Qua 3 mùa lũ vẫn không thấy... cầu

10:41, 09/10/2011

Tại những vùng có dự án xây dựng cầu vượt lũ ở Đại Từ, người dân sẵn sàng hiến đất và tài sản trên đất chỉ mong có cây cầu, thế nhưng đến nay nhiều có những cây cầu vẫn chưa được thi công…

Dự án Xây dựng cầu nông thôn vượt lũ do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư, nguồn vốn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp được triển khai trên địa bàn huyện Đại Từ từ năm 2009. Theo kế hoạch, 5 cây cầu vượt lũ tại các xã: Hùng Sơn, Quân Chu, Hoàng Nông, Tiên Hội và thị trấn Quân Chu sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng trong năm 2011. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này chỉ có duy nhất cầu Sơn Tập 3 thuộc xã Hùng Sơn là đã xây dựng và đưa vào sử dụng, 4 cây cầu còn lại chưa hoàn thành, thậm chí có những cây cầu còn chưa được triển khai thi công. Điều này đã ảnh hưởng đến việc đi lại và gây bức xúc cho người dân địa phương...

 

Có mặt tại cây cầu nối đôi bờ suối Than vào xóm An Thái, xã Quân Chu vào đúng những ngày mưa to do ảnh hưởng của cơn bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trời lạnh, mưa rét nhưng người dân nơi đây vẫn phải đi về bằng một con đường duy nhất: lội qua suối. Nhìn người dân vượt qua con suối rộng hơn 40m khi nước dâng cao một cách khó khăn, đồng chí Phùng Đình Đề, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm An Thái trầm tư: Trước đây, xóm có cây cầu tạm để nhân dân thuận tiện đi lại chứ không vất vả như bây giờ. Nhưng cuối năm 2009, cây cầu tạm đã bị phá huỷ để phục vụ xây dựng cây cầu mới. Tỉnh đoàn và các đơn vị liên quan đã về khảo sát, lập hồ sơ thiết kế cây cầu vượt lũ này, người dân xóm tôi rất vui mừng phấn khởi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thi công công trình. Khoảng tháng 5-2010, công trình được khởi công, dự kiến xong trước Tết Nguyên đán 2011. Nhưng đến nay, các hạng mục của công trình mới dừng lại ở việc xây dựng mố cầu, phần thân cầu thì dở dang. Đơn vị thi công đã ngừng thi công từ vài tháng nay. Do ảnh hưởng của thời tiết, nước lũ tràn về, các thanh sắt ở lan can đổ trụ đã bị han gỉ hết, mố cầu bị hở vì xói mòn, mấy thanh giằng chữ I được bắc qua giữa cầu không hiểu vì sao lại bị dỡ đi (???). 3 mùa lũ trôi qua, cầu mới chẳng thấy đâu, cầu cũ thì bị phá huỷ nên người dân bức xúc và có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng. Khổ nhất là các cháu học sinh, ngày nào cũng phải lội qua suối đi học. Đã có những trường hợp thương tâm xảy ra khi bị nước lũ cuốn trôi khi đang cố vượt qua suối...

 

Xóm Cua 1, thị trấn Quân Chu cũng là một trong những đơn vị cũng được hưởng lợi từ Dự án này. Anh Bùi Xuân Trường, Trưởng xóm Cua 1 phàn nàn: Công trình đã được chúng tôi bàn giao mặt bằng từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được thi công. Hàng ngày, người dân vẫn phải lội qua con suối Khe Cua (theo cách gọi của người dân địa phương) để đi lại. Thậm chí, nhiều hôm mưa lũ tràn về, nước suối dâng cao, nhân dân không sang họp ở nhà văn hóa được. Cảnh “gần nhà xa ngõ” nhiều năm nay khiến bà con ngán ngẩm. Mỗi năm, vào mùa mưa lũ, huyện Đại Từ đặt nhiều rọ thép tại đây nhưng cũng bị nước lũ cuốn trôi. Bởi vậy, người dân địa phương rất mong Dự án sớm thực hiện bởi đây là con đường chính phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân các xóm 8A, 8B, Cua 1, Cua 2 và xóm 6. Đặc biệt là thuận lợi cho việc đi học của các cháu trong xóm Cua 1 và xóm 8B ra Trường THCS Phúc Thuận (huyện Phổ Yên) học.

 

Được biết, tại những vùng có dự án xây dựng cầu nông thôn vượt lũ, người dân địa phương sẵn sàng hiến đất và tài sản trên đất chỉ mong có cây cầu. Ông Hoàng Văn Bạo, xóm Cua 1, thị trấn Quân Chu có bãi chè rộng hơn 2 sào ngay cạnh vị trí xây dựng cây cầu cho biết: “Nếu làm đường dẫn lên cầu tôi sẵn sàng hiến đất cho Nhà nước”. Bãi chè của gia đình ông Bạo là giống chè cành TRI777 được trồng cách đây 4 năm nay. Hiện nay, mỗi lứa chè cho gia đình ông thu trên 10kg búp khô, thu nhập đạt trên 1,5 triệu đồng.

 

Qua tiếp xúc với người dân các xã: Quân Chu, Tiên Hội, Hoàng Nông và thị trấn Quân Chu, chúng tôi đều nhận được những ý kiến, kiến nghị về tiến độ thi công các công trình chậm. Điều đặc biệt là khi chúng tôi hỏi các thông số về các cây cầu như chiều dài, rộng, vốn đầu tư bao nhiêu thì từ chính quyền địa phương đến người dân sở tại - những người sẽ hưởng lợi đều không hề hay biết. Thậm chí, công tác giám sát cộng đồng ở những nơi này cũng chỉ là hình thức. Đồng chí Triệu Hồng Văn, Chủ tịch UBND xã Quân Chu cũng như đồng chí Lê Chí Thanh, Chủ tịch UBND thị trấn Quân Chu đều cho biết: Chính quyền và nhân dân địa phương chỉ giám sát thời gian thi công chứ không biết gì về công trình.