Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành và hội nhập

08:31, 13/10/2011

Trong xu thế đổi mới và hội nhập, các doanh nghiệp, doanh nhân đã có điều kiện thuận lợi thể hiện bản lĩnh trên thương trường, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.

Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13-10), để hiểu rõ hơn về vai trò, sự đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân và những chính sách của tỉnh nhằm góp phần tạo đà cho doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện thuận lợi hơn trên bước đường sản xuất, kinh doanh, xin giới thiệu ý kiến của đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này.

 

P.V: Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đồng chí đánh giá thế nào về vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân?

 

Đồng chí Dương Ngọc Long: Việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế là chủ trương lâu dài của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời hoàn thiện cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Những năm gần đây, tình hình thị trường trong nước và thế giới liên tục có những biến động phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của tỉnh và các doanh nghiệp. Trước những khó khăn ấy, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng địa phương đã vào cuộc cùng doanh nghiệp, doanh nhân tìm hướng đi mới. Trong khó khăn, càng khẳng định và nhận rõ bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân. Các doanh nghiệp, doanh nhân đã nỗ lực vượt khó, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội khác. Vì vậy, vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn đối với nền kinh tế - xã hội địa phương cũng như đất nước.

 

P.V: Xin đồng chí đánh giá rõ hơn về những đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian qua?

 

Đồng chí Dương Ngọc Long: Hiện, toàn tỉnh có trên 3.000 doanh nghiệp. Đây là lực lượng có vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Với sự chỉ đạo, trợ giúp có hiệu quả của các cấp, ngành từ Trung ương, địa phương và sự nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nhân thời gian qua hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định được mình, đem lại hiệu quả rõ nét thể hiện trên các mặt:

 

Thứ nhất, làm tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh toàn bộ hệ thống kinh tế. Ngày nay, khi xây dựng nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, nhất là trước yêu cầu hội nhập, cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Vì thế, các doanh nghiệp luôn tìm hướng đi mới và khẳng định vị thế của mình trên thương trường. Chính sự cạnh tranh này góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng và dịch vụ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

 

Thứ hai, doanh nghiệp là lực lượng chính trong việc đóng góp GDP (năm 2010 khối doanh nghiệp đóng góp 57,18% GDP của tỉnh). Nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Hàng năm tăng trưởng đạt trên 20%; giá trị kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt trên 150 triệu USD; góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm từ 15-20%, dự ước năm 2011 đạt khoảng 15 nghìn tỷ đồng theo giá cố định, đưa Thái Nguyên trở thành một trong 15 tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn trên toàn quốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân đã có đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.

 

Thứ ba, đây là lực lượng chính góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã được thành lập tại các vùng miền khác nhau, góp phần vào việc giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo yêu cầu của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Thứ tư, các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Doanh nghiệp không chỉ biết lo làm giàu cho mình, mà còn là cơ sở để giải quyết việc làm cho người lao động một cách hiệu quả. Bình quân hàng năm, tạo việc làm mới cho khoảng 16 nghìn lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...

 

Thứ năm, trong giai đoạn này, cộng đồng doanh nghiệp dần tạo ra một môi trường văn hóa kinh doanh mang tính kinh tế thị trường, tạo ra những nhà kinh doanh giỏi. Đây là điều rất cần thiết đối với Việt Nam hiện nay. Việc tạo ra môi trường văn hóa kinh doanh mang tính thị trường cũng như một đội ngũ kinh doanh giỏi là yếu tố vô cùng quan trọng, cũng là điều mà lãnh đạo tỉnh đang quan tâm và tạo điều kiện để các doanh nhân khẳng định được mình.

 

P.V: Thời gian qua, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi gì để doanh nghiệp yên tâm hoạt động và mở rộng thị trường, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Dương Ngọc Long: Nhằm tạo điều kiện thuận cho các doanh nghiệp đầu tư tại Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như: về cơ sở hạ tầng, tài chính, môi trường, tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách thủ tục hành chính… Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị để tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; triển khai thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả mang tính liên ngành giữa các cơ quan Nhà nước với nhau; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ công chức hành chính Nhà nước trong thực thi nhiệm vụ. Thực hiện đúng các giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ ban hành, đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại, rủi ro cho doanh nghiệp. Lãnh đạo các sở, ngành và ủy ban các huyện, thành phố, thị xã phải tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc rà soát, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý thuế, công tác giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực cao cung cấp cho doanh nghiệp; đảm bảo an ninh trật tự, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh…

 

Tôi tin rằng, khi tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách, giải pháp đã đề ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi, làm tiền đề để Thái Nguyên nói chung, doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng đồng hành cùng đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, phát triển tương xứng với vị trí trung tâm vùng Việt Bắc.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!