Muốn chăn nuôi phát triển bền vững thì công tác thú y, tiêm phòng dịch bệnh đóng vai trò quan trọng, để công tác này phát huy hiệu quả, huyện Định Hóa cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân…
Là huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh có 100% các xã, thị trấn được miễn tiền vắc-xin tiêm phòng trong chăn nuôi (huyện gồm các xã thuộc vùng ATK và xã đặc biệt khó khăn) nhưng trong nhiều năm qua Định Hóa lại là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, đặc biệt là đại gia súc đạt thấp. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chăn nuôi của huyện không ổn định, dịch bệnh xuất hiện thường xuyên và gây thiệt hại lớn.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn trâu , bò ở Định Hóa nằm trong nhóm thấp nhất của tỉnh. Cụ thể, tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng đạt khoảng 50%, bệnh lở mồm long móng (LMLM) chỉ trên dưới 20% tổng đàn. Trong khi đó, theo các ngành chức năng, tỷ lệ tiêm phòng trong chăn nuôi phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên thì mới bảo đảm khả năng miễn dịch, hạn chế nguy cơ dịch trên diện rộng. Chính vì vậy, huyện Định Hóa là một trong 3 địa phương của tỉnh thiệt hại nhièu nhất sau 2 đợt dịch lớn vừa qua. Cụ thể: Dịch tụ huyết trùng bùng phát tại xã Thanh Định vào tháng 9-2010 làm gần 50 con trâu bị chết; dịch LMLM diễn ra trên địa bàn huyện từ tháng 1 tới tháng 4-2011 làm gần 1 nghìn con trâu, bò bị chết. Đến nay, đàn trâu, bò của huyện chỉ còn 9.194 con (gồm 7.645 con trâu và 1.194 con bò), giảm một nửa so với năm 2009. Nhiều hộ nông dân đã bán đàn trâu, bò của gia đình và không tiếp tục chăn nuôi nữa.
Ông Triệu Văn Việt, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Định Hóa cho biết: Nguyên nhân trước hết của tình trạng này là do người dân chưa nhận thức đầy đủ vai trò của việc tiêm phòng vắc - xin là tự bảo vệ tài sản của mình nên chưa tự giác phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ thú y để thực hiện tốt việc này. Thậm chí không ít gia đình còn có tâm lý chủ quan, cho rằng chưa có dịch thì không cần tiêm nên đã khai báo thiếu hoặc không chính xác số lượng gia súc trong diện cần tiêm. Cụ thể như trong đợt dịch tụ huyết trùng xảy ra tại xã Thanh Định năm ngoái, khi các cơ quan chuyên môn tiến hành thống kê mới phát hiện số lượng trâu, bò thực tế của xã nhiều hơn 100 con so với số lượng người dân khai báo.
Ông Phạm Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Định cho biết: Với quá nửa số trâu, bò của xã được người dân chăn thả tự do trên rừng nên khi được thông báo tiêm phòng vắc-xin, nhiều gia đình không muốn tiêm vì phải mất nhiều công đưa gia súc về nhà. Một số trường hợp cán bộ thú y phải bàn giao vắc-xin để gia đình tự tiêm hoặc thuê người tiêm nên không đảm bảo. Có trường hợp đã nhận thuốc nhưng để ở nhà và không tiêm. Do vậy, Thanh Định là một trong những xã có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trên đàn gia súc thấp nhất ở Định Hóa, đạt chưa tới 30%.
Một nguyên nhân nữa là chế độ cho thú y viên cơ sở quá thấp nên không đảm bảo được về số lượng và tâm huyết làm việc của đội ngũ này. Theo quy định: Khi thực hiện tiêm phòng, Trạm Thú y huyện sẽ thu phí của các hộ chăn nuôi là 4 nghìn đồng/con trâu, bò và 2 nghìn đồng/con lợn (trước tháng 7-2011, tiền phí tương ứng là 2 nghìn đồng và 1 nghìn đồng). Thú y viên được hưởng 1/2 số tiền này, còn lại chi trả cho xã và cán bộ thôn, xóm thực hiện thống kê số gia súc. Theo anh Lại Thế Khiêm, cán bộ thú y xã Phú Đình: Với đặc thù là huyện miền núi, chăn nuôi chủ yếu là thả rông và phân tán như Định Hóa thì mức trả công cho thú y viên như vậy là quá thấp. Là người đã 3 năm gắn bó với công việc này, anh Ma Doãn Đạt, xóm Đèo Muồng, xã Phú Đình chia sẻ: “Tôi làm công việc này chủ yếu vì tâm huyết và mong muốn học tập được kiến thức để phục vụ chăn nuôi của gia đình, chứ tiền công chẳng đáng là bao. Có ngày đi cả chục cây số mà chỉ tiêm được hơn chục con trâu, bò, không đủ tiền xăng xe máy”. Trong khi đó, xã Quy Kỳ thậm chí còn không có thú y viên nên ông Lưu Đức Chiều, cán bộ thú y xã phải kiêm luôn nhiệm vụ tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc. Do vậy, thời hạn tiêm phòng vắc-xin đợt 2 năm 2011 cho gia súc đã sắp kết thúc nhưng ông Chiều mới thực hiện được việc này ở 6/21 xóm trên địa bàn xã.
Theo anh Triệu Văn Việt: Chủ trương của huyện là xây dựng ở mỗi xã từ 6 đến 8 thú y viên mới đảm bảo công việc chuyên môn. Tuy nhiên, hiện phần lớn các xã chỉ có từ 2 đến 3 người, thậm chí không có nên việc triển khai thực hiện tiêm phòng thường chậm và không đạt so với kế hoạch. Một vướng mắc nữa đối với huyện Định Hóa trong năm nay là số lượng vắc-xin hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Cụ thể trong đợt 2 này, huyện mới được tiếp nhận 5.000 liều vắc-xin bệnh tụ huyết trùng và 6.500 liều vắc-xin LMLM, trong khi đàn đại gia súc của toàn huyện là hơn 9.000 con.
Muốn chăn nuôi phát triển bền vững thì công tác thú y, tiêm phòng dịch bệnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Để công tác này phát huy hiệu quả, huyện Định Hóa cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, thống kê và quản lý chặt sẽ số lượng gia súc. Huyện cũng cần có có cơ chế khuyến khích để đội ngũ thú y viên ở cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn và yên tâm gắn bó hơn với công việc…