Theo kỹ sư Tạch, mấu chốt của ùn tắc giao thông gồm: vấn đề về kỹ thuật của phương tiện, ý thức người điều khiển, chất lượng mặt đường.
Nội dung bức thư như sau:
Vĩnh Phúc, ngày 11/11/2011.
Kính thưa Bộ trưởng!
Tôi là Lê Văn Tạch, đang là kỹ sư của Công ty ô tô Toyota Việt Nam.
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và sự ủng hộ của tôi đối với những việc làm gần đây của Bộ trưởng trong nỗ lực làm giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng vì đã có nhã ý cho tôi cơ hội được về làm việc ở bộ GTVT mà tôi được biết qua báo chí. Tôi coi đây là một sự động viên rất lớn đối với tôi trong thời gian này.
Là một kỹ sư ô tô, tôi rất mong được góp công sức nhỏ bé của mình trong nỗ lực làm giảm tai nạn giao thông. Do vậy thư này tôi xin đề cập một số vấn đề mang tính kỹ thuật liên quan tới xe ô tô làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường bộ.
Kính thưa Bộ trưởng, để một chiếc ô tô tham gia giao thông được an toàn thì cần ba yếu tố chính là: Hành vi của người điều khiển; Chất lượng chiếc xe ô tô; Chất lượng mặt đường.
1. Về hành vi của người điều khiển
Hành vi của người điều khiển ô tô phụ thuộc vào ý thức và kỹ năng của người lái xe
a. Về mặt ý thức:
Tôi thấy rằng phần lớn những người tham gia giao thông ở nước ta chưa thể hiện được ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông. Dường như mọi người quá tập trung vào việc làm sao chiếm được khoảng trống phía trước mà ít để ý điều kiện an toàn.
Theo tôi, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tắc đường. Tôi thấy có một điều nghịch lý là khi tắc đường thì thay vì mọi người tìm cách để giảm mật độ phương tiên tại điểm đang bị tắc thì những người tham gia giao thông lại làm điều ngược lại, họ cố chen lấn để chiếm mọi khỏang trống có thể làm cho điểm tắc đó càng ngày càng tắc và làm tăng nguy cơ va chạm gây mất an toàn.
Hay nói cách khác, khi tắc đường thì người đi sau phải có ý thức để cho người đi trước có được khoảng trống để lưu thông an toàn. Khi người đi trước đi được thì sẽ tạo ra khoảng trống an toàn cho người đi sau. Cứ như thế sẽ không bị ùn tắc.
Nhưng thực tế khi tắc đường thì những người tham gia giao thông thường tạo lên cảnh hỗn loạn, chen lấn làm cho càng thêm tắc nghẽn.
Ngoài ra còn phải kể đến xe chở quá tải trọng quy định. Khi xe chở quá tải thì độ an toàn của xe giảm đi. Nhưng thực tế là phần lớn các xe tải đều chở quá tải. Theo như một số lái xe nói rằng nếu xe tải thiết kế chở 5 tấn thì họ thường chở từ 10 -15 tấn!
Điều này thật sự nguy hiểm bởi xe quá tải bao nhiêu thì quãng đường phanh bị kéo dài ra bấy nhiêu. Khi đó nguy cơ gây tai nạn là rất cao. Thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn do xe tải đâm vào hàng loạt xe đang dừng đèn đỏ hoặc đang lưu thông trên đường. Tôi đã hỏi một số lái xe rằng tại sao phải chở quá tải nhiều vậy? Họ nói rằng họ buộc phải chở quá tải để có tiền ‘làm luật’.
b. Về mặt kỹ năng lái xe:
Bên cạnh những người có kỹ năng tốt thực sự do được đào tạo bài bản và có ý thưc học tốt thì cũng có không ít những người đi học mang tính đối phó, hình thức.
Thậm chí có những người không học qua khóa đòa tạo và sát hạch nào nhưng vẫn có bằng lái xe. Với những người không có kỹ năng lái xe mà điều khiển ô tô thì rất nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.
2. Chất lượng chiếc xe ô tô
Chất lượng của xe ô tô đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Về mặt lý thuyết thì tất cả các xe ô tô tham gia giao thông dù là xe mới hay xe cũ đều phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Việc đánh giá này là do Cục Đăng Kiểm Việt Nam thuộc Bộ GTVT thực hiện. Tuy nhiên thực tế có lẽ không được như thế. Để rõ hơn tôi xin tách riêng những chiếc xe mới và những chiếc xe cũ.
a. Xét những xe ô tô mới, được sản xuất trong nước:
Một điều đặc biệt là hầu hết những chiếc xe lắp ráp trong nước được trang bị các chức năng hỗ chợ an toàn rất nghèo nàn. Có những dòng xe còn không có hệ thống hỗ chợ an toàn cơ bản như hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) hay những túi khí để bảo vệ người ngồi trong xe trong trường hợp xe bị va đập mạnh.
Những chiếc xe bên Mỹ thường có 6 túi khí để bảo vệ tất cả những người ngồi trong xe thì những chiếc xe lắp ráp ở Việt Nam tối đa cũng mới chỉ có hai túi khí bảo vệ hai người ngồi trước. Thật vô lý khi một khách hàng Việt Nam phải bỏ ra số tiền gần gấp ba lần so với một người Mỹ cho một chiếc ô tô cùng chủng loại nhưng vẫn không có được các hệ thống hỗ trợ an toàn như bên Mỹ.
Tôi cho rằng ở Việt Nam do điều kiện đường xá còn nhiều hạn chế và ý thức của người tham gia giao thông chưa cao nên dễ xảy ra tai nạn. Do vậy các hệ thống hỗ trợ an toàn là rất cần thiết. Nó sẽ giúp giảm thiểu các vụ tại nạn và tăng khả năng sống sót cho những người bị tai nạn.
Mặt khác tôi được biết thì hiện nay Cục Đăng Kiểm Việt Nam ( CĐKVN ) mới chỉ kiểm tra được 20-30% hạng mục kỹ thuật trên mỗi chiếc xe. Phần còn lại là do công ty sản xuất phải tự chịu trách nhiệm với khách hàng.
Điều này không khó hiểu bởi rất nhiều hạng mục kỹ thuật phải đảm bảo trong công đoạn sản xuất vì sau khi hoàn thiện xe thì những hạng mục này rất khó kiểm tra.
Ngoài ra theo thông tin trên báo tôi được biết CĐKVN chưa quan tâm tới công nghệ sản xuất ra những chiếc xe mà chỉ quan tâm tới chất lượng của những chiếc xe. Mà cụ thể ở đây là quan tâm đến 20- 30% hạng mục kỹ thuật.
Điều này mặc nhiên cho 70- 80% hạng mục kỹ thuật còn lại là đảm bảo kỹ thuật tại nhà sản xuất. Vậy kết quả kiểm định đã sát với thực tế chưa? Câu hỏi này xin Bộ trưởng chuyển tới CĐKVN, trong khi ai cũng hiểu công nghệ lắp ráp ô tô ở Việt Nam là như thế nào, khi mà chất lượng xe ô tô phụ thuộc nhiều vào tay nghề và tâm lý của người công nhân.
Trong khi tại các nước có công nghệ tiên tiến như bên Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu.v.v. thì thường xuyên có các chiến dịch thu hồi để khắc phục các lỗi kỹ thuật để giảm nguy cơ gây tai nạn cho người sử dụng thì ở Việt Nam chưa hề có chuyện thu hồi xe bị lỗi kỹ thuật.
Trong hai năm 2009 và 2010 trên toàn cầu, Tập đoàn Toyota đã phải thu hồi hơn chục triệu xe bị lỗi kỹ thuật - số lượng lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô.
Thế nhưng, Toyota lại chủ tương không bao giờ thu hồi xe ở Việt Nam mà chỉ có chiến dịch chăm sóc khách hàng trong một số trường hợp dặc biệt, như trường hợp TMV mới đây buộc phải thừa nhận đã bán ra thị trường hơn sáu mươi ngàn xe bị lỗi kỹ thuật.
b. Xét những chiếc xe ô tô đã đưa vào sử dụng:
Theo như một số lái xe nói với tôi rằng đi đăng kiểm xe ô tô dù là xe mới hay xe cũ thì họ vẫn phải tốn thêm một khoản chí phí ngoài hóa đơn. Nếu xe càng cũ thì càng phải tốn nhiều tiền thì xe sẽ đạt tiêu chuẩn!
Nếu điều này là sự thật thì rất nguy hiểm. Nó tương tự như việc cảnh sát giao thông chặn xe chở quá tải hoặc không đủ an toàn sau đó phạt tiền rồi cho đi tiếp. Những chiếc xe không đảm bảo kỹ thuật hay chở quá tải sẽ là mối nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.
Tôi mong Bộ Trưởng với cương vị của mình sẽ đưa ra được những yêu cầu cụ thể hơn đối với những chiếc ô tô đem vào lưu thông để tăng độ an toàn cho những người tham gia giao thông.
3.Chất lượng mặt đường
Chất lượng mặt đường cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Tùy theo loại đường (đường đô thị, đường cao tốc…) mà yêu cầu hệ số ma sát mặt đường là khác nhau.
Với đường cao tốc thì đòi hỏi hệ số ma sát của mặt đường phải lớn.Vì khi đi trên đường cao tốc với tốc độ cao nên lực quán tính rất lớn khi phanh.
Nếu hệ số ma sát mặt đường không đủ lớn để tăng lực ma sát giữa các lốp xe với mặt đường thì các bánh xe dễ bị trượt trên mặt đường làm mất kiểm soát xe nên dễ gây tai nạn.
Tuy nhiên khi đi trên đường có hệ số ma sát lớn sẽ làm tăng nhiệt độ của lốp xe dẫn đến áp suất trong lốp xe càng lớn. Nếu lốp xe không tốt sẽ có nguy cơ bị nổ lỗp. Theo tôi thì đây cũng chính là lý do hay nổ lốp trên đường cao tốc Sài Gòn- Trung Lương thời gian qua.
Kính thưa Bộ trưởng, trên đây là một số vấn đề có ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông mà tôi muốn được gửi tới Bộ trưởng. Trong khuôn khổ bức thư này tôi mới chỉ nêu vấn đề mà chưa đi vào phân tích nguyên nhân cụ thể. Tôi rất mong có cơ hội trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng về vấn đề này để phân tích kỹ hơn./.