Để tăng sự đồng thuận từ phía người dân đối với việc triển khai các dự án, lãnh đạo UBND T.P Thái Nguyên đã tích cực tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với người dân…
Một trong những dự án quan trọng và mang tính thời sự rõ nét nhất hiện nay là Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ ngã ba Đán qua làng chè Tân Cương đến đập chính hồ Núi Cốc. T.P Thái Nguyên đảm nhiệm GPMB toàn Dự án với một khối lượng công việc lớn (có tới 841 hộ dân bị ảnh hưởng trên toàn tuyến) và thời gian gấp do phải đảm bảo tiến độ thi công để kịp đưa vào phục vụ Liên hoan Trà. Đa số các hộ dân đã phối hợp với Tổ công tác giúp việc GPMB, nhưng cũng không ít hộ còn thắc mắc, dây dưa, không hợp tác.
Trước tình hình này, T.P Thái Nguyên một mặt chỉ đạo các phường, xã và Tổ công tác tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, mặt khác tích cực tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp. Một trong những buổi đối thoại như thế được tổ chức vào ngày 10-8, tại Nhà văn hóa tổ 7, phường Thịnh Đán. Tại đây, người dân đã được bày tỏ tất cả những thắc mắc, kiến nghị của họ với trên 20 lượt ý kiến, sau đó được nghe trả lời, giải đáp đầy đủ từ phía lãnh đạo thành phố và của đại diện các cơ quan liên quan (Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố, Phòng Tài nguyên Môi trường, các chủ dự án…). Người dân cho rằng, họ hoàn toàn ủng hộ việc nâng cấp, cải tạo con đường, tuy nhiên, yêu cầu cần phải được công bằng, thỏa đáng và được nhận đầy đủ những quyền lợi chính đáng. Kết quả của cuộc đối thoại đã giải quyết được cơ bản những vấn đề đó.
Cũng liên quan đến việc GPMB Dự án trên, T.P Thái Nguyên đã tổ chức trên 10 cuộc đối thoại tương tự. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố còn tiến hành những cuộc gặp trực tiếp với từng hộ dân có yêu cầu, trả lời thắc mắc qua điện thoại… Từ tác dụng của việc tuyên truyền và đối thoại trực tiếp mà đa số người dân từ khi chưa được nhận tiền đền bù đã chấp nhận bàn giao mặt bằng và tạo điều kiện cho đơn vị thi công. Đến đầu tháng 9, việc GPMB trên toàn tuyến của Dự án đã hoàn tất, tuy chậm so với kế hoạch nhưng với khối lượng công việc và thời gian gấp gáp, đây có thể coi là sự thành công.
Một dự án khác mà lãnh đạo UBND thành phố cũng đã rất nhiều lần tổ chức đối thoại trực tiếp với dân về công tác GPMB là Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Liên quan đến thắc mắc của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này (tại các xã, phường: Lương Sơn, Tân Lập, Tích Lương, Thịnh Đức), thành phố đã tiến hành hàng chục cuộc đối thoại tại địa bàn nhằm giải đáp và chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ những quyền lợi chính đáng của người dân. Qua đó mà công tác GPMB diễn ra tương đối thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của Dự án.
Đã được tham dự khá nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, chúng tôi nhận thấy, người dân khi được mời đến dự đối thoại đều bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng khi những, thắc mắc của họ được trực tiếp lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng lắng nghe và giải đáp. Ông Diệp Văn Tình ở Xóm 8, xã Phúc Hà sau khi được dự và phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại của lãnh đạo thành phố với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án mở rộng khai trường Mỏ than Khánh Hòa đã nói: Tôi cảm thấy rất thỏa mãn khi mình được bày tỏ ý kiến trực tiếp và được trả lời thỏa đáng. Sau khi nghe giải thích, tôi cũng vỡ vạc thêm nhiều kiến thức về Luật Đất đai và chính sách đền bù, GPMB của Nhà nước. Chúng tôi mong muốn, lãnh đạo thành phố, cơ quan chức năng và chủ đầu tư thực hiện đầy đủ những cam kết để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Phường Hoàng Văn Thụ nằm ở trung tâm của thành phố, hiện có 7 dự án đang triển khai công tác GPMB và thi công trên địa bàn. Người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án như: Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng; Xây dựng Nhà hát ca, múa, nhạc dân gian Việt Bắc; Đường Bắc Sơn, đường Minh Cầu (đoạn nối đường Bắc Sơn) và Khu dân cư số 1… đều đã được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố. Theo ông Ngô Danh Thùy, Chủ tịch UBND phường thì việc lãnh đạo thành phố đối thoại trực tiếp với dân đã giảm đi áp lực rất nhiều cho phường bởi nhiều ý kiến thắc mắc, kiến nghị của người dân mà cấp phường không đủ thẩm quyền trả lời và giải quyết như: giá đền bù hay việc định khu tái định cư. Việc đối thoại tại địa bàn cũng giảm áp lực cho Phòng Tiếp dân của thành phố, của tỉnh và làm giảm đáng kể lượng đơn thư khiếu kiện của nhân dân về đất đai cũng như công tác GPMB. Quan trọng hơn là qua đối thoại trực tiếp, khi người dân được thỏa mãn về lợi ích, được giải đáp đầy đủ thì sẽ đồng thuận với việc triển khai các dự án, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy, phương thức đối thoại cần được duy trì và tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.
Đồng chí Mai Anh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, người đã tham gia rất nhiều cuộc đối thoại với dân tại địa bàn về công tác GPMB cho biết: Thành phố tiến hành những cuộc đối thoại với dân không hạn chế về số lượng, thời gian và thường được tổ chức khi cơ sở và chủ đầu tư cảm thấy khó khăn, vướng mắc nhất trong công tác GPMB hoặc khi các dự án đang ở giai đoạn “nước rút” để tiến hành khởi công. Qua đối thoại, lãnh đạo thành phố được nghe trực tiếp những tâm tư nguyện vọng, thắc mắc, kiến nghị của người dân. Những cuộc đối thoại đồng thời là những buổi tuyên truyền pháp luật, cơ chế chính sách trong GPMB và Luật Đất đai đến với người dân. Vì vậy mà có những trường hợp tưởng như sẽ phải tiến hành cưỡng chế nhưng mọi vấn đề đã được giải quyết thông qua đối thoại.