Để có những củ đậu nhẵn nhụi bày bán trong các chợ trên địa bàn là bao mồ hôi, công sức của người nông dân Đại Từ đổ xuống. Và không ít thương lái cũng cơ cực mưu sinh cùng củ đậu
Thăng trầm cùng củ đậu
Khi những tia nắng mùa đông xiên chéo tán lá, báo hiệu trời ngả sang chiều cũng là lúc tôi theo xe ô tô tải của chị Nguyền Hồng Nhung, một thương lái ở chợ đầu mối Túc Duyên chuyên nghề buôn, bán củ đậu, lên xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ.
Khi đứng trước cánh đồng bạt ngàn cây củ đậu lá xanh thẫm, to, tròn của xóm Quang Trung, Khâu Giang, Khâu Giáo 1 và Khâu Giáo 2… xã Bản Ngoại, tôi thật không ngờ nơi đây củ đậu lại được người nông dân phát huy thế mạnh đến vậy. Có thể nói, 19 xóm của Bản Ngoại đều được người dân thâm canh trồng củ đậu.
Bà con cho tôi biết, tính đến nay cây củ đậu đã trồng trên đất này gần 10 năm, nhưng đó là do tự phát. Các hộ gia đình tự tìm hiểu cách làm đất, gieo trồng, chăm bón… theo kiểu manh mún, học “mót” kinh nghiệm. Người trồng củ đậu trước tự mày mò, nghiên cứu để người trồng sau nhìn nhận mà làm theo, không được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cùng sự chỉ đạo của Hội nông dân xã.
Chị Vũ Thị Lưu, Trưởng thôn Khâu Giáo 2 cho biết, trong thôn có 70 hộ gia đình, có trên 80% là dân tộc Nùng, 100% người dân trồng lúa và thâm canh cây củ đậu gối vụ. Mỗi năm củ đậu có 2 vụ (vụ chiêm từ tháng giêng đến tháng 4, tháng 5; vụ mùa từ tháng 5, tháng 6 đến tháng 11, 12). Trung bình, nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, cây khỏe, không bị nhiễm bệnh thì mỗi sào sẽ cho thu hoạch từ 2 đến 2,5 tấn củ đậu. Trừ các khoản giống, vốn chi phí mua phân, bán ra ngoài thị trường được giá, thì lợi nhuận mỗi sào cũng thu được từ 1,5 đến 2 triệu đồng.
Đang vui vẻ tâm sự thì chị Lưu bỗng ngưng lời, gương mặt thoáng chút đăm chiêu, chị bảo nhà chị mùa này trồng 5 sào củ đậu, nhưng chắc chắn thu hoạch không được là bao, bởi đầu năm nay, cây đậu bị bệnh, lá bỗng nhiên bạc phếch từng đám, cây còi cọc không lớn được. Mà không riêng ruộng nhà chị, cả cánh đồng trồng củ đậu bị bệnh. Lúc ấy, các hộ dân nháo nhác “chạy” ra đại lý bán thuốc thực vật, hỏi cách chữa trị, phun thuốc. Cũng vì tự tìm hiểu, tự “chữa bệnh” cho cây mà dẫn tới hậu quả củ bé, sần sùi, độ ngọt kém, chất lượng không cao.
Ngay giữa ruộng củ đậu của gia đình ông Bùi Văn Quang và bà Vũ Thị Châm cùng một số người làm đổi công đang tất bật dỡ củ đậu. Khi tôi hỏi “Vụ này gia đình bác thu hoạch được nhiều không?”, bà Châm lắc đầu, chép miệng: “Trồng cây mấy tháng mong đến ngày dỡ củ, nhưng năm nay củ đậu bị bệnh, mất mùa, thu hoạch tất tật chừng 7 tạ thôi, mong sao gỡ gạc giống vốn là tốt lắm rồi”.
Nói xong, bà Châm đưa tay chỉ vào từng đống củ đậu to bằng… nắm tay nằm rải rác giữa ruộng bảo: “1 sào ruộng này có tới 2/3 là củ đậu thải như thế kia đấy, củ đẹp thì được vài tạ, bán cho chủ hàng bên Vĩnh Phúc, còn củ xấu mong có người đến mua giá rẻ là tốt lắm rồi”.
Và tôi chứng kiến gia đình bà cân cho chủ hàng được có… 4 tạ củ đậu loại 1 to, tròn, mã đẹp, với giá 2.200đ/1kg. Còn những củ đậu loại 2, loại 3 kia, áng chừng trên 3 tạ, chắc phải chờ đợi sự may mắn có người đến mua với giá rẻ từ 600 - 700đ/1kg. Theo tâm sự của người trong gia đình thì, mỗi sào đầu tư giống, vốn, phân bón trên 1 triệu, bây giờ thu hoạch không được là bao, làm mà không có công, thế thì lấy tiền đâu lo cái ăn, cái mặc ở gia đình thuần nông trông chờ vào đồng ruộng này? Nói là thế, nhưng bà Châm lạc quan, hy vọng các ruộng khác sẽ cho thu hoạch cao hơn, để có tiền trang trải cuộc sống.
Còn trên cánh đồng ở xóm Khâu Giang, chị Trần Thị Thịnh, chỉ cho chúng tôi xem những thửa ruộng củ đậu lá, dây bắt đầu tàn héo, đến kỳ thu hoạch, nhưng vẫn “yên vị”, tâm sự: “Gia đình tôi trồng 9 sào, dỡ đi bán lẻ được 3 sào rồi, mong có người đến mua để bán hết, không thì củ đậu ở lâu dưới đất sẽ hỏng và nứt toác ra”. Sau khi thở dài như muốn vơi cái buồn, chị Thịnh trầm ngâm, nói giọng buồn buồn: “Có người địa phương “chủ gom hàng hộ thương lái” trả giá cao 2.600đ/1kg mua hết, trả bằng mặc cả lời thôi, chưa đưa tiền, trả xong rồi om hàng để đấy, không lấy, bây giờ giá cả xuống rồi, tôi phần vì tiếc, phần vì muốn giữ lời hứa với họ, không muốn có chuyện lôi thôi nên… chưa bán được”.
Om hàng, ép giá
Thương lái đến mua củ đậu tại Bản Ngoại
Dọc hai bên quốc lộ chạy qua xã Bản ngoại, người dân trồng củ đậu mang sản phẩm của mình ra bày bán nhiều lắm. Người bán thì nhiều mà người mua thì “đếm trên đầu ngón tay”.
Ngay trước khu vực nghĩa trang xã, chiếc xe tải mang biển kiểm soát 22L - 6823 của anh Đỗ Văn Dũng đang “ăn hàng”.. Anh Dũng lái xe cho biết, mỗi ngày anh từ huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) sang đây mua từ 1,5 đến 2 tấn củ đậu mang về bán buôn, bán lẻ. Thực giá người dân bán là 2.200đ/1kg, nhưng anh mua theo “người chủ chạy hàng” là ông Chu Văn Cường với giá 2.300đ/1kg.
Gia đình anh Hoàng Văn Nình, xóm Quang Trung đang cân hàng cho xe của anh Dũng bộc bạch: “Đây là thời điểm giá rẻ, nhưng cũng phải bán thôi, vì tôi rất lo như năm ngoái, để lại không có người mua, về sau thối hết”. Theo như anh Nình tâm sự, gia đình trồng củ đậu có thâm niên trên 9 năm rồi, nhưng lo lắng nhiều chuyện lắm. Lo từ chuyện gieo trồng, chăm bón, thu hoạch đến sợ bị “ép giá” bán rẻ. Mà sự “ép giá” cũng không sợ bằng bị “om hàng”.
Trên đất Bản Ngoại, có không ít những “thợ” gom hàng cho các thương lái, họ sống chính bằng “nghề nước bọt”, mỗi ngày không vất vả cũng kiếm tiền trăm “ngon ơ”. Củ đậu bị “om” cũng phần nhiều do một số người này làm cho nông dân bị lao đao, thương trường bấp bênh.
Sau khi đi “lòng vòng” trên cánh đồng củ đậu ở một số thôn của Bản Ngoại, tôi có mặt tại địa điểm chiếc xe tải mang biển số 20L- 67 – 36 của chị Nhung, chủ hàng chợ đầu mối Túc Duyên đang xếp cân củ đậu của ông Nguyễn Văn Du, thôn Ba Giăng. Hàng cân xong, người bán đã ra về, nhưng… không biết từ đâu một số người hiếu kỳ vẫn xúm đông, xúm đỏ xung quanh, nghe lời qua, tiếng lại rất gay gắt giữa nhóm 3 người đàn ông với chị Nhung. Người dân ở đây cho biết: Đây là 3 ông tướng thầu củ đậu bằng nước bọt Thiết, Hùng, Tuyên (đứng đầu nhóm này là Triệu Văn Thiết, còn 2 người kia cùng nhóm “chỉ trỏ”). Những lời gay gắt, sự đe dọa của nhóm đàn ông như: “Bà phải trút hàng, chúng tôi giữ xe”, “Bà không đi khỏi đất này nếu không “nôn” tiền”, “Bà có thích còn được làm ăn ở đất này hay không?” liên tục được đưa ra. Đặc biệt, trong số đám người đứng “túc trực” ở bên cạnh xe có cả đám thanh niên “choai choai” mặt mũi ngổ ngáo, tóc xanh, tóc đỏ do chính người đàn ông tên Tuyên kéo đến nhằm “gây gổ, uy hiếp” chủ hàng, chủ xe. Lúc này, chị Nhung nói nhanh: “Chị bị rắc rối trong làm ăn rồi, trước đây vài tuần, chị lấy hàng của nhóm người này, nhưng chúng gửi hàng xấu, bán bị lỗ nhiều, bây giờ lấy củ đậu qua nhóm khác nên chúng gây chuyện…”.
Thấy tình thế thật sự có thể đe dọa đến tính mạng cũng như tài sản của chủ hàng, tôi nhanh chóng nhờ một người dân đèo xe máy đến trụ sở Công an huyện Đại Từ trình báo.
Công an vào cuộc
Mặc dù đã hơn 4 giờ chiều thứ 7, thế nhưng cơ quan Công an huyện nhiều người đang trong ca trực. Tiếp tôi ngay trong phòng làm việc ở cổng là Trung tá Nguyễn Văn Tuất, Đội trưởng Đội điều tra hình sự. Sau khi nghe tôi thông tin sự việc, anh Tuất đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ cho các lực lượng từ gọi điện cho Công an viên xã bản Ngoại, đến điều động lực lượng Công an điều tra, giao thông… tới ngay hiện trường.
Nhờ sự có mặt kịp thời của các chiến sĩ lực lượng Công an huyện giải quyết nhanh về công tác gìn giữ an ninh trật tự mà chị Nguyễn Kim Nhung, chủ hàng cùng chiếc xe “thoát” được sự rắc rối, nhanh chóng lên đường về thành phố trước khi trời tối… Trên đường về chị Nhung băn khoăn, do mừng quá chưa kịp cảm ơn các chiến sĩ Công an, và chị có nhờ tôi, qua bài báo này, gửi lời cảm ơn các chiến sĩ công an huyện Đại Từ.
Tôi cũng mong sao, các cấp, các ngành của địa phương cũng đã đến lúc cần quan tâm sát sao trong thâm canh cây củ đậu, để người dân nơi Bản Ngoại bớt nỗi lo bị “ép giá”, “om hàng”. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong mua bán giúp thương hiệu “củ đậu Đại Từ”, một đặc sản của địa phương có chỗ đứng vững vàng trên thị trường.