất ngờ thú vị: Quyết Thắng còn giữ được khá nhiều cây chè tổ, những cây chè gần 40 tuổi vẫn mướt xanh và tủa búp non tơ không thua kém những lứa chè đang “độ xuân thì”. Gia đình bà Tô Thị Bột là hộ khá nhiều cây chè như thế và có 2 cây đã lọt qua vòng sơ khảo để đến với cuộc thi. Không cần giới thiệu, chúng tôi cũng có thể nhận diện đó là cây nào bởi chỉ nhìn qua một lượt đã thấy rõ được nét đẹp của tán và sức sống mãnh liệt của cây. Cây chè cao 0,8m, đường kính tán 1,6m, đường kính gốc 12cm, lá to, có mầu xanh đậm và láng bóng, tràn đầy sức sống. Kể về quá trình phát triển của những cây chè này, bà Bột cho biết: Đây là mấy cây chè đầu tiên của gia đình trồng. Trước đây, chồng tôi rất mê uống trà nên đã đi xin hạt chè về trồng hơn chục cây trong vườn để lấy búp uống. Khi chè được thu hoạch, uống không hết, tôi liền đem bán. Từ đó, thấy cây chè có thể phát triển được, gia đình tôi tiếp tục trồng thêm trên 30 cây nữa trên sườn đồi. Đến nay, số cây này vẫn còn và cho năng suất rất khá. Chỉ tính 1 cây chè được chọn đi thi cây chè đẹp, cứ khoảng 40 ngày cho hái 1 lứa, mỗi lứa được 2kg búp tươi. Để những cây chè này phát triển tốt và cho năng suất cao chủ yếu phụ thuộc vào kỹ thuật thu hái. Mỗi lần hái chỉ để lại 1 lá tai và 1 lá to, hái sạch hết những búp kẹ để chè lên đều, như thế năng suất mới đạt cao và cây lúc nào cũng xanh tươi.

 

Không chỉ gia đình bà Bột mà hầu hết các hộ làm chè ở đây đến nay vẫn còn giữ được những cây chè như thế, hiện nay thống kê cả xóm cũng còn tới hơn 100 cây. Theo suy nghĩ của một số người dân nơi đây thì, những cây chè tổ này được giữ lại, chăm sóc và thu hái như một sản phẩm đặc trưng của xóm.

 

Mặc dù không phải là dân “nghiện” trà, nhưng bên tách trà nóng vừa hãm bằng chính những búp chè tươi hái từ cây chè tổ trong vườn nhà bà Tô Thị Bột, chúng tôi bị hấp dẫn bởi hương thơm ngát và mầu nước xanh sóng sánh. Nhấp từng ngụm nhỏ, tôi cảm nhận vị ngọt hậu đọng lại mãi nơi đầu lưỡi, một cảm giác sảng khoái lạ và trong lòng lâng lâng niềm vui khó tả.