Nâng cấp trang thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh

10:08, 27/10/2011

Những năm qua đội ngũ y, bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên không ngừng được bổ sung và nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu KCB cho nhân dân…

Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (BVĐKTUTN)  được thành lập từ năm 1951. Thời kỳ đầu, Khoa hoạt động dưới hình thức liên khoa Mắt - Tai mũi họng - răng hàm mặt. Sau đó, Khoa được tách ra thành Khoa Mắt độc lập. Khi mới thành lập, Khoa có chưa đến 10 người, trong đó chỉ có 2 bác sĩ; 1 y sĩ, còn lại là y tá. Trang thiết bị vật tư phục vụ cho công tác khám chữa bệnh (KCB) cũng nghèo nàn, chủ yếu là hàng viện trợ của các tổ chức phòng chống mù loà trên thế giới cung cấp và tài trợ. Nhiệm vụ ban đầu của Khoa là KCB về mắt cho các bệnh nhân tại Bệnh viện và đi các huyện để KCB theo Chương trình giải phóng mù lòa Quốc gia cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Ngoài ra, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân các dân tộc thuộc các tỉnh lân cận và hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ cho nhiều cơ sở chuyên khoa mắt trong và ngoài tỉnh.

Mổ thay thủy tinh thể cho bệnh nhân bằng phương pháp Phaco

 

60 năm qua (1951-2011), đội ngũ y, bác sĩ của Khoa không ngừng được bổ sung và nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu KCB cho nhân dân ngày càng tốt hơn. Hiện tại, Khoa đã có 16 người, trong đó có 6 bác sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa, 3 thạc sĩ, 1 bác sĩ chuyên khoa cấp 2, 10 điều dưỡng chuyên khoa  (trong đó có 5 cử nhân điều dưỡng). Ngoài ra, Khoa thường xuyên phối kết hợp với các bác sĩ bộ môn Mắt của Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên gồm 5 giảng viên vừa tham gia làm công tác chuyên môn, vừa giảng dạy cho sinh viên, học viên sau đại học. Trang thiết bị phục vụ bệnh nhân được quan tâm đầu tư ngày càng hiện đại nhằm hỗ trợ đắc lực cho công tác KCB về mắt. Đặc biệt, từ tháng 5-2011, Khoa đã được trang bị một số máy móc hiện đại như: hệ thống chụp mạch huỳnh quang võng mạc (VM) và Laser võng mạc - là những thiết bị hiện đại nhất trên Thế giới. Nhờ có máy chụp mạch huỳnh quang VM nên đã phát hiện sớm các bệnh gây tổn thương VM mắt làm giảm thị lực như: Bệnh VM do đái tháo đường (ĐTĐ); một số bệnh VM khác.v.v. Hệ thống Laser võng mạc nhằm điều trị những bệnh ở VM  mắt như: VM đái tháo đường (biến chứng tại VM mắt do bệnh ĐTĐ gây nên); những bệnh thoái hóa VM; bệnh VM trung tâm; xuất huyết VM… Bên cạnh đó, Khoa còn được trang bị máy đo thị trường kế tự động nhằm phát hiện và kiểm soát sự tiến triển của bệnh Glôcôm (còn gọi là bệnh Thiên đầu thống) để có phương pháp điều trị tốt hơn, hạn chế tỷ lệ mù lòa do bệnh gây nên. Những thiết bị hiện đại này lần đầu tiên được trang bị trên địa bàn tỉnh tại BVĐKTUTN.

 

Tuy mới đưa vào hoạt động được 5 tháng nay, Khoa Mắt đã thực hiện chụp được hàng trăm ca đạt kết quả tốt, chưa xẩy ra tai biến. Nhờ từng bước được nâng cấp về trang thiết bị phục vụ bệnh nhân ngày càng hiện đại, đội ngũ cán bộ được đào tạo trình độ ngày càng cao nên chất lượng khám, điều trị, phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Ngày nay, các y bác sĩ của Khoa đã thực hiện được 80% các kỹ thuật mà Bộ Y Tế quy định đối với tuyến trung ương. Trong đó, Khoa đã thực hiện chẩn đoán và điều trị một số bệnh về mắt mà trước đây chưa làm được như: phát hiện sớm những bệnh về dịch kính VM; bệnh Glôcôm, xác định tổn thương hệ mạch máu VM, các biến chứng tại VM mắt do bệnh toàn thân như: ĐTĐ, cao huyết áp, viêm tắc mạch máu.

 

Đồng thời, thực hiện được những ca kỹ thuật cao mà trước đây thường phải chuyển bệnh nhân về tuyến Trung ương mới xử lý được như: phẫu thuật Phaco; các bệnh kèm theo yếu tố toàn thân (huyết áp, tim mạch); điều trị các bệnh về VM bằng Laser; điều trị chấn thương đứt lệ quản…Không những thế, Khoa còn triển khai được những kỹ thuật mang tính chất thẩm mỹ như: mổ quặm thẩm mỹ; tạo hình mí; mổ lác; sụp mí; các u ở sâu trong hốc mắt. Lưu lượng bệnh nhân nội trú thường xuyên trung bình từ 25 đến 30 bệnh nhân (kế hoạch giường bệnh là 20 giường). Bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú tại phòng khám mắt có từ 60 đến 100 lượt/ngày.

 

Các bác sĩ của khoa chăm sóc bệnh nhân sau ca mổ mắt từ thiện

 

Đi đôi với công tác KCB, từ năm 2008, Khoa còn thực hiện Chương trình 1816 của Bộ Y tế về chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị về mắt cho các bệnh viện tại tuyến cơ sở trong và ngoài tỉnh nhằm giảm tải cho tuyến trên. Đồng thời, hàng năm, Khoa  phối kết hợp với Hiệp hội Phòng chống mù loà Châu Á- Thái Bình Dương, các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước thực hiện nhiều đợt phẫu thuật  từ thiện thay thuỷ tinh thể nhân tạo, mổ mộng, mổ quặm.v.v cho hàng ngàn bệnh nhân trên địa bàn tỉnh.

Khoa mắt còn là nơi thực hành của các thế hệ học sinh, sinh viên, học viên sau đại học từ nhiều năm nay của Trường Đại Học Y - Dược và Trường Cao Đẳng y Thái Nguyên.

 

Với những cố gắng của đội ngũ y, bác sĩ, Khoa Mắt, BVĐKTUTN đã được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen và danh hiệu tập thể lao động xuất sắc năm 2007; có 3 thầy thuốc được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Thạc sĩ y khoa Ninh Sỹ Quỳnh, Trưởng Khoa Mắt, cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng KCB cho bệnh nhân, trong thời gian tới, Khoa sẽ thực hiện tốt các kỹ thuật hiện có, đồng thời tiến tới quản lý bệnh VMĐTĐ; quản lý bệnh Glôcôm (là một trong những bệnh gây tỉ lệ mù loà rất lớn trong nước và trên Thế giới). Đồng thời ứng dụng Laser trong điều trị bệnh Thiên đầu thống (bệnh Glôcôm);  phẫu thuật dịch kính VM tại Khoa (hiện nay bệnh nhân mắc bệnh này vẫn phải chuyển đi Hà Nội). Đồng thời, nâng cấp Phòng khám điều trị tật khúc xạ tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện để tư vấn, hướng dẫn sử dụng kính, giúp cho người bệnh có thị lực tốt nhất, đảm bảo cho quá trình sử dụng kính, dễ chịu, an toàn và tránh các tác dụng không mong muốn do đeo kính.

 

Với đội ngũ y, bác sĩ có trình độ ngày càng cao, thái độ phục vụ tận tình, trách nhiệm; máy móc trang thiết bị hiện đại, Khoa Mắt - BVĐKTUTN sẽ ngày càng đáp ứng yêu cầu KCB tốt hơn cho các bệnh nhân có các bệnh về mắt.