Còn hơn 1 năm nữa là TP Thái Nguyên tròn 50 năm tuổi, đây là mốc thời gian quan trọng để đánh giá lại những thành tựu cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đã đạt được…
Cùng với đó là những điều còn phải trăn trở, suy tư để TP Thái Nguyên thực sự văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm vùng Việt Bắc. Xung quanh chủ đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi nhanh với đồng chí Bùi Xuân Hòa, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên.
PV: Xin đồng chí cho biết về những thành tựu quan trọng mà thành phố Thái Nguyên đã đạt được từ khi thành lập đến nay?
Đồng chí Bùi Xuân Hoà: Ngày 19-10-1962 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 114 thành lập thành phố Thái Nguyên từ một thị xã nhỏ bé gồm 4 khu phố, 2 thị trấn và 6 xã với 14 vạn dân; Tháng 10-2002, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 135, công nhận thành phố Thái Nguyên là đô thị loại II với 26 phường, xã và dân số gần 30 vạn người. Ngày 1-9-2010 thành phố Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1645 công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh với diện tích gần 190 km2, dân số trên 30 vạn người. Thành phố Thái Nguyên cách Thủ đô Hà Nội 80km về phía Bắc, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc, là đầu mối quan trọng nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Với tổng số 28 phường, xã (19 phường, 9 xã), trên 300 cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, gần 30 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, với 8 dân tộc anh em (Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Dao, Mông, Hoa, Thái) sinh sống.
Trải qua 49 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự chung sức, chung lòng của nhân dân các dân tộc thành phố, thành phố Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng đó là: Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ. Bộ mặt đô thị có chuyển biến rõ rệt, không gian đô thị ngày càng được mở rộng theo quy hoạch được duyệt; văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao… Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố Thái Nguyên đạt 14,6% (nhiệm kỳ 2005-2010); thu nhập bình quân đầu người đạt 30triệu/người/năm (năm 2010). Cơ cấu kinh tế của thành phố đã chuyển dịch nhanh theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vu, giảm tỷ lệ ngành nông nghiệp (công nghiệp chiếm 48,01%, dịch vụ 47,37%, nông nghiệp 4,62%); thu ngân sách đạt gần 900 tỷ đồng. Công tác quản lý, chỉnh trang đô thị có chuyển biến tích cực, hiện tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 75%, 100% đường phố chính, 85% ngõ phố có điện chiếu sáng, 100% trung tâm phường xã được quy hoạch chi tiết, 85% số hộ dân được sử dụng nước sạch. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,6% và cơ bản xoá xong nhà dột nát; bình quân hàng năm thành phố tạo việc làm cho trên 6000 lao động. Các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh như: trường học, trạm y tế, khu vui chơi… liên tục được đầu tư xây dựng.
PV: Chỉ còn hơn 1 năm nữa là TP Thái Nguyên tròn 50 tuổi, vậy công tác chuẩn bị để chào đón sự kiện này được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Xuân Hoà: Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập thành phố Thái Nguyên là một sự kiện quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố. Thành phố sẽ tổ chức trọng thể sự kiện này. Từ quý II năm 2011 UBND thành phố đã trình Ban Thường vụ Thành uỷ Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập thành phố Thái Nguyên đảm bảo trang trọng, an toàn, tiết kiệm. Trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau: Về công tác tuyên truyền: Thành phố tập trung tuyên truyền kỷ niệm 50 năm ngày thành lập thành phố trên hệ thống panô, băng zôn, khẩu hiệu, sơn sửa lại hệ thống panô cửa ngõ thành phố. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh truyền hình thành phố, báo Thái Nguyên, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài truyền hình trung ương; trên Website thành phố Thái Nguyên; tuyên truyền, giới thiệu quá trình 50 năm xây dựng và phát triển của Thành phố, những thành tựu to lớn đã đạt được sau hơn 25 năm đổi mới trên các báo ở địa phương và Trung ương; tuyên truyền thông qua phim tài liệu về thành phố. Về công tác xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh và thành phố để phục vụ Liên hoan Trà. Sơn sửa lại mặt tiền và tường rào các cơ quan hành chính đóng trên địa bàn thành phố, dự kiến 278 công trình khu vực trung tâm thành phố; tổ chức phân luồng các nút giao thông chính trên địa bàn thành phố; chăm sóc hệ thống cây xanh khu vực quảng trường, giải phân cách các tuyến đường; cải tạo một số đảo giao thông. Sửa chữa và lát vỉa hè một số tuyến đường và hệ thống điện trang trí các điểm. Tổ chức gắn biển các công trình chào mừng 50 năm ngày thành lập.
Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và phát động các phong trào thi đua để phấn đấu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhân dân thành phố Thái Nguyên.
PV: Là người đứng đầu chính quyền thành phố, đồng chí suy tư gì về vấn đề hiện đại hóa đô thị.
Đồng chí Bùi Xuân Hòa: Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, mục tiêu của thành phố trong giai đoạn tới là xây dựng thành phố phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, để thành phố sớm trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và vùng trung du miền núi Bắc Bộ nói chung.
Tuy nhiên, để phát triển thành phố hiện đại, có bản sắc vùng miền, tạo được sức hấp dẫn và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị, thì công tác quản lý đô thị, nhất là quản lý trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị và vệ sinh - bảo vệ môi trường, là những việc được thành phố Thái Nguyên đặc biệt quan tâm và coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong chương trình hành động nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xác định: “… Lấy quản lý, xây dựng và chỉnh trang đô thị là khâu đột phá để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại”.
Trong công tác quản lý đô thị cần phải có những kế hoạch và giải pháp phù hợp, được nghiên cứu trên cơ sở luận chứng khoa học, nắm bắt và phát hiện toàn diện các vần đề đang tồn tại, không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt mà còn mang tính định hướng, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của thành phố. Cụ thể là: Xây dựng Qui chế quản lý qui hoạch kiến trúc đụ thị và hoàn thiện hệ thống dữ liệu - thông tin về Qui hoạch, theo định hướng phát triển không gian trên cơ sở Qui hoạch chung đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; Kiểm soát sự phát triển của đô thị toàn diện và đồng bộ theo đúng qui hoạch được duyệt, phục vụ kịp thời, thuận tiện và hiệu quả các hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố; Xây dựng định hướng phát triển nền kiến trúc và cảnh quan đô thị mang sắc thái văn hoá riêng, ban hành các chính sách, quy chế và kế hoạch đầu tư phát triển vừa đảm bảo hiện đại văn minh, vừa bảo tồn khai thác các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc; Nâng cao chất lượng và từng bước hiện đại hoá, quản lý và khai thác có hiệu quả hệ thống các công trình hạ tầng đô thị…
Tất cả các giải pháp trên nhằm đáp ứng mục tiêu: Nâng cao hiệu quả của các hoạt động đầu tư xây dựng; thu hút được các nguồn vốn trong và ngoài nước; phục vụ tốt công tác quản lý, kiểm soát được quá trình phát triển và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân đô thị.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!