Hiệu quả phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ

09:12, 05/10/2011

Trong nhiệm kỳ 2005-2010, các cấp hội Phụ nữ huyện Định Hóa đã giúp đỡ cho 876 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, vượt 2,5 % so với nghị quyết đã đề ra…

Chị Nguyễn Thị Bảy, thôn 1, xã Phú Tiến (Định Hóa) là gia đình hội viên phụ nữ nghèo được tham gia Dự án Hỗ trợ phụ nữ phát triển được triển khai tại 8 xã của huyện. Năm 2009, gia đình chị Bảy được hỗ 50 con gà giống để làm vốn, được tập huấn kiến thức chăn thả, tiêm phòng dịch bệnh… khi bán gà, trừ chi phí, chị Bảy còn lãi hơn 1 triệu đồng. Vừa chăn nuôi vừa rút kinh nghiệm, đến nay, chị Bảy đã mạnh dạn nuôi mỗi lứa 600-900 con gối nhau (3 tháng), trừ chi phí, mỗi lứa chị cũng lãi gần 10 triệu đồng. Giờ gia đình chị đã thoát nghèo, chị dự đình đầu tư lò mổ để cung cấp gà thịt sẵn cho thị trường vì vận chuyển gà sống dễ lây lan dịch bệnh…

 

Chị Vũ Thị Bình, xóm Phú Hội, xã Sơn Phú lại được chị em trong nhóm tín dụng tiết kiệm tạo điều kiện vay 1 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư phân bón phát triển cây chè. Nhờ có tiền, hơn 2 sào chè của gia đình được bón đủ phân nên đã cho năng suất gần 30kg chè khô/sào/lứa. Chị đã vay 6 tháng và đến nay đã hoàn trả quỹ để cho chị em khác khó khăn hơn được vay. Chị Ngô Thị Thiện, được vay 1,4 triệu đồng để mua phân bón đầu tư chăm sóc 4 sào chè cành, 5 sào chè trung du và được các thành viên trong nhóm sở thích trồng chè (do chi hội phụ nữ xóm thành lập), giúp đỡ thu hái, trao đổi cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… nên năng suất chè của gia đình chị Thiện đã tăng lên, chất lượng chè cũng cao hơn trước. Hiện nay, diện tích chè cành của gia đình chị đã được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP…

 

Trên đây chỉ là vài địa chỉ phụ nữ nghèo được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Định Hóa hỗ trợ, giúp đỡ để thoát nghèo. Toàn huyện hiện còn 33% hộ nghèo theo chuẩn mới, trong đó có 17,5% (1.439 hộ) hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Thực hiện chương trình Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp phấn đấu mỗi năm giảm từ 8% trở lên số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Chị Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Thực hiện công tác giảm nghèo thì trước hết phải xác định được nguyên nhân nghèo, nguyện vọng của các hộ nghèo, trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp cụ thể để giúp đỡ. Qua khảo sát, thì phần lớn các hộ nghèo đều thiếu vốn, kiến thức phát triển kinh tế gia đình, vì thế, Hội Phụ nữ các cấp đã phát động phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế" dưới nhiều hình thức như: giúp bằng tiền, vàng, cây giống, con giống, không tính lãi; giúp ngày công… Các cấp Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội, các nguồn vốn khác cho trên 4 nghìn lượt chị em vay với số tiền hàng tỷ đồng, đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng vốn có hiệu quả, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi...

 

Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực khai thác nguồn lực thông qua các chương trình, dự án để giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế, đã thành lập được 126 tổ hợp tác, nhóm sở thích với 600 hội viên phụ nữ tham gia. Các chị được tiếp cận mô hình, tổ nhóm hoạt động hiệu quả như: Lò mổ gia cầm khép kín tại xã Phượng Tiến; tổ hợp tác gà giống tại xóm Làng Gầy, xã Phúc Chu; nhóm trồng lúa Bao Thai hàng hóa ở xã Bảo Cường, nhóm nuôi ong ở xã Phú Tiến… Cùng với giúp đỡ vốn, kỹ năng phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội còn vận động tiền để hỗ trợ xây dựng được 14 nhà Mái ấm tính thương giúp phụ nữ nghèo với số tiền trên 200 triệu đồng. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, các cấp hội đã giúp đỡ cho 876 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, vượt 2,5 % so với nghị quyết đã đề ra.

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp Hội cũng gặp không ít khó khăn, như: nhận thức của một số phụ nữ nghèo còn hạn chế, điều kiện gia đình khó khăn nên các chị chưa mạnh dạn, tự tin trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Vì thế, để giúp đỡ chị em thoát nghèo bền vững thì công tác tuyên truyền, vận động cho các hộ nghèo hiểu rõ về chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và xác định bản thân các hộ nghèo phải tự vươn lên là chính, xóa bỏ tư duy trông chờ, ỉ lại. Có như thế mới thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu bằng chính đôi bàn tay và sức lực của mình…