Những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của các hộ dân, bộ mặt nông thôn Linh Thông (Định Hóa) đã có nhiều khởi sắc.
Linh Thông (Định Hóa) được biết đến là một trong những xã vùng sâu, có điều kiện phát triển kinh tế không mấy thuận lợi, bởi điều kiện địa hình tương đối đặc biệt. 13 xóm của xã nằm lọt thỏm giữa 3 bề 4 bên là núi đá, dân cư ở không tập trung, đường giao thông liên xóm không thuận lợi… Nhưng những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, sự nỗ lực vươn lên của các hộ dân, bộ mặt nông thôn Linh Thông đã có nhiều khởi sắc.
Con đường liên xã đã được trải nhựa phẳng phiu thay cho con đường đất đá với nhiều đèo dốc, gồ ghề khó đi. Mặc dù hiện nay số hộ nghèo của xã vẫn chiếm tới 48%, những so với mươi năm về trước con số này đã giảm đi một nửa; người dân nơi đây đã phá thế độc canh cây lúa, tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT và đưa cơ giới hóa vào sản xuất; nhiều công trình phục vụ dân sinh đã được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho bà con.
Đã hơn 9 giờ sáng nhưng mặt trời chỉ mới nhô cao sau dãy núi chừng một vài cây sào, xóm làng hiện ra giữa trùng điệp núi non còn giăng đầy sương trắng; xa xa là những cánh đồng lúa đang kỳ đơm bông, thỉnh thoảng chúng tôi mới bắt gặp một hai người dân ra thăm đồng, khác hẳn với không khí khẩn trương mùa vụ ở nhiều địa phương của Đại Từ, Phú Lương… Như hiểu ý, Chủ tịch UBND xã Linh Thông Lưu Tiến Thành phân trần: Do đặc điểm của địa hình, khí hậu, người dân Linh Thông chủ yếu cấy giống lúa muộn, nên khi các địa phương vùng thấp đi vào sản xuất vụ đông thì ở đây chúng tôi mới bắt đầu thu hoặch lúa mùa. Đất lúa của Linh Thông chỉ có 190 ha nhưng đảm bảo gieo trồng được hai vụ thuận lợi, giống lúa chủ yếu vẫn là Bao thai và một số loại nếp đặc sản như nếp cái Hoa vàng, nếp Vải...
Từ Chương trình 135 trong 2 giai đoạn từ 2000 - 2008, chúng tôi xây dựng được cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương, mua được nhiều máy móc phục vụ sản xuất. Đến nay việc cơ giới hóa nông nghiệp đã đạt gần 80%. Tận dụng đất đồi rửng, bà con trồng thêm cây rừng và các loại lâm sản phụ, việc đầu tư phát triển chăn nuôi cũng được chú trọng hơn trước. Số hộ chăn nuôi có xu hướng tăng lên, đặc biệt là chăn nuôi lợn và gà theo mô hình trang trại. Toàn xã hiện có 37 hộ chăn nuôi lợn với số lượng lớn, bình quân mỗi hộ 60 con, so với năm 2010 tăng hơn 20 hộ. Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Dạy nghề của huyện Định Hóa đã mở các lớp dạy nghề trên địa bàn xã, trong đó có 2 lớp chăn nuôi thú y, một lớp bảo vệ thực vật, một lớp trung cấp thủy sản. Hiện tại đang có lớp dạy nghề trồng hoa cây cảnh. Các lớp dạy nghề này đã thực sự mang lại kiến thức hữu ích giúp người dân Linh Thông tự tin làm kinh tế.
Chúng tôi đã tới thăm quan mô hình kinh tế V.A.C của gia đình ông Nguyễn Văn Nhã, xóm Tân Thái. Qua tiếp thu kiến thức từ các lớp dạy nghề của huyện, ông đã xây dựng cho mình mô hình kinh tế V.A.C có hiệu quả cao. Tận dụng lợi thế đất vườn, ông trồng ngô làm thực phẩm nuôi gà và lợn. Rồi lại tận dụng phân lợn để nuôi cá, phân gà bón ngô, một năm từ mô hình này ông thu về gần 50 triệu đồng. Mô hình kinh tế V.A.C của gia đình ông được nhiều người trong xã tìm đến học hỏi và làm theo. “Tham gia học tập các lớp dạy nghề trong xã nhưng tôi cũng thường xuyên tìm đến các mô hình kinh tế các xã khác để học hỏi thêm kinh nghiệm. Nếu biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì sẽ thấy làm kinh tế cũng không mấy khó khăn. Bây giờ càng làm càng ham thích, chỉ sợ không có sức khỏe mà làm thôi” - giọng ông Nhã đầy vẻ lạc quan.
Rời nhà ông Nhã, chúng tôi cho xe chạy chậm chậm qua những cánh đồng lúa, rồi thăm quan các trường học, Trạm Y tế xã… Cơ sở vật chất đã và đang được đầu tư sửa chữa, xây mới khang trang. Ông Lưu Tiến Thành tỏ ra phấn khởi lắm, ông nói: Kinh tế có bước phát triển, nguời dân Linh Thông đã chú ý hơn tới việc học hành của con trẻ, 100% số trẻ trong độ tuổi đã được tới trường. Nếu cách đây vài năm, số người học đến bậc đại học - cao đẳng trong xã chỉ tầm 7-8 người thì nay con số ấy đã gấp 3 - 4 lần. Bác Mai Đình Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Linh Thông bày tỏ: “Gắn bó gần 40 năm với cương vị giáo viên và quản lý, tôi thấy dân mình bây giờ coi trọng chuyện học hành lắm, họ nghèo khó, đói kém cũng không cho con em thất học nữa rồi. Vì thế mà tỉ lệ học sinh khá giỏi ngày càng tăng và ổn định. Nếu như năm trước tỉ lệ học sinh tiên tiến chỉ vào khoảng 10 đến 15% thì năm học 2010 - 2011, đã tăng lên 30%, học sinh giỏi toàn diện 2% nay tăng 5%. Có thể con số đó chưa lớn nhưng với một xã vùng sâu, vùng xa như Linh Thông thì đáng mừng biết bao”.
Ông Lưu Tiến Thành tiếp lời: Mục tiêu đề ra từ nay đến 2015, xã sẽ xây dựng được hai trường chuẩn, chuẩn mầm non và chuẩn tiểu học… Còn Trạm Y tế, năm 2009, Linh Thông được tổ chức Phi chính phủ ATLANTIC đầu tư 800 triệu để xây Trạm Y tế. Cùng với đó, Sở y tế cũng đầu tư 120 triệu, ngân sách huyện 340 triệu và nhân dân đóng góp thêm 70 triệu…để xây dựng thêm các công trình phụ trợ. Chúng tôi đang hoàn thiện các hạng mục công trình phụ của Trạm Y tế và hoàn thiện văn bản đề nghị lên các cấp công nhận Trạm Y tế đạt chuẩn Quốc gia cuối năm nay. Còn nhiều việc cần làm lắm nhưng không vội vàng được, làm tới đâu phải chắc tới đó mới được.
Chưa đến 6 giờ chiều nhưng trăng đã lên trên đỉnh núi, nơi đây “đủng đỉnh” đón bình minh nhưng đêm xuống thì rất “vội vã”. Linh Thông hôm nay đã có nhiều thay đổi, đã có những gam màu tươi mới hơn trên màu xanh của lúa, của rừng. Mặc dù người dân nơi đây vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhưng niềm tin vào ngày mai thì luôn hiện hữu. Trước khi chia tay, ông Lưu Tiến Thành chỉ tay về phía những cánh rừng xa xa nói với tôi: Người Linh Thông đa phần sống nhờ rừng. Bây giờ người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế đồi rừng, chỉ mong sao nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và ngành chức năng để những diện tích đất rừng còn trống được phủ xanh bằng cây dược liệu, cây lấy gỗ… góp phần mang lại ấm no bền vững cho người dân.