Mót than - Nghề mưu sinh nguy hiểm

11:03, 03/10/2011

Có hàng chục lý do đẩy những người dân Xã Phục Linh, Đại Từ vào nghề mót than đầy nguy hiểm trong khi sản phẩm thu về chẳng được bao nhiêu…

Trong trang phục đen nhẻm, bóng mồ hôi,  chúng tôi theo chân những người mót than ở xóm Khuôn 1, xã Phục Linh (Đại Từ) lên bãi thải của Mỏ than Phấn Mễ (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) hành nghề “mót than”. Vượt qua những đoạn dốc quanh co, lúc thẳng, lúc dựng đứng, sau hơn 1 giờ cuốc bộ, chúng tôi mới đến  nơi. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là những chiếc xe tải chở đất đang ì ạch bò lên dốc để đổ thải. Gọi là bãi nhưng thực ra, đây là núi đất đá cao đến 200 mét, có chỗ tương đối bằng phẳng cho xe vào đổ thải, có chỗ hõm sâu, chênh vênh không biết đổ ụp lúc nào. Lúc chúng tôi đến, đã có khoảng trên 100 người, cả đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ em đang ra sức đào bới, mót nhặt từng viên than lẫn trong đất đá. Ai nấy mặt mũi lấm lem, mồ hôi nhễ nhại trộn lẫn bụi than đen đúa. Họ đi lại thoăn thoắt trên những sườn núi đất mượn, lôi theo chiếc bao tải đựng than. Mỗi khi thấy xe chở thải xuất hiện, hàng chục người nhao xuống, nhảy lên xe, nhanh tay nhặt những cục than còn sót lại rồi vội vàng nhảy xuống trước khi lái xe nghiêng ben đổ đất.

 

Thấy chúng tôi bơ phờ, nhem nhuốc, anh Hồng (xóm Lược) hỏi “Lính mới à?” rồi chỉ vào cái can nhựa 20 lít bụi bặm bảo “Có khát nước không? nếu khát thì cứ ra tự rót mà uống, nhưng cẩn thận không đất đá rơi vào”. Lúc đầu tôi nghĩ đất, đá sẽ rơi vào chúng tôi, sau mới biết anh Hồng nói thế là sợ đất đá rơi vào đầu những người đang mót than phía dưới.

 

Có hàng chục lý do đẩy những người dân này vào nghề  mót than vất vả, cực nhọc và nguy hiểm, chủ yếu họ là người trong diện các hộ dân được đền bù. Xã Phục Linh có 6 xóm trong diện đền bù để khai thác và làm bãi thải than của Mỏ Than Phấn Mễ là Khuôn 1, Khuôn 2, Khuôn 3, Cẩm 1, Cẩm 2, Cẩm 3 thì có tới 3 xóm là Cẩm 1, Cẩm 2, Cẩm 3 người dân hầu như không còn đất sản xuất. Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, trưởng xóm Cẩm 1 cho biết: “Xóm có 74 hộ, hầu như hộ nào cũng có người đi mót than, sàng than thuê… Nhà nào nằm trong diện đền bù của Mỏ thì có người được nhận vào làm công nhân (đền bù 4 sào đất thì được 1 suất công nhân), hoặc được tạo điều kiện cho đi làm than vỉa kẹp (nhặt than còn lẫn dưới đất cho lên xe), bán lại cho Công ty (ký hợp đồng theo thời vụ). Cũng có nhà còn ruộng nhưng thường không cấy được vì thiếu nước, chân ruộng thụt lún.

 

Hòa vào những người đi mót than, tôi được “đồng nghiệp” kể cho nghe nhiều chuyện sứt đầu, mẻ trán, gãy chân tay, đứt tủy sống…vì nghề. Cách đây chưa đầy 1 tháng, một xe chở đất thải thuê cho Mỏ bị lật, trên xe có 4 người thì 2 người may mắn sống sót, lúc ấy may là chưa có ai kịp trèo lên mót như mọi lần. Cách đây 2 năm, anh Trần Văn Quý, xóm Ngọc Linh, do nhảy lên xe để nhặt than, không may bị trượt chân ngã xuống đất và bị xe cán chết. Một phụ nữ cũng bị thiệt mạng do đất đá đè lên.

 

Mót than nguy hiểm vất vả là thế nhưng thu về cũng chẳng bao nhiêu. Một nghìn đồng cho 1kg than củ; 5 đến 10 nghìn đồng cho một bao tải (khoảng 10 đến 15kg) than cám. Cầm trên tay những đồng tiền sau cả ngày bới nhặt cật lực, chị Nguyễn Thị Hồng, xóm Mận cho biết: Mỗi ngày chị nhặt được 4 đến 5 bao, bán được khoảng 5 chục nghìn. Nhiều hôm ăn qua loa gói mỳ tôm, cái bánh mì rồi lại mót tới 12 giờ đêm, vì xe của Mỏ làm ca đêm đến tận lúc đó mới nghỉ.

 

Trời tối thì phân biệt đâu là than, đâu là đá mà nhặt? - tôi hỏi.

 

Chị Hồng cười: - Tối thì đeo đèn pin trên đầu, nhiều khi chỉ cầm lên cũng biết là than hay đá rồi.

 

Cùng với nghề mót than, nhiều người ở đây còn có nghề sàng than thuê. Anh Linh, xóm Lược bảo: “Anh chuyển nghề sang sàng thuê than rồi, vừa đỡ vất vả lại an toàn hơn”. Nói là vậy nhưng nhìn họ sàng than trên sườn núi chênh vênh, tôi cũng không thấy việc này an toàn hơn. Mỗi xe than từ 6 đến 7 tấn, khoảng 6 người sàng từ 7 giờ sáng đến 18 giờ  thì xong, họ được trả công từ 300 đến 350 nghìn đồng/xe. Trung bình mỗi người được 50.000 đồng/ngày.

 

Chúng tôi đem những trăn trở về cách mưu sinh đầy nguy hiểm của những người dân nơi đây đến trao đổi với đại diện chính quyền địa phương. Ông Đỗ Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Phục Linh cũng biết rất rõ việc này: “Chính quyền địa phương cũng như lực lượng bảo vệ Mỏ đã nhiều lần tuyên truyền, cảnh báo cho bà con hiểu về mức độ nguy hiểm của việc đi mót than, thậm chí ngăn cấm, nhưng chỉ được vài hôm người dân lại lên bãi để nhặt than”.

 

Bà Thủy cũng cho biết thêm UBND xã Phục Linh hằng năm vẫn mở các lớp phổ biến kiến thức cho người dân trong xóm về cách nuôi, trồng các loại cây, con và tạo điều kiện cho người dân học các nghề tại Trung tâm Dạy nghề của huyện như: nghề điện, cơ khí, nấu ăn, nhưng những nghề đó không phát triển được ở địa phương.

 

Đã nhiều ngày trôi qua kể từ hôm đi “mót than”, tôi vẫn nhớ những gương mặt, những câu chuyện tôi được nhìn thấy, nghe thấy. Cái vòng luẩn quẩn thiếu đất, thiếu việc làm cứ quẩn quanh giằng níu khiến nhiều năm rồi họ vẫn phải làm cái nghề chẳng là nghề này. Mơ ước sống được bằng nghề nông của những người dân ở đây dường như còn xa xôi.