Bảo vệ lúa song phải bảo vệ người

10:09, 05/10/2011

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh điều này khi kiểm tra tình hình phòng chống lũ tại tỉnh Đồng Tháp, ngày 4/10. 

Sau chuyến kiểm tra tại An Giang trong ngày 3/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác Chính phủ đã di chuyển bằng đường thủy để trực tiếp khảo sát; đồng thời kiểm tra, đánh giá công tác phòng chống lũ của các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do lũ.

 

Phó Thủ tướng đã đến khảo sát thực tế sạt lở ở khu vực cù lao huyện Thanh Bình, nơi có diện tích đất bị sạt lở rất lớn. Những diễn biến bất thường của lũ vẫn đang tiếp tục đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân nơi đây.

 

Hiện tuyến đường nhựa Cả Lách, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình đang xảy ra sạt lở trên toàn tuyến với chiều dài hơn 1km, sạt lở cách lộ nhựa còn từ 0,5 - 1,5m; sạt lở bờ sông Tiền tiếp tục xảy ra mạnh tại ấp Tân Phú, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình.

 

Kiểm tra việc gia cố đê bao bảo vệ khoảng 2.000 ha lúa vụ 3 ở cánh đồng Thường Thới Tiền - Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự và cánh đồng lúa ở phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, người dân đã tập trung quyết liệt chống chọi với lũ lớn bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tính mạng người dân. Nhiều tuyến đê bao đã được cứu kịp thời.

 

Ông Phan Tuấn Lợi, một người dân ở xã Thường Thới Tiền tham gia gia cố đê bao hơn 10 ngày qua cho biết: “Anh em ở đây trực xuyên suốt, bám trụ dù trời mưa gió, ban đêm thì cầm đèn đi tuần. Bên cạnh đó, lực lượng bộ đội phối hợp gia cố đê bao rất tốt”.

 

Trước những thiệt hại nặng ở Đồng Tháp, Phó Thủ tướng cho rằng, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các huyện bám sát tình hình, vì khả năng tiếp tục sẽ có đợt triều cường xảy ra vào thời điểm giữa tháng 10.

 

Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh thường xuyên tăng cường kiểm tra, chỉ đạo rà soát các vùng đê xung yếu. Huy động mọi nguồn lực từ lực lượng quân đội, công an đến bà con nhân dân bảo vệ các bờ bao, bờ đê, giảm thiểu những thiệt hại do lũ gây ra. Mặt khác, đề nghị tỉnh tiếp tục di dời các hộ dân nhà bị ngập, chuyển dân vùng ven sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

 

Cũng như tại An Giang, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh tác dụng rất lớn của các cụm tuyến dân cư vượt lũ. Đây là chương trình lớn mà các tỉnh vùng lũ cần có thêm sự đầu tư hơn nữa để đảm bảo an toàn tính mạng và an sinh cho nhân dân vùng lũ, đồng thời với việc duy trì và nhân rộng các điểm giữ trẻ mùa lũ.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ: Các công trình cụm, tuyến dân cư, cơ sở hạ tầng đầu tư từ năm 2000 đến nay phát huy tác dụng rõ rệt, hạn chế mức thấp nhất nhà dân bị ngập, trẻ em bị chết vì lũ... Sau mùa lũ năm nay, sẽ quy hoạch lại hệ thống đê bao, cơ sở hạ tầng, đầu tư một cách căn cơ hơn, để vừa ổn định dân cư, vừa sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa, an toàn trong mùa lũ.

 

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương trong khi dồn sức chống lũ bảo vệ lúa, phải bảo đảm an toàn cho trẻ em. Nếu bảo vệ được lúa mà thiệt hại về người thì xem như không thành công...

 

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, đến sáng 4/10, mực nước lũ vùng đầu nguồn tiếp tục xuống từ 3- 5 cm/ngày; khu vực Đồng Tháp Mười lên từ 2- 7 cm/ngày; mực nước nhiều nơi trong tỉnh cao hơn báo động 3 từ 0,29- 0,50m.

 

Hiện gần 20.000 ha lúa vụ 3 đang được gia cố đê bao liên tục, mặt nước còn cách đê từ 0,2- 0,3m; trong đó nhiều đoạn đê bị sạt lở do sóng gió và nước rò rỉ qua thân đê rất nguy hiểm. Riêng tại xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, vừa xảy ra lở đất chiều dài 30m, sâu vào bờ 10m./.