Vụ chặt phá rừng thông ở Phú Bình: Công tác quản lý, giám sát bị buông lỏng?

09:05, 04/10/2011

Núp dưới danh nghĩa cán bộ của Công ty Ván dăm TN (Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam), ông Nguyễn Văn Dũng đã qua mặt các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương chặt phá trái phép hàng trăm cây thông cổ trên địa bàn huyện Phú Bình.

Sự việc chỉ dừng lại khi người dân trên địa bàn bức xúc, tố cáo. Ai là người phải chịu trách nhiệm, và giải pháp nào để ngăn ngừa sự việc tái diễn luôn là chủ đề nóng được dư luận địa phương quan tâm trong những ngày qua.

 

Từ thủ đoạn khai thác tận thu

 

Trong những năm gần đây, lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước về diện tích rừng thông trên địa bàn huyện Phú Bình, ông Nguyễn Văn Dũng (nguyên là cán bộ lâm trường Phú Bình cũ, nay là cán bộ Xưởng xẻ gỗ Phú Bình, thuộc Công ty Ván dăm Thái Nguyên) đã huy động nhiều lượt người và phương tiện đến các khu vực có rừng thông trên địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Phú Bình (không nằm trong diện tích Công ty Ván dăm Thái Nguyên quản lý) chặt hạ trái phép hàng trăm m3 gỗ thông cổ để thu lời bất chính. Theo một số người dân và chính quyền các xã, thị trấn (xã Bảo Lý, Kha Sơn, Xuân Phương và thị trấn Hương Sơn), ban đầu ông Dũng chỉ khai thác nhỏ lẻ, với lý do khai thác tận thu các cây thông bị đổ hoặc có nguy cơ bị đổ trong mùa mưa bão, cây bị sét đánh, bị mối mọt, bị vướng đường dây điện…

 

Tuy nhiên, khi đã qua mặt được người dân và chính quyền sở tại bằng thủ đoạn lấy danh nghĩa cán bộ Lâm trường, có đầy đủ hồ sơ, quyết định khai thác, thì ông Dũng đã tổ chức khai thác quy mô hơn và huy động được cả cán bộ Kiểm lâm huyện đi “giám sát”, cụ thể: Chặt hạ 32 cây thông tại thị trấn Hương Sơn (tháng 9-2010); chặt hạ 36 cây thông, tương đương với 25 m3 gỗ tại xã Bảo Lý (từ ngày 29-8 đến 2-9-2011)… Ông Dương Đình Quang, Chủ tịch thị trấn Hương Sơn bức xúc khi trao đổi với chúng tôi: Việc ông Dũng đưa cưa lốc vào “phạt” liền một lúc 32 cây thông trên địa bàn thị trấn, trong đó có nhiều cây cành lá vẫn còn xanh, tươi thì không  thể gọi là khai thác tận thu!...

 

Đến những kẽ hở trong quản lý, bảo vệ

 

Vì sao ông Dũng ngang nhiên “bức tử” cả trăm cây thông trên địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Phú Bình suốt một thời gian dài mà không bị các cơ quan chức năng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ngăn chặn, xử lý? Phải chăng do cơ chế quản lý chồng chéo, do quan liêu, thiếu kiểm tra, thiếu thông tin và thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn?

 

Đi sâu tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2001, để phục vụ việc bàn giao Lâm trường Phú Bình về Công ty Ván dăm Thái Nguyên, các cơ quan gồm: Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thái Nguyên, Sở Địa chính (nay là Tài nguyên & Môi trường), Chi cục Kiểm lâm và Lâm trường Phú Bình đã lập biên bản thống nhất về kết quả kiểm tra rừng và đất rừng của Lâm trường Phú Bình. Theo đó, các bên liên quan đã thống nhất và chấp nhận ranh giới rừng và đất rừng của Lâm trường Phú Bình quản lý giữa bản đồ và thực địa khớp nhau, gồm 7 tiểu khu thuộc địa bàn 3 xã Tân Kim, Tân Thành và Tân Hoà. Tổng diện tích của 7 tiểu khu trên là 2.058ha. Công ty Ván dăm Thái Nguyên là đơn vị trực tiếp quản lý phần diện tích đó. Về mặt quản lý Nhà nước, các ngành liên quan phải tiếp tục đề nghị việc bàn giao cho địa phương quản lý phần đất mà Lâm trường Phú Bình không sử dụng nữa.

 

Do chưa có hồ sơ bàn giao dẫn đến tình trạng một diện tích rất lớn đất rừng không có chủ sở hữu. Chính quyền và người dân địa phương vẫn tin rằng chủ của khoảng 30ha thông cổ trên địa bàn 9 xã, thị trấn ở huyện là của Lâm trường Phú Bình (Công ty Ván dăm Thái Nguyên). Và núp dưới danh nghĩa cán bộ Lâm trường, cùng với các lý do đã nêu, ông Dũng dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương để khai thác trái phép rừng thông cổ không thuộc Công ty Ván dăm Thái Nguyên quản lý trên địa bàn 6 xã, thị trấn (Hương Sơn, Kha Sơn, Xuân Phương, Nga My, Điềm Thuỵ và Bảo Lý) .

 

Trách nhiệm thuộc về ai?

 

Hành động chặt phá rừng thông trái phép của ông Dũng diễn ra trong thời gian dài, trên diện rộng, và nó chỉ dừng lại khi các cơ quan chức năng vào cuộc sau tố cáo của nhiều người dân. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, theo ghi nhận của chúng tôi, chưa có tổ chức, đơn vị nào đứng ra nhận “quả bóng” trách nhiệm trên, và hình như ai cũng tìm cách “đá” sang cho ông Dũng.

 

Ông Hoàng Tuấn Anh, cán bộ lâm nghiệp thị trấn Hương Sơn cho biết: Tháng 10-2010, nhận được tin báo có người chặt rừng thông, tôi vội xuống khu vực La Sơn (thị trấn Hương Sơn) thì thấy ông Dũng đãhạ 10 cây thông. Nhưng vì thấy ông Dũng nói có đầy đủ hồ sơ, quyết định khai thác, đặc biệt là có cả ông Phúc (cán bộ Kiểm lâm, hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình) đứng ra giám sát, nên tôi nghĩ cấp trên đã cho phép việc này và chỉ biết báo cáo lại với lãnh đạo thị trấn thôi.

      

Trả lời câu hỏi của chúng tôi xung quanh việc có hay không việc tiếp tay của cán bộ Kiểm lâm huyện để ông Dũng chặt phá rừng, ông Dương Ngọc Phú, hạt trưởng hạt Kiểm lâm Phú Bình khẳng định: Ở các địa bàn, chúng tôi đã giao quyền hạn cho kiểm lâm viên làm, nếu anh em làm sai thì anh em chịu trách nhiệm. Khi nào các cơ quan (ý nói Lâm trường - PV) có đề nghị thì chúng tôi cử cán bộ, kiểm lâm viên đi kiểm tra, giám sát. Nếu có xảy ra khai thác trái phép thì chúng tôi không quản lý được...?!

     

Còn ông Vũ Văn Hường, Giám đốc Công ty Ván dăm Thái Nguyên thì quả quyết: Từ năm 2001 đến nay, Công ty thực hiện đúng theo biên bản kiểm tra đất rừng, tức là quản lý 2.058ha rừng gồm 7 tiểu khu, thuộc 3 xã: Tân Hoà, Tân Kim và Tân Thành. Xưởng xẻ do ông Dũng quản lý chỉ có nhiệm vụ tổ chức sản xuất đồ mộc gia dụng với nguyên liệu là gỗ keo, và nguyên liệu cũng phải thực hiện giao nhận giữa Công ty và Xưởng. Việc ông Dũng đi chặt các khoảnh rừng thông là việc làm mang tính chất cá nhân… đến ngay diện tích rừng thông do Công ty quản lý, nếu có cây đổ, cây ngã, muốn khai thác cũng phải làm hồ sơ trình lên Tổng Công ty, được duyệt thì mới dám khai thác, chứ khai thác cả khoảnh thì “sợ” thật!...

    

Ông Ngô Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho rằng: Việc làm cần thiết bây giờ là phải xác định được chủ rừng đích thực là tổ chức, cá nhân nào? Nếu chưa có hồ sơ bàn giao thì cho dù chủ rừng là ai đi chăng nữa, việc khai thác của ông Dũng khi chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cũng là hành vi trái pháp luật, giả danh, không tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng…

 

Thay cho lời kết

   

Đến nay, theo thông tin chúng tôi mới nhận được, vụ việc chặt phá rừng thông cổ của ông Dũng đã được các cơ quan chức năng khởi tố vụ án, đồng thời điều tra làm rõ những sai phạm của ông Dũng và những người liên quan. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp phải có sự phối hợp rà soát toàn bộ diện tích đất rừng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các diện tích đất rừng của Công ty Ván dăm ở 2 huyện Đồng Hỷ và Phú Bình. Trước mắt cần xác định rõ chủ những khoảnh rừng thông còn lại trên địa bàn 6 xã, thị trấn của huyện Phú Bình là của tổ chức, cá nhân nào; đồng thời xác lập ngay chủ sở hữu mới để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ. Nếu không sớm tìm được chủ sở hữu thì rất có thể những cánh rừng thông cổ lại rơi vào cảnh "cha chung không ai khóc", bị tàn phá vô tội vạ...