Bệnh vô trách nhiệm

09:58, 08/10/2011

Khi xảy ra hậu quả thì đổ lỗi cho khách quan, rồi qua loa nhận khuyết điểm và năm sau lại tiếp tục mắc lỗi…

Mỗi năm, nước ta hứng chịu cả chục cơn bão, lũ lớn nhỏ gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản. Thế nhưng, cứ sau mỗi lần bão lũ đi qua, lại nghe chính quyền và ngành chức năng địa phương giải thích là “do chủ quan”. Một nguyên nhân mà nhiều người thường vin vào để nói khi không hoàn thành trách nhiệm.

 

Tiếc là xã hội cũng dễ dàng bỏ qua cho lời giải thích ấy bởi nói gì thì chuyện cũng đã rồi. Sự dễ dãi ấy chính là nguyên nhân để cái lý do “chủ quan” của những người có trách nhiệm với dân có đất sống. Họ chủ quan một cách thản nhiên để rồi khi thảm họa xảy ra, họ lại bình thản nhận khuyết điểm và chẳng bị sao cả. Căn bệnh ấy đang cần một liều thuốc đặc trị.

 

Vào mùa mưa bão, người dân đã quá quen với cụm từ “ 4 tại chỗ”. Nào là chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ; nào là vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ… Cái gì cũng vanh vách. Thế nhưng thông tin mấy ngày qua, đồng bào Rục ở 3 bản Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ và bản Ón ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bị cô lập, hơn 700 nhân khẩu bị thiếu đói, phải xin cứu trợ. Sau 3 lần chuyển tải, cuối cùng ca nô của Bộ đội biên phòng Quảng Bình cũng vượt qua quãng đường 5km giữa dòng nước xiết của Khe Ngầm đưa được 2 tấn gạo cứu đói cho dân. Dân nghèo đã đành một nhẽ, đằng này giáo viên cũng bị thiếu lương thực dù mới bị nước lũ cô lập mấy ngày mới là chuyện đáng bàn.

 

 Đây không phải là lần đầu các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình lâm vào cảnh thiếu lương thực trong mùa mưa bão. Năm ngoái, khi bị lũ chia cắt, 2 huyện này cũng đã phải xin cứu trợ bằng trực thăng. Theo số liệu thống kê của Ban phòng, chống lụt bão Trung ương thì mỗi gói mì ăn liền vận chuyển bằng trực thăng đến tay người dân trị giá từ 50.000 đến 70.000 đồng.

 

Chuyện thiếu đói khi bị lũ lụt chia cắt là điều có thể xảy ra, nhất là ở những vùng thường xuyên lũ bão như miền Trung. Điều đó thì ai cũng biết. Thế nhưng, vì sao mới có mấy ngày bị lũ chia cắt mà các huyện đã kêu thiếu đói? Chỉ một tuần biển động, các huyện đảo như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận) đã phải khốn đốn vì thiếu thốn từ lương thực thực phẩm đến dầu thắp sáng, xăng chạy máy và bao nhiêu nhu yếu phẩm khác? Câu hỏi đặt ra là có phải chúng ta khó khăn đến mức không có nổi một kho dự trữ mấy chục tấn gạo, mấy vạn lít xăng, dầu cho một huyện trước mùa mưa bão?

 

Mô hình lập kho gạo dự trữ của cộng đồng làng ở miền núi Quảng Nam, Ngân hàng lương thực ở huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum, hay việc đưa gạo cứu đói của Chính phủ lên miền núi trước mùa mưa bão mà một số địa phương đã làm là những kinh nghiệm hay được báo chí nêu và lãnh đạo nhiều địa phương đều biết. Nhưng vì sao, ở nơi thường xuyên bị lũ, bão cô lập mà lãnh đạo các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình, các huyện đảo Lý Sơn, Phú Quý lại không nhận ra. Nhiều người cho rằng, đó không còn là sự chủ quan nữa mà đã trở thành một thứ bệnh. Đó là bệnh vô trách nhiệm.

 

Biết trước nhưng vô trách nhiệm không làm, đến khi xảy ra thảm họa lại đổ lỗi cho khách quan, rồi qua loa nhận khuyết điểm, không sửa chữa, khắc phục. Cấp trên cũng dễ dãi mà cho qua, nên sau một lần rút kinh nghiệm khuyết điểm cũ lại xảy ra. Người dân vùng lũ sau thiên tai phải đối mặt với bao nỗi lo toan từ cái ăn cái mặc cho gia đình, dựng lại mái nhà lấy chỗ che mưa nắng, nên phần đông cũng bỏ qua cho khuyết điểm của mấy ông cán bộ “chủ quan”.

 

Còn biết bao câu chuyện về thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của một số người trước nỗi đau của đồng loại. Thái độ ấy đã trở thành một căn bệnh làm xói mòn những giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Đó là ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, là truyền thống “thương người như thể thương thân”; đó là tinh thần tất cả vì dân của một số cán bộ công chức trong bộ máy công quyền; đó là tinh thần làm chủ tập thể, làm xem việc cơ quan cũng như việc nhà mình.

 

Căn bệnh ấy đang cần thuốc đặc trị để không ai có thể thờ ơ trước những mất mát, thiệt hại của nhân dân trước thiên tai, trước sự tụt hậu, nghèo đói, sự mất mát của quốc gia dân tộc./.