Châu Á hiện thiếu hụt 117 triệu phụ nữ

07:55, 06/10/2011

Dự báo đến năm 2020, tại Việt Nam, số lượng nam giới nhiều hơn nữ sẽ là hơn 20 triệu người.

Sáng 5-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Mất cân bằng giới tính khi sinh, giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện Bộ Y tế, UNFPA cùng đại diện một số nước tham dự.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Giai đoạn 1979-1989, tỷ lệ tăng dân số là 1,2%; đến năm 2010 tỷ lệ này giảm xuống còn 1,05%. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. Từ năm 2006, trẻ dưới 6 tuổi được chăm sóc y tế miễn phí.

 

Tuy nhiên, công tác dân số tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức, như sự mất cân bằng tỷ lệ sinh giữa các tỉnh, thành, khu vực trong cả nước; đặc biệt tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng nhanh. Năm 2000, tỷ lệ trẻ em nam/trẻ em nữ khi sinh ở Việt Nam là 106,2/100, đến năm 2010 tỷ lệ này là 111,2/100.

 

Việt Nam đặt mục tiêu đến 2015 là 113 trẻ em nam/100 trẻ nữ. Mặc dù các giá trị mất cân bằng giới tính khi sinh ở một số quốc gia cao hơn Việt Nam như Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng tình trạng này đã tăng nhanh ở Việt Nam trong vòng 5 năm qua.  

 

Điều đáng quan ngại đối với Việt Nam là dự báo đến năm 2020, số lượng nam nhiều hơn nữ là hơn 20 triệu người, do đó sẽ có hàng triệu nam giới ở độ tuổi trưởng thành không có khả năng cưới vợ.

 

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Toàn châu Á đang thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ, do mất cân bằng giới tính khi sinh, một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới.

 

Quyền Điều phối viên thường trú LHQ tại Hà Nội, ông Eamonn Murphy, nhấn mạnh mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tác động đến cấu trúc dân số thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, trong tương lai, dẫn đến hậu quả là dân số bị “nam hoá”.

 

Do đó, hệ luỵ tiềm ẩn sẽ là: thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc họ phải kết hôn sớm, nhu cầu mua bán phụ nữ sẽ gia tăng. Tình trạng bạo lực giới và buôn bán phụ nữ được ghi nhận tại Việt Nam cho thấy những nguy cơ mà phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương phải đối mặt.

 

Để giải quyết được vấn đề này, Chính phủ ở các nước cần có chính sách cụ thể; quan tâm hơn tới việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần tăng cường chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi, giúp họ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào con trai để nương nhờ lúc tuổi già./.