Ngày 4-11-1831, năm Minh Mạng thứ XII, Nhà vua ban hành cơ chế quản lý hành chính mới, thành lập hơn 20 tỉnh. Trấn Thái Nguyên được gọi là tỉnh bao gồm 2 phủ là Thông Hóa và Phú Bình…
Sách Đại Nam Thực Lục có ghi ngày 4-11-1831, nhằm ngày mùng 1 tháng 10 Tân Mão, năm Minh Mạng thứ XII, Nhà vua phê chuẩn nhiều công việc trong đó có việc ban hành cơ chế quản lý hành chính mới, thành lập hơn 20 tỉnh. Trấn Thái Nguyên được gọi là tỉnh bao gồm 2 phủ là Thông Hóa và Phú Bình; 9 huyện là Cảm Hóa, Tư Nông, Bình Tuyền, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên, Văn Lãng, Đồng Hỷ; 2 châu là Bạch Thông và Đinh Châu... Nhân dịp Kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn Nhà sử học Dương Trung Quốc về vai trò, vị trí của Thái Nguyên trong tiến trình lịch sử của đất nước.
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đất và người Thái Nguyên?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Có thể khẳng định, Thái Nguyên có bề dầy lịch sử cùng với dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việc Nam. Những kết quả khảo cổ học trên đất Thái Nguyên đã sớm phát hiện một nền khảo cổ học Thần Sa gắn liền với thời đại đồ đá cũ. Điều đó chứng tỏ vùng đất này đã từng là nơi con người cư trú từ rất xa xưa. Rồi tới thời đại Hùng Vương, chúng ta biết Nhà nước Văn Lang với 15 bộ thì Vũ Định là một trong những bộ ở trung tâm và nằm trên vùng đất của Thái Nguyên ngày nay. Chúng ta còn thấy được rải rác ở nhiều vùng, địa phương những câu chuyện truyền thuyết gắn với những dấu tích từ thời đại của Thánh Gióng đánh giặc Ân. Rồi trong những giai đoạn lịch sử sau này, chúng ta biết đến tên tuổi của Lý Nam Đế, Lê Hoàn, Dương Tự Minh là những nhân vật lịch sử trong các thế kỷ đều có mặt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh đất nước trước họa ngoại xâm cũng như nội trị. Đặc biệt, thời kỳ giặc Minh xâm lược, trong trên 20 năm đô hộ của chúng, trên cả nước có rất nhiều cuộc nổi dậy chống lại ách đô hộ của phương Bắc. Thời điểm này, ở Thái Nguyên xuất hiện Lưu Nhân Chú có thể nói là một ngọn cờ nổi bật. Và trong tất cả các giai đoạn lịch sử sau này, càng ngày chúng ta càng thấy Thái Nguyên với vị trí địa lý của mình đã trở thành một vùng đất đóng vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Phóng viên: Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Thái Nguyên đã có nhiều đóng góp với đất nước. Xin ông cho biết vai trò, vị trí của Thái Nguyên trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trong lịch sử dân tộc, kể từ khi chúng ta xác lập nền tự chủ gắn với Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền vào thế kỷ thứ X thì Châu Thái Nguyên đã là một địa danh gắn liền với lãnh thổ của Quốc gia Đại Việt. Những giai đoạn lịch sử sau này, cái tên Thái Nguyên có thể có lúc còn, lúc mất, nhưng mãi mãi vùng đất Thái Nguyên từ xưa tới ngày hôm nay vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống hành chính cũng như đời sống của Quốc gia.
Trong cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng vào năm 1831, tức là cách đây đúng 180 năm, tỉnh Thái Nguyên trở thành 1 đơn vị hành chính nằm ở vùng Trung Châu Bắc bộ và có thể nói vùng đất này có một vị trí ngày càng trở nên thiết yếu, đặc biệt là khi đứng trước những thách đố của lịch sử. Chính tại nơi đây đãchứng kiến sự giành giật quyền lực giữa các thế lực quân phiệt ở phương Bắc với thực dân Pháp xâm lược nước ta. Vùng đất này có thể nói đã bùng nổ rất nhiều các biến loạn, nhưng đồng thời cũng thể hiện vị trí chiến lược của nó vô cùng quan trọng.
Riêng thực dân Pháp đã 3 lần công thành Thái Nguyên và để sau này khi chúng xác lập được vị trí ở đây thì đó là một cái cửa ngõ để có thể bảo vệ toàn bộ vùng châu thổ Bắc bộ. Có lẽ chính vì thế chúng ta mới được thấy vị thế của Thái Nguyên cũng như vùng chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này, đặc biệt trước đó là quá trình vận động giải phóng dân tộc. Không phải tự nhiên mà khi trở về nước (năm 1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với vùng biên cương Cao Bằng nhưng lại xác lập vùng đầu não cách mạng lấy trung tâm là Thái Nguyên, Tuyên Quang, nơi mà sau này được chúng ta mệnh danh là Thủ đô của cách mạng, Thủ đô kháng chiến.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng ta giành được chính quyền từ Thủ đô Hà Nội, từ Huế, từ Sài Gòn, nhưng chúng ta cũng phải thấy vị trí cực kỳ quan trọng của những quyết định có tính quyết định nhất của cách mạng diễn ra ở Chiến khu Việt Bắc. Tân Trào (Tuyên Quang) là nơi Quốc dân Đại hội đã được triệu tập, đưa ra những quyết sách cũng như lệnh Tổng khởi nghĩa. Tuy nhiên, quyết định quan trọng nhất để chúng ta có thể thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa đó là cuộc tấn công vào thị xã Thái Nguyên của đơn vị lực lượng vũ trang cách mạng mà hạt nhân của nó là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng với đội quân đồng minh tiến hành cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít. Cuộc tấn công này thể hiện rõ Thái Nguyên như một cửa ngõ để đội quân cách mạng có thể tràn xuống vùng Đồng bằng Bắc bộ. Chính vì thế, Thái Nguyên có thể được coi như là một trong những điểm sáng trên bản đồ Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thái Nguyên đã từng thể hiện cùng với ATK Chiến khu Việt Bắc mang lại thành công cho cách mạng và đồng thời nó mang thắng lợi cho kháng chiến. Trong toàn bộ quá trình diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp, Thái Nguyên lại một lần nữa là Thủ đô gió ngàn, là nơi mà các lực lượng vũ trang cũng như các lực lượng Nhà nước, các tổ chức của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều tập trung trên vùng Việt Bắc và tất cả những cái đó càng khẳng định vị trí của Thái Nguyên trong một thời kỳ lịch sử, càng thấy rõ vị trí của Thái Nguyên đối với quá trình dựng nước, thiết lập chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta.
Vị trí của Thái Nguyên đã thể hiện như là một điểm chiến lược trong quá trình xâm lược của thực dân Pháp thì nó cũng thể hiện được một vị thế chiến lược trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nếu như Cao Bằng là cửa ngõ ở biên giới phía Bắc thông thương với các quốc gia xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là kể từ sau chiến thắng Biên giới năm 1950, thì chúng ta thấy Tuyên Quang tiếp tục trở thành một bộ phận của ATK, nhưng với huyện Định Hóa (Thái Nguyên) có thể nói đấy là lõi của ATK, là nơi quyết định những vấn đề quan trọng nhất đặc biệt là quyết định Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Có thể nói tổng hành dinh của chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở đó, Bác Hồ, Trung ương Đảng ở đó để tiếp tục chỉ đạo chiến trường toàn quốc phối hợp với Điện Biên phủ trực tiếp do tổng tư lệnh Võ Nguyên giáp chỉ huy. Do đó chúng ta càng thấy ý nghĩa câu nói của Bác Hồ là Việt Bắc góp phần cho cách mạng thành công thì Việt Bắc cũng góp phần cho kháng chiến thắng lợi…
Phóng viên: Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trong thời kỳ lịch sử, cách mạng giải phóng dân tộc trước khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, Thái Nguyên cũng là một điểm sáng gắn liền với tên tuổi của Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn và Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. Chúng ta nhớ đây cũng là năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Sự kiện diễn ra ở Thái Nguyên thể hiện được lòng yêu nước của người Việt Nam, đặc biệt là ở những tri thức yêu nước, những người binh lính trong đội ngũ quân giặc cũng vì lòng yêu Tổ quốc mà sẵn sàng hy sinh để giải phóng Tổ quốc của mình. Vì thế có thể nói, Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên tuy chỉ giành được chính quyền trong một thời gian không dài nhưng nó thể hiện được ý chí anh hùng của những người làm nên Cuộc khởi nghĩa ấy và của mảnh đất Thái Nguyên.
Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã mở ra một thời đại mới. Những tinh thần của thời đại ấy đã được thể hiện trong Thái Nguyên của thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thể hiện trong Thái Nguyên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1947-1954…
Phóng viên: Theo ông thì sau Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, chúng ta rút ra được bài học gì?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ bài học là bất kỳ trên mảnh đất nào của Tổ quốc, trong đó có Thái Nguyên, cũng thể hiện được tất cả tiềm năng truyền thống của nó không chỉ trong thời kỳ dựng nước mà cả trong thời kỳ giữ nước. Trong kháng chiến, chúng ta đã thể hiện được tình yêu Tổ quốc vào việc bảo vệ mảnh đất thiêng liêng, bảo vệ nền độc lập, tự chủ quốc gia. Ttrong thời bình, mảnh đất ấy phải thể hiện được truyền thống, tỏa sáng trong sự nghiệp làm cho dân giau, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…