Xóm Mỏ Nước, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) nằm cheo leo trên những quả đồi nên đường đến xóm rất vất vả, nhiều đoạn phải vượt qua những con dốc thẳng đứng, có những đoạn phải lội qua các khe suối nằm vắt ngang đường…
Chúng tôi có mặt ở UBND xã Văn Lăng lúc 7h30 phút, tiếp chúng tôi là những người thường xuyên đi xuống từng thôn, bản “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân. Khi biết chúng tôi có ý định đến xóm Mỏ Nước, đồng chí Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã liền cho biết: Đường lên xóm khó đi lắm, chúng tôi ở đây đã đi nhiều, quen đường rồi mà còn thấy vất vả, huống hồ anh chị mới lên đây lần đầu thì không đi được đâu. Không nản lòng, chúng tôi vẫn quyết tâm lên đường, lúc đó là gần 9h.
Đường vào Mỏ Nước ngoằn nghèo, một bên là đồi, một bên là thung sâu, mặt đường chỉ rộng chưa đầy 1m, anh bạn đi cùng tôi dù đã có nhiều kinh nghiệm lái xe lên vùng cao mà vẫn phải lắc đầu. Xe chạy được chừng nửa cây số, chúng tôi đã phải xuống đi bộ bởi gặp phải dốc cao, lại có những chỗ đất đã bị sói tạo thành những rãnh sâu không thể đi được. Chúng tôi cảm nhận rõ cái khó, cái khổ của người dân nơi đây.
Hơn 10h chúng tôi lên đến nơi. Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Lý Văn Súng, phó trưởng xóm kiêm công an viên. Anh Súng còn rất trẻ, năm nay mới 24 tuổi nhưng đã giữ các vụ trên được 2 năm. Qua anh Súng, chúng tôi được biết: Hiện nay, xóm có 26 hộ với 130 nhân khẩu. Người dân trong xóm chủ yếu sống dựa vào những hạt bắp lúc đầy, lúc vơi trên nương bởi đây là vùng cao, xung quanh toàn đồi núi nên rất hiếm nước, không thể trồng lúa. Mỗi năm bà con ở đây trồng 2 vụ ngô, chủ yếu là giống ngô lai NK 4300 nhưng chỉ 1 vụ rơi vào mùa mưa là được thu hoạch, còn vụ kia thì có năm được, năm không. Vì vậy, tình trạng thiếu đói ở các hộ vẫn thường xuyên diễn ra từ 2-3 tháng/năm. Khó khăn nhất với bà con Mỏ Nước là không có đường, vì đường ra xã chủ yếu là đường mòn, cheo leo trên vách núi nên hầu như không có phương tiện nào vào được xóm. Để mang được các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ sinh hoạt hàng ngày không còn cách nào khác là đi bộ hơn chục cây số và gùi trên lưng. Một lần đi chợ là mua đồ cho cả tháng, mà hàng hóa chủ yếu vẫn chỉ là muối ăn và dầu thắp sáng. Cũng do việc đi lại khó khăn nên mỗi khi trong xóm có người ốm đau hay sinh đẻ, người dân đều tự chạy chữa bằng những bài thuốc dân gian, nguy kịch quá thì mới gọi anh em, người thân đến khiêng ra trạm y tế xã. Không ít người bệnh ra đến nơi thì đã quá muộn. Gần đây nhất là trường hợp của chị Ma Thị Chí, sinh năm 1992 (vào hồi cuối tháng 9 năm nay). Theo lời kể của ông Lương Văn Vừ (bố chồng của chị Chí) thì khi chị chuyển dạ có dấu hiệu khó sinh, người nhà liền chuyển chị ra trạm y tế nhưng vì trời tối, đường khó đi nên đến nơi thì cháu bé đã bị chết ngạt.
Ngoài chuyện mơ ước có một con đường, bà con nơi đây còn khao khát được nhìn thấy ánh sáng của điện. Không có điện đồng nghĩa với việc không có thông tin liên lạc, người dân chẳng hay biết gì về thế giới bên ngoài. Ông Đào Văn Kinh là một trong những người gắn bó lâu nhất với nơi này tâm sự: Mình chưa bao giờ được nhìn thấy ánh đèn điện về đêm, bà con ở đây cũng mong có cái điện lắm nhưng lấy đâu ra tiền mà kéo dây, trả tiền điện.
Càng đi sâu vào trong xóm, chúng tôi càng thấu hiểu sự thiếu thốn của bà con nơi đây. Cả xóm không có lấy một mét vuông xây dựng hay một mét kênh mương nào. Nước sinh hoạt ở đây rất hiếm, người dân thường dùng những cây nứa bổ đôi hay ống nhựa để dẫn nước về nhưng chỉ đủ dùng trong mùa mưa, còn mùa khô thì cả xóm chịu chung cơn khát. Bà con nơi đây cũng mong được dùng nước giếng nhưng để có được một chiếc giếng khoan thì phải mất gần 20 triệu, trong khi cái ăn còn chưa no, cái mặc còn chưa đủ thì với khoản kinh phí trên, đào giếng tìm nước vẫn là niềm mơ ước của các gia đình trong xóm.
Bởi cái đói, cái nghèo nên chuyện học của trẻ em nơi đây cũng không được chú trọng. Cả xóm chỉ có 2 phòng học xiêu vẹo được dựng chênh vênh bên sườn núi, trong lớp học là mấy bộ bàn ghế cũ kỹ đã bị mối mọt và hầu như cái nào cũng long chân, thỉnh thoảng vài đàn gà của dân lại vào bới đất tung tóe ở các góc lớp. Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên được tăng cường về đây cho biết: Điểm trường này có 3 giáo viên về dạy chương trình tiểu học cho các em, khi lên cấp II nếu muốn học tiếp các em phải đi gần chục cây số đường rừng mới có trường học nên phần lớn khi học hết cấp I là các em đều bỏ học ở nhà với lý do đường xa, nhà nghèo… Cả xóm hiện vẫn chưa có em nào học lên đến cấp III.
Chiều muộn, chúng tôi rời Mỏ Nước, đường vòng lên, vòng xuống quanh co, vắng lặng, chỉ có tiếng xe là ồn ào, trong tôi vẫn ám ảnh mãi về câu chuyện buồn của chị Chí. Hy vọng trong một ngày không xa, nguyện vọng có đường đi, có điện thắp sáng của bà con sẽ sớm trở thành hiện thực, để bà con có điều kiện giao lưu, trao đổi hàng hóa, được tiếp cận với ánh sáng văn minh và đẩy lui được cái đói, cái nghèo.