Đổi thay ở xã vùng cao Dân Tiến

08:25, 25/11/2011

Từ khi được thụ hưởng Chương trình 135, Dân Tiến (Võ Nhai) đã có những thay đổi rất đáng kể: Đường giao thông, trường học được đầu tư xây dựng, người dân đã sử dụng điện lưới quốc gia...  

Dân Tiến hiện lên trong mắt chúng tôi thật thanh bình, trù phú với những rừng cây tươi tốt; con đường nhựa uốn lượn như dải lụa, hai bên đường, những nếp nhà xây xinh xắn mọc lên thay cho những ngôi nhà lá tuềnh toàng của 4, 5 năm về trước. Rõ ràng, đây là sự đổi thay vượt bậc của một xã vùng cao.

 

Đồng chí Nguyễn Sỹ Lâm, Bí thư Đảng uỷ xã nói: 1.410 hộ dân với trên 6.200 nhân khẩu của Dân Tiến chủ yếu là đồng bào dân tộc. Những năm trước, việc đi lại của bà con rất khó khăn, giao thông cách trở nên có khi phải đi bộ nửa ngày đường mới tới trung tâm xã, huyện. Điện chưa có, nhà nào cũng chỉ le lói ánh đèn dầu. Trẻ em mỗi khi tới trường phải xuyên rừng, lội suối, có em không được đi học vì trường quá xa, hoặc kinh tế gia đình quá khó khăn. Từ khi được thụ hưởng Chương trình 135, Dân Tiến đã có những thay đổi rất đáng kể. Đường giao thông, trường học được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như việc học hành của con trẻ. Một đổi thay đáng mừng nữa là nhờ có sự đầu tư của Chương trình 135, người dân nơi đây đã được sử dụng điện lưới quốc gia thay vì phải dùng đèn dầu.

 

Qua những sẻ chia của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho thấy, những công trình được đầu tư theo Chương trình 135 đang phát huy hiệu quả ở Dân Tiến. Chương trình 135 bắt đầu đến với bà con nơi đây từ năm 1999. Từ đó, hàng loạt các công trình như: tuyến đường Đồng Chuối - Tân Tiến; phân trường Lân Vai - Làng Mười; công trình nước sạch xóm Đồng Chuối, Đồng Vòi; Trường THCS Dân Tiến; trụ sở UBND xã; hệ thống thủy lợi... với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng đã được xây dựng, tạo điều kiện cho kinh tế Dân Tiến phát triển.

 

Chúng tôi đi dọc con đường nối từ xóm Đồng Chuối đến Tân Tiến dài 1,5km, đâu đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của cây rừng. Ông Lê Quang Tươi, Trưởng xóm Tân Tiến cho biết: Từ đây ra UBND xã chỉ có 1km, trước kia chưa có đường, người dân chúng tôi phải đi bộ vòng qua đèo Voi Đằm, lội suối, có lúc phải dùng cả ngựa vượt qua gần 9 cây số mới ra tới trung tâm. Từ ngày con đường được mở, ôtô, xe máy có thể đến tận nơi, bà con trong xóm vui lắm!. Có con đường, cuộc sống của người dân trong xóm khá lên trông thấy vì nông sản bà con làm ra vận chuyển xuống chợ dễ dàng hơn. Hiện nay, bình quân lương thực đầu người trong xóm đạt 7 tạ/năm, số hộ nghèo còn 56%, giảm 19% so với năm 2006. Còn cô giáo Vi Thị Bích Thuỷ, Hiệu trưởng Trường PTCS Làng Mười cho hay: Khi trường chưa được xây dựng, các cháu phải ngồi trong phòng học chật chội, nhiều cháu đã bỏ học phần vì đường quá xa, phần vì điều kiện học tập không tốt. Nay trường được xây mới khang trang với dãy nhà 2 tầng, 8 phòng học, số học sinh trong trường đã lên tới trên 100 em, cả cô và trò đều rất vui mừng.

 

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, người dân Dân Tiến càng vững tin để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. 3 năm trở lại đây, bà con đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi như: đưa các giống lúa, ngô lai năng suất cao, chất lượng tốt (lúa lai hai dòng, ba dòng, Nhi ưu 838… và ngô lai ĐK 888, ĐK 999, VL4, VL10…) vào gieo trồng thay cho các giống lúa, ngô địa phương năng suất thấp; mở rộng diện tích trồng cây màu vụ đông như ngô, đỗ... Để trợ giúp nông dân trong sản xuất, xã đã tranh thủ sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo từng mùa vụ. Được trang bị về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn, bà con các dân tộc thiểu số ở Dân Tiến giờ đã bỏ được tệ phát nương đốt rẫy, ổn định sản xuất. Đến nay, năng suất lúa của xã đạt gần 60 tạ/ha, năng suất ngô đạt trên 30 tạ/ha. Ngoài ra, xã cũng mạnh dạn đứng ra tín chấp cho người dân vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện đầu tư phát triển chăn nuôi, trong đó khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp... Xã hiện đã có gần 2.000 con trâu, bò và hàng nghìn con gia cầm. Dịch vụ trên địa bàn xã cũng phát triển với nhiều loại hình như cung ứng vật tư phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng nông sản, lò rèn, sửa chữa máy móc, đồ điện, máy xay xát, máy cày... Theo ông Ngô Quốc Sáng, ở xóm Đồng Chuối, có điện, có nước, có đường đi lại, cuộc sống của chúng tôi đã đỡ vất vả hơn trước kia nhiều, người dân xóm tôi rất phấn khởi và biết ơn Đảng, Nhà nước.



Đồng chí Nông Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai khẳng định: Chương trình 135 giai đoạn II thực sự mang lại hiệu quả cao đối với người dân vùng đặc biệt khó khăn ở Dân Tiến nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung. Cũng cần nói thêm rằng, nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 đã được Võ Nhai sử dụng đúng mục đích, người dân vùng đặc biệt khó khăn được hưởng lợi và được tham gia vào quá trình giám sát thực hiện công trình. Trên cơ sở nguồn vốn được tỉnh giao, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình, dự án có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ sản xuất, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ các xã, thôn phù hợp. Theo đó, các địa phương luôn thực hiện quy chế dân chủ, công khai các danh mục, nguồn vốn đầu tư của Chương trình ở cơ sở, phát huy mạnh mẽ sự tham gia của nhân dân về giám sát đầu tư chương trình nên hiệu quả của mỗi công trình đều được phát huy cao nhất.