Nâng cao trách nhiệm với công tác VSATTP

15:53, 27/10/2011

Thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP - trực thuộc Sở Y tế) luôn đề cao công tác tuyên truyền giáo dục và tăng cường các đợt thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Theo ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP, từ đầu năm 2011, Chi cục đã tập trung đẩy mạnh tác tuyên truyền đến nhân dân, cũng như kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP cho các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Chi cục mở các lớp tập huấn về vấn đề ATVSTP cho cán bộ phụ trách từ cấp huyện, thành, thị đến y tế thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về lĩnh vực này.

 

Đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện những nội dung trên đã đạt được những kết quả nhất định. Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng trong các dịp lễ, Tết được đề cập kịp thời đến với nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Đã có hàng nghìn tin, bài được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương. Đặc biệt, Chi cục đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì chất lượng VSATTP (diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5), với thông điệp “Giữ vững cam kết về trách nhiệm của doanh nghiệp với ATVSTP” thu hút sự tham gia của 2.455 người.

 

Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về điều kiện ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm. Chi cục đã mở 20 lớp tập huấn kiến thức về VSATTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống với 464 người tham gia; tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề về VSATTP với gần 1.000 người tham dự; phát 15.000 tờ gấp quy định điều kiện VSATTP, hàng trăm băng đĩa, tài liệu liên quan cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong toàn tỉnh…

 

Không chỉ chú trọng tuyên truyền, công tác thanh kiểm tra về VSATTP cũng được đẩy mạnh trên địa bàn toàn tỉnh. Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh đã chỉ đạo thành lập, kiện toàn các đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã. Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ để đánh giá thực trạng về tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành tại các huyện, thành phố, thị xã. Đoàn cũng tiến hành kiểm tra một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhằm phòng ngừa, phát hiện những sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Bên cạnh việc tham gia phối hợp với các đoàn liên ngành, Chi cục đã thành lập 22 đoàn kiểm tra chuyên ngành để thanh, kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm giám sát mối nguy mất ATTP trên 9 huyện, thành, thị. 9 tháng qua, Đoàn đã tiến hành kiểm tra trên 125 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và dịch vụ phục vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Chi cục VSATTP còn xét nghiệm vi sinh vật trên 1.000 mẫu (ở người, thực phẩm, nước) và xét nghiệm hoá chất (ở thực phẩm, nước, dụng cụ bao gói và một số chỉ tiêu khác) nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý ngộ độc thực phẩm. Cũng từ đầu năm 2011 đến nay, đã có trên 100 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

 

Với những cố gắng trên, các đoàn (liên ngành và chuyên ngành) đã tiến hành kiểm tra trên 6.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện trên 1.000 cơ sở vi phạm ATVSTP. Các cơ sở trên chủ yếu vi phạm về quy chế tem nhãn, xuất xứ hàng hóa, sản phẩm quá hạn sử dụng hoặc chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Theo đó đã có trên 124 cơ sở bị cảnh cáo, 65 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền trên 40 triệu đồng, 5 cơ sở bị hủy sản phẩm, 1 cơ sở bị đóng cửa gần 1.000 cơ sở bị nhắc nhở… Nhìn chung, các đợt thanh kiểm tra đã tạo những tác động đến nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và nhân dân về vấn đề VSATTP. Có cơ sở qua kiểm tra buộc phải đóng cửa kinh doanh nhưng chủ cơ sở đó đã nhận thức được vấn đề mà nâng cấp, sửa chữa và thực hiện theo đúng tiêu chuẩn hợp vệ sinh để hoạt động trở lại.

 

Được biết, từ ngày 1-7-2011, Luật An toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực thay cho Pháp lệnh VSATTP của năm 2003. Để Luật thật sự có hiệu quả và đi vào đời sống, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để phổ biến đến nhân dân cũng  như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Từ đó, tạo nên ý thức trong việc thực hiện ATVSTP của của mỗi người. Hơn nữa, công tác quản lý Nhà nước về chất lượng VSATTP cũng được nâng cao, góp phần bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.