Mặc dù có thời gian Vùng mỏ Trại Cau còn để xảy ra tình trạng lộn xộn, song ở thời điểm hiện tại, an ninh vùng mỏ đã được siết chặt hơn.
Vùng mỏ Trại Cau (gồm cả Thị trấn Trại Cau và một số xã lân cận có khoáng sản) là một trong những khu vực khai thác quặng sắt lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay. Do vậy, việc quản lý, bảo vệ mỏ luôn là vấn đề quan trọng được chính quyền địa phương và đơn vị khai thác đặc biệt quan tâm.
Cách đây vài năm, chúng tôi liên tục có mặt ở vùng mỏ Trại Cau bởi thời điểm đó khu vực này đang là một trong những “điểm nóng” về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép của tỉnh. Tôi còn nhớ như in cảnh tượng hàng trăm đối tượng từ bên ngoài vào khu vực mỏ xâu xé, cướp giật quặng sắt mang đi bán cứ như ở chỗ không có đơn vị quản lý, bảo vệ vậy. Lúc “cao trào”, ở một số điểm khai thác quặng do Mỏ sắt Trại Cau quản lý giống như “công trường” mót quặng sôi động của người dân. Lực lượng bảo vệ Mỏ liên tục được tăng cường, song không thể ngăn cản nổi. Nguyên do chủ yếu được xác định chính là từ việc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên lúc đó đã cho phép một số doanh nghiệp khai khoáng tư nhân vào tận thu quặng nghèo, đất và bùn thải. Sự lỏng lẻo trong quản lý đã khiến đơn vị chủ quản của vùng mỏ Trại Cau phải đối mặt với những khó khăn kéo dài mấy năm liền. Những trường hợp ngang nhiên cướp quặng, chống lại nhân viên bảo vệ Mỏ xảy ra thường xuyên. Chúng tôi đã mấy lần tận mắt chứng kiến cảnh lực lượng bảo vệ Mỏ “xử lý tình huống” tại các khai trường, đồng thời cũng vào thăm các anh tại Bệnh xá của thị trấn Trại Cau khi các anh bị đối tượng khai thác quặng trái phép hành hung. Anh Ngô Mạnh Hùng, Phó Phòng Bảo vệ Mỏ tâm sự: Chúng tôi không bao giờ quên được khoảng thời gian vất vả đó. 40 anh em bảo vệ chia ra làm việc tại các khai trường nhưng không sao ngăn cản được các đối tượng. Chúng tôi phải cầu viện đến lực lượng chức năng của địa phương thì mới giảm được “nóng”…
Khu vực Mỏ sắt Trại Cau chỉ thực sự hết “nóng” khi các hợp đồng cho phép đơn vị tư nhân vào tận thu quặng nghèo, đất, bùn thải được chấm dứt và có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng bảo vệ Mỏ với chính quyền sở tại. Từ năm 2008 đến nay, vùng mỏ đã trở nên yên bình hơn. Tuy vậy, đôi lúc vẫn xảy ra các trường hợp rượt đuổi, thu giữ khoáng sản lậu của lực lượng bảo vệ làm xôn xao cả vùng mỏ. Anh Ngô Mạnh Hùng kể: Gần đây nhất, ngày 15-8-2011, anh em bảo vệ trực tại khu vực Mỏ sắt Kim Cương đã phát hiện và truy đuổi đối tượng khai thác, vận chuyển quặng trái phép. Khi đuổi đến tổ 15, thị trấn Trại Cau thì lực lượng bảo vệ khống chế được 2 đối tượng. Tuy nhiên, 2 đối tượng này đã dùng hung khí chống lại lực lượng bảo vệ khiến hai anh Vũ Kỳ Thi và Lê Tiến Nam phải nhập viện. Anh Thi phải khâu 7 mũi ở đầu, anh Nam bị thương phần mềm. Công an huyện Đồng Hỷ đã bắt giữ 2 đối tượng hành hung trên và đang điều tra làm rõ vụ việc. Anh Hùng cho biết thêm: Chúng tôi đã bố trí 14 người trực 24/24 giờ tại mỏ Kim Cương nhưng vẫn gặp khó khăn vì toàn bộ 78 hộ dân của xóm Kim Cương hiện đang sinh sống trong lòng mỏ. Đây là thời điểm giao thời (chuẩn bị chuyển giao công việc khai thác từ Mỏ sắt Trại Cau cho đơn vị khác) nên các đối tượng lợi dụng “tăng cường” khai thác quặng trái phép. Ông Dương Minh Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Thị (Đồng Hỷ) cũng cho biết: Chúng tôi đã bố trí lực lượng Công an xã gồm 6 người cùng phối hợp với bảo vệ Mỏ nhưng hiệu quả mang lại không cao. Sở dĩ mỏ Kim Cương vẫn là điểm nóng vì các hộ dân chưa được di dời khỏi vị trí khai thác. Trong khi mỗi tấn quặng lậu chạy trót lọt sang tỉnh khác, các đối tượng thu về 600 đến 700 nghìn đồng, cao gần gấp đôi so với giá bán tại chỗ. Theo ông Mạc Đăng Niên, Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau, thì có lẽ tại vùng mỏ này, Kim Cương là điểm mỏ “nóng” nhất hiện nay. Tuy nhiên, tới đây, khi điểm mỏ trên được bàn giao và đi vào khai thác thì việc lộn xộn chắc chắn sẽ được giải quyết.
Báo cáo của lực lượng bảo vệ Mỏ sắt Trại Cau cho hay, ngoài mỏ Kim Cương thì ở các công trường khai khoáng khác của Mỏ gồm: Quang Trung Bắc, Núi D, Thác Lạc, Núi Quặng, tình hình an ninh khá ổn định. Tình trạng khai thác trộm vẫn còn song không đáng kể, có chăng chỉ là một vài trường hợp ẩn nấp ở những bụi cây lén lút đào bới nhỏ. Hiện nay, Mỏ sắt Trại Cau đang chuẩn bị các điều kiện về máy móc, thiết bị, nhân lực để bước vào giai đoạn cao điểm khai thác khoáng sản trong năm. Do đó, công tác bảo vệ được đặc biệt chú trọng. Phòng Bảo vệ của Mỏ đã cắt cử 41 người tham gia trực, tuần tra 3 ca mỗi ngày tại các khai trường.
Cùng đóng góp cho sự ổn định ở vùng mỏ Trại Cau phải kể đến hai đơn vị khai khoáng là Công ty Cổ phần Luyện kim đen và Doanh nghiệp Anh Thắng. Trước sự lộn xộn kéo dài ở khu vực này, hai doanh nghiệp trên đã cùng vào cuộc với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm hàng nghìn tấn quặng tồn do khai thác trái phép trong dân; bảo vệ và khai thác hiệu quả các điểm mỏ được giao; xây dựng các nhà máy chế biến sâu khoáng sản tại địa phương, tránh tình trạng vận chuyển quặng lậu ra bên ngoài. Hiện tại, hai đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với Mỏ sắt Trại Cau, chính quyền địa phương để góp phần tạo sự ổn định cho cả vùng mỏ.
Về phía Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang gấp rút triển khai Dự án cải tạo, mở rộng sản xuất giai đoạn II, trong đó tiến hành các bước chuẩn bị khai thác Mỏ sắt Tiến Bộ với trữ lượng lớn tại khu vực Trại Cau, đồng thời tiếp tục khai thác tận thu 3 triệu tấn quặng ở các khai trường của Mỏ sắt Trại Cau. Bởi vậy, việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ mỏ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần mang lại sự bình yên cho cả vùng mỏ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.