Miền Trung tiếp tục khắc phục và phòng chống bão

16:05, 04/10/2011

Hai ngày qua, trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung có mưa vừa, nhiều nơi như tỉnh Quảng Trị, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có mưa to. 

Do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có mưa to kèm theo gió mạnh, khiến nhiều cây xanh bật gốc ngã đổ, hơn 100 ha tỏi vụ Đông Xuân năm 2011-2012 và hoa màu vừa xuống giống bị mưa gió làm dập nát, cuốn trôi.

 

Chủ động đối phó với bão số 6, huyện đảo Lý Sơn kêu gọi 410 phương tiện đánh bắt trên biển vào neo đậu an toàn tại Vũng An Hải. Đồng thời, có phương án di dời 33 hộ dân nằm trong vùng sạt lở và triều cường ra khỏi vùng nguy hiểm.

 

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, rút kinh nghiệm những năm trước, huyện đã phân công rõ ràng cho các thành viên trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão; bố trí kinh phí dự trữ lương thực và có phương án cụ thể di dời dân vùng sạt lở.

 

Tại tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm này mưa đã ngớt, nước đang rút chậm. Tất cả các tuyến giao thông như quốc lộ 12, 15, 20 và nhánh tây Hồ Chí Minh đã cơ bản thông tuyến.

 

Các điểm bị ngập nặng trong  những ngày qua ở Quảng Bình như thôn xã Thượng Hóa, Tân Hóa, huyện Minh Hóa đến nay, nước cũng đã rút hoàn toàn. Hôm nay (4/10), UBND huyện Minh Hóa tiếp tục vận chuyển lương thực về dự trữ và cấp phát cho bà con hai xã trên để các địa phương chủ động đối phó với cơn bão số 6.

 

Ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: Huyện sẽ đưa gạp về Tân Hóa và vùng Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa. Riêng đồng bào Rục, huyện cũng tiếp tục tăng bo ứng cứu thêm 2 tấn gạo.

 

Còn tại tỉnh Quảng Trị, đến nay vẫn còn gần 2.500 ha lúa Hè Thu chưa thu hoạch, riêng huyện Triệu Phong hiện vẫn còn 1000 ha lúa bị ngập trong nước. Hai ngày qua, ở Quảng Trị trời tiếp tục mưa to, gây ngập úng các xã vùng trũng, nên việc thu hoạch lúa hết sức khó khăn.

 

Để giúp người dân huyện Vĩnh Linh khắc phục hậu quả lốc xoáy và chủ động đối phó với bão số 6, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ mỗi gia đình có nhà bị sập, tốc mái 6 triệu đồng và tấm lợp; đồng thời yêu cầu các địa phương huy động thêm lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện tiếp tục giúp dân thu hoạch lúa, dựng lại nhà cửa.

 

Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị chuẩn bị 24.000 thùng mì ăn liền, 54 tấn gạo, 18.000 chai nước suối và 38.000 lít xăng và dầu hỏa dự trữ để cấp cho các địa phương đề phòng mưa lũ chia cắt dài ngày.

 

Ông Hồ Xuân Hiếu, Giám đốc Công ty Thương Mại Quảng Trị, đơn vị cung ứng nhu yếu phầm phòng chống lụt bão của tỉnh Quảng Trị cho biết: Ngoài kinh phí 1,9 tỷ đồng tỉnh giao, công ty bổ sung gần 4 tỷ đồng để dự trữ 4 mặt hàng thiết yếu là mì ăn liền, gạo, nước uống, xăng dầu đề phòng chống lụt bão và bình ổn giá. Hiện hàng hóa được tập kết tại 2 huyện miền núi và thành phố Đông Hà. Ngoài ra, tại xã A Túc có một trạm để cấp cho các xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa đề phòng lũ dâng cao, gây cô lập.

 

Còn ở ĐBSCL, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ trung lưu sông Mê Kông đang lên; trên dòng chính sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên xuống chậm và ở mức cao; riêng sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa đang lên.

 

Theo dự báo, đến ngày 8/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 4,65m (trên báo động 3 là 0,15m), tại Châu Đốc xuống mức 4,05m (trên báo động 3 là 0,05m), tại các trạm chính vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên xuống mức báo động 2 đến báo động 3.

 

Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục lên và đến ngày 8/10 ở mức 2,6m, trên báo động 3 là 0,2m./.