Phát triển Trung tâm vùng: Bước đột phá giao thông

17:50, 24/09/2011

Ngày 1-7-2004, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 37/NQ-TW chỉ rõ “…phát triển Thái Nguyên thành một trong những trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ”. Thực hiện mục tiêu quan trọng đó, tỉnh đã xác định các lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng tâm cần đẩy mạnh phát triển, trong đó kết cấu hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được xem là bước đột phá có tính chất tiền đề.

         Bài 1: Sức vươn từ những tuyến đường

 

Từ năm 2005 trở lại đây, chúng ta được chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới giao thông trên toàn địa bàn. Nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch cùng hệ thống tỉnh lộ, đường giao thông nội bộ được đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây mới đang mang lại hiệu quả nhất định, góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả khu vực.

                       
Từ hạ tầng giao thông chậm phát triển

 

Xin được lấy năm 2005 (tức là sau khi toàn tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị) để làm mốc thời gian so sánh sự phát triển của mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2005 trở về trước, hạ tầng giao thông của chúng ta được xem là khá yếu. Lúc này, các tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 37; Tỉnh lộ 261 Đại Từ - Phổ Yên, 268 Phú Lương - Định Hoá, 269 T.P Thái Nguyên - Đồng Hỷ… đều trong tình trạng xuống cấp. Hơn thế nữa, mặt đường của các tuyến giao thông quan trọng này lại nhỏ hẹp, gồ ghề nhiều nút thắt cổ chai hoặc quanh co, gấp khúc khiến cho hoạt động lưu thông của các phương tiện giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Ngành Giao thông - Vận tải Thái Nguyên thì giai đoạn này các tuyến quốc lộ (liên tỉnh) nhiều đoạn bị thụt lún, lở, vỡ; mặt đường của một số tuyến tỉnh lộ (liên huyện) chưa được thảm nhựa, thường là mặt đất rộng chỉ 3,5m, rất lầy lội và bụi bặm; hệ thống đường giao thông nông thôn (liên xã, xóm) mới đạt tỷ lệ bê tông và thảm nhựa khoảng 20% đến 30%. Nhiều tuyến đường huyết mạch, kết nối các vùng kinh tế quan trọng trong và ngoài tỉnh như: Phú Bình - Sông Công, Phú Bình - Phổ Yên, Định Hoá - Sơn Dương (Tuyên Quang), Đại Từ - Định Hoá… chưa có hoặc chưa được mở rộng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh. Ông Ngô Mạnh Cường, Trưởng Phòng Quản lý đầu tư xây dựng (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Chúng tôi đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2009 và nhận thấy mạng lưới giao thông của chúng ta trước đây còn khá yếu, chỉ bằng khoảng từ 30% đến 50% so với hiện tại.

 

Đến những tuyến đường mang tính “chiến lược”

 

Dùng từ “chiến lược” nghe có vẻ khiên cưỡng, nhưng nếu xét về tầm nhìn và hiệu quả thực tế mà các tuyến đường mang lại đối với sự phát triển chung của tỉnh và khu vực thì mới hiểu hết được ý nghĩa của nó. Chắc chẳng ai đặt câu hỏi tại sao khi Thái Nguyên đã có tuyến Quốc lộ 3 chạy qua mà Chính phủ vẫn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Điều đó dễ hiểu bởi khi nền kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu giao thông càng lớn, sự kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm càng nhiều thì việc có thêm các tuyến đường huyết mạch thông thương với nhau lại càng cần thiết. Hơn nữa, Thái Nguyên là tỉnh có vị trí trung tâm vùng, được xem là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội. Vì thế, một mặt chúng ta vẫn tiếp tục nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 3, mặt khác lại tập trung thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Đây được xem là tuyến đường “chiến lược” bởi thay vì phải mất 2 giờ để đi ô tô từ Thái Nguyên về Thủ đô và ngược lại (80km) thì khi tuyến đường cao tốc hoàn thành (34,4km) chúng ta chỉ mất khoảng 45 đến 50 phút. Dự án có vốn đầu tư 8.500 tỷ đồng với tiêu chuẩn đường cấp 1, nhiều làn xe này đã và đang là “cánh tay” của tỉnh vươn ra đón chào các nhà đầu tư tiềm năng đến với Thái Nguyên.

 

Cùng với đó là tuyến đường tránh T.P Thái Nguyên có mức đầu tư xây mới và cải tạo khoảng 850 tỷ đồng, dài gần 15km, nhằm giảm số lượng phương tiện giao thông trọng tải lớn qua thành phố. Thông qua tuyến đường này còn giúp giao thông thông suốt giữa các khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp luyện kim và vật liệu xây dựng từ T.P Thái Nguyên đi Phú Lương, Đồng Hỷ, từ đó gắn liền với các tỉnh lân cận như: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang…

 

Trước đây, chúng ta đều biết Phú Bình là một huyện thuần nông của tỉnh, nhưng nay địa phương này đã có bước phát triển khá cả về công nghiệp lẫn thương mại, dịch vụ. Có được điều đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của hai tuyến đường “chiến lược” là Quốc lộ 37 đoạn Cầu Ca - Phố Hương và Tỉnh lộ 262 đoạn Điềm Thuỵ - Sông Công. Tuyến Quốc lộ 37 được nâng cấp thành đường cấp 4 đồng bằng với bề mặt rộng 8m, nền 9m, vốn trên 220 tỷ đồng nối Phú Bình với vùng kinh tế mới nổi là Bắc Giang, Bắc Ninh. Tỉnh lộ 262 được xây dựng là đường cấp 4 miền núi nối hai khu công nghiệp Điềm Thuỵ và Sông Công, đồng thời gắn với tuyến Quốc lộ 3 đi Hà Nội. Hiện Ngành Giao thông -Vận tải đang đề nghị nâng lộ giới tuyến đường này lên 42m, mặt đường rộng 22m để đạt tiêu chuẩn đường trục khu công nghiệp.

 

Chúng ta cũng đang phối hợp triển khai, kêu gọi đầu tư và có ý tưởng xây dựng các tuyến đường “chiến lược” khác như: Đường vành đai 5 của Hà Nội đoạn trên địa bàn tỉnh tính từ Phú Bình đi Phố Cò (Sông Công), qua Phúc Thuận (Phổ Yên), đến Núi Cốc (T.P Thái Nguyên) đi qua đường hầm nối với Tam Đảo (Vĩnh Phúc); đường vành đai 1 của tỉnh có điểm đầu từ Cổ Lũng (Phú Lương) đi Huống Thượng (Đồng hỷ) nối với tỉnh lộ 269 qua Bàn Đạt, Đào Xá, Thượng Đình (Phú Bình) và đấu nối vào Quốc lộ 37, kinh phí dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng; tuyến tỉnh lộ 270 từ Đán đi Phúc Xuân vào Khu du lịch hồ Núi Cốc rộng 48m, dài 12,8m có vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng; quy hoạch để xây dựng tuyến đường nối Quốc lộ 37 với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Quốc lộ 3 đi qua Khu Tổ hợp Yên Bình dài khoảng 11km…

 

Ngoài những tuyến đường quy mô thể hiện tầm nhìn lâu dài, bền vững đối với một tỉnh có vị thế trung tâm vùng, chúng ta còn chú trọng tới nâng tầm hệ thống giao thông nông thôn. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã thảm nhựa và bê tông hoá được 90% số tuyến đường tỉnh, 60% tuyến đường huyện, đường liên xã, liên thôn…

 

Tạo sức bật tăng trưởng kinh tế

 

Nhận thấy vai trò to lớn của hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương nên đã có năm, cụ thể là năm 2009 tỉnh chọn làm “năm giao thông”, lấy xây dựng hạ tầng giao thông làm khâu đột phá. Và chính sự đột phá đó đã kích thích các thành phần kinh tế phát triển, góp phần tạo ra sức bật quan trọng trong guồng quay tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh. Phải thừa nhận, những năm gần đây ngày càng nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn có nguồn vốn đầu tư khổng lồ hiện diện tại Thái Nguyên. Nhà đầu tư Nguyễn Duy Khanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Châu A - Thái bình Dương, đơn vị đang thi công dự án Khu đô thị Bắc Nam khẳng định với chúng tôi: Đơn vị quyết định đầu tư tại Thái Nguyên là vì biết chắc sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư ngoài tỉnh, đặc biệt là từ Thủ đô Hà Nội. Ngoài sức hút từ sự hiện đại của dự án còn là bởi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang dần hoàn thiện. Có người đã tính tới chuyện ngày làm việc ở Hà Nội, tối về ngủ ở Thái Nguyên. 

 

Từ thuận lợi về giao thông, nên đến nay toàn tỉnh đã có gần 30 khu, cụm công nghiệp được xây dựng ở những vị trí gần đường để thu hút các nhà đầu tư. Chỉ tính từ năm 2006 đến hết năm 2010, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 380 dự án được chấp thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có trên 170 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và trên 200 dự án được chấp thuận đầu tư. Điều đáng quan tâm là có 26 đối tác nước ngoài đến Thái Nguyên với số vốn FDI trên 340 triệu USD. Đồng chí Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện uỷ Phú Bình nhận định: Từ khi hoàn thành nâng cấp hai tuyến đường Quốc lộ 37 và tỉnh lộ 262 qua địa phận, huyện đã đón nhận thêm một số dự án đầu tư quy mô lớn như: Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Dự án Tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (trên 8.000ha)… Như vậy, hạ tầng giao thông có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư của địa phương. Một nhà đầu tư người Đức khi phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh mấy năm trước đã bày tỏ sự hài lòng đối với quyết tâm cải thiện mạng lưới giao thông của tỉnh. Ông này chia sẻ: Trong phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Ở đâu giao thông được cải thiện thì ở đó nền kinh tế lớn mạnh. Các nước phương Tây đã làm rất tốt điều này.

 

Cũng chính bởi hệ thống giao thông được cải thiện mà từ năm 2005 trở lại đây các hoạt động thương mại, dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ hơn. Hệ thống hạ tầng du lịch, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối quy mô lớn mọc lên khá nhanh. Tất cả mang lại sự phát triển cân đối, đúng với cơ cấu kinh tế đã được tỉnh xác định. Báo cáo của UBND tỉnh mới đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2005-2010 của chúng ta đạt khoảng 10,82%, cao hơn 1,68% bình quân của 5 năm trước đó. Đặc biệt, công nghiệp đạt gần 15%, dịch vụ gần 12%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 950 USD/người/năm, tăng 2,62 lần so với giai đoạn trước…