Tiếp sức cho người nghèo

08:45, 18/10/2011

“Thắp sáng ước mơ” là chương trình do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Đài PT-TH tỉnh tổ chức cho các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm cơ hội thoát nghèo.

Từ chương trình này, nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ vốn (từ Quỹ “Vì người nghèo”) để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở. Sau gần một năm thực hiện, liệu chương trình có thực sự hiệu quả đối với hộ nghèo? Chúng tôi đã có dịp đến thăm một số hộ để có thể tìm hiểu sâu hơn hoàn cảnh cũng như cuộc sống của họ sau một thời gian nhận được sự hỗ trợ trên.

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở xóm Sông Cầu, xã Minh lập (Đồng Hỷ) là một trong 4 hộ nghèo của xã may mắn nhận được sự hỗ trợ không hoàn lại của chương trình với số tiền 6 triệu đồng từ tháng 1-2011. Tiếp chúng tôi trong căn nhà chật chội, chị Phương cho biết: “Chồng tôi là anh Đinh Xuân Thăng, thường xuyên ốm đau, không thể lao động nặng. Hai con gái nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Tất cả mọi nguồn thu của gia đình đều trông chờ vào trên 3 sào chè. Thế nhưng mỗi lần hái xong  tôi lại phải mang đi sao nhờ nhà bố mẹ chồng. Gia đình muốn có vốn đầu tư để làm chè từ lâu nhưng “lực bất tòng tâm”.Đến đầu năm 2011, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ 6 triệu từ Quỹ “Vì người nghèo” thông qua chương trình “Thắp sáng ước mơ”, gia đình chị đã có lối thoát. Từ nguồn vốn này, chị đã đầu tư mua máy quay tôn sao chè để phục vụ nhu cầu thiết yếu trước mắt. Số tiền còn lại chị đầu tư mua phân bón. Cuộc sống của gia đình chị như đã “dễ thở” hơn từ khi nhận được sự hỗ trợ. Việc sao chè đỡ vất vả hơn. Nếu trước đây năng suất của hơn 3 sào chè chỉ đạt trên 50 kg/lứa nay nhờ có phân bón đã cho 60 đến 70 kg/lứa, bán được giá cao hơn trước từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Đáng mừng hơn, gia đình chị đã biết chuyển dần từ giống chè trung du sang trồng chè cành cho năng suất và giá cao. Hiện nay, gần 1/3 diện tích trồng chè của gia đình đã được chuyển sang trồng giống chè cành.

 

Còn đối với gia đình chị Trần Thị Nhung, xóm Nà Khao, xã Trung Hội (Định Hóa), nhờ được hỗ trợ 9 triệu đồng từ chương trình đã đầu tư mua được 1 con trâu để phục vụ sản xuất. Nếu như trước đây việc cày, bừa gia đình chị đều phải đi thuê thì đến nay, mối lo ấy đã được giải quyết. Chị Nguyễn Thị Thìn ở xóm Đoàn Kết 1, xã Trung Hội được hỗ trợ 7 triệu đồng cũng đã làm được công trình phụ, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Số tiền còn lại, chị đã đầu tư mua vật liệu đan cót để bán với thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/tháng.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tất cả những hộ được hỗ trợ từ chương trình đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng sử dụng số tiền ấy để vào đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Nhưng đối với người nghèo thì mọi nguồn hỗ trợ đều trở nên quý giá. Chẳng hạn đối với bà Tống Thị Trúc, xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), năm nay đã ở tuổi thất thập, sức khỏe yếu. Chồng đã mất từ lâu, các con tuy đã lập gia đình nhưng cũng đều là hộ nghèo. Bấy lâu, bà sống nhờ vào 1 sào ruộng do các con đến làm giúp. Cách đây 4 năm, vì tập trung làm nhà (nhà cũ sắp bị đổ) nên bà đã phải bán hết đàn trâu và vay thêm nhiều nơi khác để hoàn thành. Nhờ được hỗ trợ 7 triệu đồng từ chương trình “Thắp sáng ước mơ” mà giờ đây bà đã trả được hết số nợ để sống thanh thản hơn trong quãng thời gian còn lại. Cò đối với Chị Nguyễn Thị Chỉnh (Trung Hội, Định Hóa) nếu như trước đây phải đi vay mượn từng đồng để gửi cho con gái đang theo học đại học thì nhờ có hỗ trợ này mà đã bớt đi phần nào nỗi lo ấy.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho hay: Chương trình “Thắp sáng ươc mơ” được thực hiện từ đầu năm 2011. Trước khi mỗi chương trình được thực hiện, Ủy ban Mặt trận các cấp đã tổ chức rà soát, lựa chọn những hộ nghèo, đặc biệt khó khăn ở địa phương đó để tham gia chương trình. Mỗi chương trình, sẽ có 2 hộ nghèo cùng tham gia vào các phần thi như “ nhanh tay, nhanh mắt”; “khéo tay, hay làm” gắn với các nghề truyền thống của từng địa phương. Sau cuộc thi, Ban tổ chức sẽ căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh của từng hộ mà có số tiền hỗ trợ phù hợp. Đây sẽ là nguồn vốn giúp họ đầu tư vào tư liệu sản xuất, làm nghề để tăng thu nhập tiến tới thoát nghèo. Các chương trình được ghi hình và phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để những hộ nghèo khác cùng nhận thức, phát huy tối đa sự tự tin, phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống. Đây là một nét mới trong thực hiện cuộc vận động “Vì người nghèo”. Được biết, từ đầu năm đến nay đã có 24 hộ nghèo ở các địa phương được hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền 182 triệu đồng.

 

Có thể nói, sau gần 1 năm thực hiện, chương trình đã phần nào giúp đỡ hộ nghèo một cách thiết thực, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.