Là một trong những chợ rau quả đầu mối lớn nhất thành phố Thái Nguyên nhưng ở chợ Túc Duyên chỉ thực sự nhộn nhịp vào khoảng nửa đêm.
1 giờ đêm, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ là lúc các tiểu thương ở khu chợ Túc Duyên bắt đầu ngày làm việc của mình. Những chiếc xe ô tô chở rau quả từ các miền nối tiếp nhau vào chợ. Hàng hóa được chở về đây có đủ các nguồn từ Hà Nội, Đà Lạt… và cả Trung Quốc. Người mua bán ở chợ chủ yếu là người dân các phường Túc Duyên, Trưng Vương và một số vùng phụ cận.
“Mỗi đêm, cứ 1 rưỡi là tôi dậy, xếp rau của nhà trồng được đẩy ra chợ, sau đó lại để rau ở một chỗ rồi đi mua thêm hàng của ô tô chở về đem bán. Mỗi ngày cũng kiếm được một, hai trăm nghìn đồng. Công việc này đem lại nguồn thu nhập chính của gia đình tôi”: Chị Nguyễn Thị Lợi một người có nhiều năm buôn bán ở chợ Túc Duyên chia sẻ.
Có tự mình chứng kiến mới tường tận sự tần tảo và nỗi vất vả của những người dân mưu sinh ở đây. Khi xe ô tô chở hàng vừa đỗ, những tiểu thương đang ngồi chờ lập tức đứng dậy nhảy lên thùng xe lôi những sọt hàng về phía mình. Khách mua hàng hầu hết đã quen mặt nhau, thậm chí họ còn là chị em trong một nhà nhưng vẫn phải tranh giành vì để chọn được sọt rau, quả ngon. Khuôn mặt những tiểu thương lấm lem mồ hôi. Giữa nhiệt độ trời đêm Đông dưới 15 độ mà những tiểu thương này phải cởi bớt áo khoác cho đỡ nóng.
Có những ngày chỉ có một xe rau quả nên việc tranh giành càng trở nên dữ dội. Tiếng cãi vã, đôi co, tranh giành ồn ào một góc chợ. Đó là chưa kể đến những khi trời mưa đường lầy lội, trơn trượt khắp chợ nước ngập đến mắt cá chân; những ngày đông lạnh cắt da cắt thịt thì hoạt động mua bán hàng hóa của các tiểu thương ở đây vẫn diễn ra như thường nhật. Dưới ánh đèn vàng vọt trong màn đêm, tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười, tiếng ngã giá… tạo nên thứ âm thanh hỗn tạp huyên náo cả khu chợ.
Hàng hóa mua từ ô tô nhanh chóng được đổ ra, phân loại và bán cho khách. “Hàng đầu (rau quả ngon, đẹp) thì bán được giá hơn, còn hàng chân thì chấp nhận bán rẻ hơn. Tôi chỉ mong bán hết hàng không tồn đến hôm sau thôi” chị Lê Thị Nhung nói trong khi tay vẫn thoăn thoắt phân loại những quả chanh, còn chồng chị đang kéo bao khoai sọ nặng đến cả tạ. Những tấm nilon được trải xuống nền đất trở thành “cửa hàng” để người ta bày bán rau quả. Khắp chợ hàng trăm “cửa hàng” nằm san sát nhau, bên trên tấm nilon đầy ắp cà chua, cà rốt, su su… Hơn 2 giờ sáng, chợ Túc Duyên trở nên náo nhiệt hơn bởi có thêm sự xuất hiện của những người bán lẻ ở các chợ trong thành phố hoặc người của các quán ăn sinh viên… đến mua hàng. Khu chợ như trở nên nhỏ bé bởi những xe đạp, xe máy, ô tô và cả dòng người đông đúc hối hả qua lại. Ai cũng mong bán cho nhanh, mua xong sớm về kịp phiên chợ sớm, chuẩn bị cho ngày mới bắt đầu. Trong ánh đèn leo lét, những khuôn mặt thiếu ngủ của cả người bán lẫn người mua hiện lên vẻ mệt mỏi.
Công việc của những tiểu thương ở chợ Túc Duyên kết thúc khi rau quả được bán hết hoặc đến khoảng giữa trưa. Nhiều hôm hàng hóa ế ẩm thì họ phải kéo về để hôm sau bán tiếp. Một năm có 365 ngày thì hầu như chỉ có sáng mùng 1 Tết là chợ nghỉ. Từ mùng 2 Tết đã có những người mở hàng bán lấy ngày hoặc đơn giản chỉ là bán những hoàng hóa tồn lại từ ngày 30 Tết để tranh thủ kiếm thêm đồng lãi.
Ngoài rau quả, chợ Túc Duyên còn bày bán những mặt hàng khác như: thịt, hàng khô…nhưng đa số chúng đều được bày bán khi trời sáng, chỉ có rau quả là mua, bán trong đêm.
7 giờ sáng, chợ đã vãn vì người mua hàng đã tỏa đi các chợ trong thành phố, rau quả bán không còn nhiều là lúc các tiểu thương cho phép mình nghỉ ngơi đôi chút sau một đêm vất vả.