Núi Cốc - Một huyền thoại mới

15:04, 07/11/2011

Thiên nhiên đã ban tặng cho mỗi vùng quê một kỷ vật. Người Thái Nguyên có hồ Núi Cốc, một cái hồ đã đi vào huyền thoại và cũng lắm buồn vui trăn trở.

TNĐT -  Nhà văn Trịnh Đình Khôi (hiện trú tại Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) đã có chuyến thăm Thái Nguyên trước thềm Liên hoan Trà. Nhiều ấn tượng sâu sắc của một miền quê “nửa đồng nửa núi” đã ghi dấu trong ông. Nhất là hồ Núi Cốc - một địa chỉ nhân sinh tươi đẹp của tỉnh. Báo Thái Nguyên trân trọng giới thiệu bài viết này của nhà văn

 

Chuyến về thăm quê hương Cách mạng lần này có khá nhiều ấn tượng nhưng thấy rõ nhất là hình ảnh thuỷ lợi trong lòng người vì hiện lên bằng những công trình. Có thể nói cái được lớn nhất của người nông dân và nông thôn Việt Nam trong mấy chục năm qua là sự thay đổi, biến cải đồng ruộng, là hệ thống thuỷ lợi và gần đây là điện khí hoá và mở mang giao thông. Có nhiều vùng quê người đi xa về không còn nhận ra “cây đa mái đình” xưa. Những nếp nhà tranh đã ngói hoá, bê tông hoá. Quả thực “Giang sơn dị cải” (Núi sông dễ đổi).

 

Nhọc nhằn biến ước mơ thành hiện thực

 

Mỗi vùng quê đều có những con sông, những hồ nước tuyệt đẹp tạo nên cái hồn sông núi, cái man mác nước non. Thiên nhiên đã ban tặng cho mỗi vùng quê một kỷ vật. Người Thái Nguyên có hồ Núi Cốc, một cái hồ đã đi vào huyền thoại và cũng lắm buồn vui trăn trở. Nhân dân Bắc Thái, những hậu duệ của chàng Cốc, nàng Công đã biến những dòng nước mắt của Người thành dòng nước mát cứu sống con cháu. Biến buồn đau của hai người thành niềm vui của con cháu. Nước mắt Người nhỏ xuống thật không uổng. Nơi cao xanh kia chắc chàng, nàng đang mỉm cười nhìn con cháu. Bọn hậu sinh khả ái, bọn trẻ sinh sau thật đáng yêu. Chúng biết khóc than cha ông và cũng biết tạo niềm vui cho mình. Niềm vui tràn ngập lòng trẻ già trai gái xứ Thái từ khi có công trình thuỷ lợi Núi Cốc. Nói về Bắc Thái mà không nói về Núi Cốc có vong ân với Hoàng Thiên Thổ địa và con người lớp trước không.

 

Những người lãnh đạo muốn biến hồ Núi Cốc từ một địa chỉ văn hoá tự nhiên thành địa lợi và nhân sinh tươi đẹp của xứ Thái. Thật là một ý tưởng tuyệt hay. Núi non rừng già xứ Thái đã góp phần tạo nên căn cứ địa Cách mạng, tạo nên bề dày văn hoá Việt Bắc chiến khu để ngày ấy dân Việt hướng về phía Bắc mà thức dậy ý chí đuổi giặc xâm lăng giải phóng cõi bờ. Mảnh đất ấy không thể nghèo khổ sau Cách mạng. Ý chí của những người lãnh đạo tỉnh là quyết tâm của toàn Đảng toàn dân trong tỉnh. Anh Vũ Ngọc Linh, tôi gọi là anh vì họ hàng nhưng năm nay ông đã chín mốt tuổi, tuổi Canh Thân (con khỉ vàng), tuổi có trí lực, tuổi gánh vác lo toan. Gặp tôi anh bảo: “Lúc đó lãnh đạo chúng mình đau lắm, mãi chưa hoàn thành được công trình thuỷ lợi Núi Cốc, mơ ước ngàn đời và lớn nhất của tỉnh. Cái anh chàng Trần Nhơn miệng nói tay làm hàng trăm công trình thuỷ lợi trên toàn quốc đã vui hài chọc tức chúng mình:“Chín năm làm một Điện Biên, mười năm Núi Cốc triền miên kéo dài”. Không, không thể kéo dài phải làm bằng được bằng xong. Đó là quyết tâm của toàn Đảng bộ. Các anh Vũ Ngọc Linh, Doanh Hằng, anh Cước, anh Kiểm, anh Cần, anh Bảy, anh Ngọ… và bao nhiêu anh nữa, những chiến sĩ vô danh trong chiến dịch ngày đó, đầy kỷ niệm với mỗi người Bắc Thái. Thời trung niên, thời trai trẻ là đây và bây giờ một thế hệ kế tiếp xứng đáng với sự nghiệp xây dựng phát triển thuỷ lợi của các anh ở Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thái Nguyên. Các anh trực tiếp chỉ đạo khai thác như anh Tĩnh, anh Huynh, anh Dũng, anh Lâm, anh Thịnh...

 

Hệ thống thuỷ lợi Núi Cốc trở thành một công trình hàng đầu phải quản lý và quản lý khai thác có hiệu quả  phục vụ toàn tỉnh, thành phố, nhất là các huyện phía Nam. Đây là một mô hình quản lý mới, một điển hình thuỷ lợi mà các tỉnh bạn phải học tập. Toàn bộ công trình thuỷ lợi đã được kiên cố hoá, bốn nhăm km kênh cấp một và trên năm trăm km kênh cấp hai, ba đã làm cho diện tích đất đai trở thành một bàn cờ thuỷ lợi đến nỗi các bạn chuyên gia Đức đến tham quan còn mơ ước “Bên chúng tôi kiên cố hoá kênh mương như các bạn còn là một mơ ước”. Nhờ thuỷ điện qua hệ thống thuỷ lợi đã tận dụng năng lượng trên hai ngàn kw hoà điện lưới quốc gia. Tuy khiêm tốn nhưng sản lượng này cũng gần đủ cung cấp lượng điện ưu tiên cho những khu vực cần ưu tiên. Đó là một thành công kết hợp hài hoà thuỷ lợi và thuỷ điện. Khi các hợp tác xã có nguy cơ tan rã, các anh lãnh đạo thuỷ lợi Thái Nguyên đứng đầu là anh Ngọ đã đề nghị tỉnh phân cấp quản lý cho xã, huyện và một phần cho tỉnh. Đó cũng là một sáng kiến. Chính vì vậy mà hệ thống thuỷ lợi vẫn tồn tại và phát triển. Từ ngày ra đời Công ty khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh nó lại càng phát huy tốt vai trò của mình trong đời sống và sản xuất.

 

Những chuyện này giờ thành hiện thực không còn là mơ ước nữa. Mọi người kể chuyện mình như  kể chuyện vui, bước vào chiến dịch thời bình mà dân công, bộ đội rầm rập như thời chiến. Đi chiến dịch mang theo cuốc, xẻng, mai, thuổng rồi vác lợn, gạo, tranh tre nứa lá như đi ở riêng ngày mới cưới vợ.

 

Trước Tết âm lịch, Đôn Văn Cước, tổng tư lệnh triệu tập hội nghị và tuyên bố ra giêng là vào chiến dịch, không còn tháng Giêng là tháng ăn chơi nữa. Đám thanh niên nam, nữ được ông bí thư tỉnh đoàn Ngô Hai cùng cả Tỉnh đoàn thấm nhuần một nghị quyết lớn của thanh niên. Thanh niên là đội quân chủ lực trong phong trào làm thuỷ lợi, xung phong đi chiến dịch như xung phong ra tiền tuyến. Đoàn thanh niên rầm rộ ra quân. Anh đi em cũng đi, cậu đi tớ cũng đi, thua kém gì nhau. Họ hẹn nhau chờ nhau ở nơi chàng Cốc hoá đá, nàng Công thành nước mắt. Trăng công trường sáng một cách kỳ lạ chiếu xuống mặt hồ và cây lá ven hồ lung linh một màu huyền ảo. Nàng Công chàng Cốc hiện về chứng giám những gương mặt nam thanh nữ tú hẹn hò nhung nhớ. Thiên tình sử của chàng nàng vằng vặc trên mặt hồ bao la. Sau chiến dịch thành công, bao đôi nên vợ nên chồng, cô gái về đồng bằng, chàng trai lên miền núi, có người ở bên Núi Cốc dựng những tổ ấm mới. Công trình thuỷ lợi hoàn thành đã dẫn nước về tưới cho một vùng đất khát, tưới lúa tưới hoa ở đồng bằng mà còn tưới chè tưới cây cho vùng cao quê hương Cách mạng

 

Những ngày đầu, Vũ Ngọc Linh đã cùng một số cán bộ tỉnh tự tay đánh xe u oát đít vuông, đít tròn đi khảo sát thực địa. Sau này đám trẻ con còn nhiều lần nhìn thấy ông già lái xe con mà chúng đã chế riễu “Ông già đầu bạc còn đi lái xe sao không ở nhà ẵm cháu đuổi gà cho vợ. Đoàn cán bộ của Công ty xây dựng thuỷ lợi 2 của Bộ do Giám đốc Nguyễn Trân, Giám đốc Nguyễn Đông và sau này Giám đốc Trần Hữu Hỷ, kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng cùng  một số cán bộ các phòng ban khác của Bộ cũng bám sát công trường. Khi về dự hội nghị Thứ trưởng Trần Nhơn còn khích tướng “Tôi đề nghị anh Linh ra nghị quyết phải linh, anh Mạnh phải mạnh lên, anh Tiến phải tiến lên”. Cho đến bây giờ người Bắc Thái (Bắc Kạn và Thái Nguyên) còn nhắc lại câu nói đó.

 

Quản lý bảo vệ chế ngự đặc biệt là khai thác tài nguyên nước trở thành mục tiêu của người dân Thái Nguyên trước hết là hồ Núi Cốc, món quà quý giá mà thiên nhiên ưu đãi. Nhưng vấn đề là vốn đâu ra. Sức đâu có. Mơ ước và mục đích thì quá tốt đẹp rồi. Đầu tư cơ bản cho kết cấu hạ tầng, nhất là thuỷ lợi thuỷ điện thường đi trước một bước rồi mới đến đầu tư sản xuất. Ai sẽ đầu tư cho nguồn vốn lớn này? Tỉnh hay Trung ương? Chắc chắn phải nhờ Trung ương. Không như những công trình thuỷ lợi của tỉnh sau này ví dụ như  Bảo Linh, ông Ân đã đánh xe lên hai Bộ: Thuỷ lợi và Tài chính. Bộ Thuỷ lợi còn có người tiếp nhưng cũng chẳng vui vẻ gì vì Bộ còn đang khó khăn, công trình nào cũng quan trọng, cũng xin Trung ương đầu tư. Đến Bộ tài chính ông Ân vào văn phòng không được tiếp ngay phải chờ đến chiều. Ông Phó chủ tịch cùng mấy cán bộ đi theo ra đầu phố uống nước chè chén và hút thuốc lào vặt. Ai lại mấy ông cứ xách điếu cày chạy lăng xăng, hút hết mấy gói thuốc Vĩnh Bảo vẫn chưa được gọi vào. Bà hàng nước ái ngại, cho các “chú” mượn mấy cái ghế ngồi đến ba bốn giờ mới được tiếp, không dám cả đi ăn trưa sợ gọi đến tên lại không có mặt. Xong việc ba bốn thày trò kéo nhau ra quán cuối chiều. Đành phải làm  mỗi anh hai bát. Đói rồi. Ông Ân bảo đồng chí lái xe cứ thoải mái, nhưng thoải mái lắm mới hết hai bát không người lái, rồi lại vội vàng quay về Thái. Bấy giờ anh em mới thấy hết cái khó cái khổ của thời các bác lãnh đạo lớp trước, suốt ngày đánh xe lên Bộ, lên Cục chạy vạy xin tiền làm thuỷ lợi, làm công trình.

 

Sức dân như nước

 

Một góc hồ Núi Cốc. Ảnh Thế Hà

 

Trung ương và địa phương cùng làm nhưng các công trình khác địa phương vẫn là chính. Đảng bộ và nhân dân xứ Thái đã có bao chiến dịch và lần này toàn đất quê hương cách mạng lại phải nhờ Trung ương nhưng tỉnh phải tự lực, phải huy động bộ máy và sức dân, dùng lực lượng lao động thủ công làm chính. Sức dân vô song. Đôn Văn Cước chỉ huy trưởng công trình sau khi nghe các cán bộ tham mưu báo cáo những khó khăn đặc biệt nơi ăn chốn ở cho cả vạn dân công trên công trường. Cước đã ra một cái lệnh cực kỳ phiêu lưu mà người nghe khó tin là thực hiện được nhưng bằng một quyết tâm và hành động dám nghĩ dám làm táo bạo và thần tốc. Tỉnh tập trung toàn bộ phương tiện giao thông chở tranh tre, nứa, lá, và cả nhà làm rồi về công trường xây dựng lán trại cho dân công. Sau muốn để cho sức chứa tăng lên đã hạ mức làm lều trại. Việc này tỉnh lo một phần còn các huyện tự lực xây dựng nơi ở. Các cán bộ trực tiếp chỉ đạo tác chiến như Kiểm, Bảy Ngọ.... chạy như chong chóng cả ngày. Cán bộ các ngành Y tế - Văn hoá kể cả giáo dục cũng vào cuộc, văn công chiếu bóng cũng đến công trường phục vụ.

 

Mới đầu cũng có ý kiến xì xào trước các quyết định của ông “Quát” (Đôn Văn Cước) nhưng các quyết định của ông đều đúng. Ông “quát” để công việc hoàn thành tốt. Đến cái quyết định nhổ lúa để mở nước thì thật là mạo hiểm. Phá lúa trồng đay từ xưa đến nay chỉ có bọn “giặc lùn” mới dám làm. ấy vậy mà vì quyền lợi chung người dân cũng dám làm không đòi hỏi gì. Dỡ nhà, nhổ lúa, chuyển mồ mả để đón nước về. Phá đến đâu, dỡ đến đâu cán bộ đi theo đền bù giải toả đến đó. Dân vài ba xã hy sinh quyền lợi để dân cả tỉnh có quyền lợi. Một sự vui vẻ tự nguyện. Thế là dân mấy huyện chỉ trồng màu nay được cấy lúa. Dân “con củ” Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Bình... toàn những cái tên đẹp như thơ mà phải ăn khoai, ăn ngô giờ mới có lúa, có lợn. Dân từ chỗ không tin, thách đố nhau, cá cược nhau, cam đoan mấy ông trên nói phét, nước nôi nào về được đây. Rồi đấy mà xem. Khi nước về đồng trắng xoá. Toàn dân đã có một đêm mất ngủ sau khi đón nước về. Các cụ già bảy tám mươi trải chiếu giữa sân nhà liên hoan nước chè tươi và khoai lang luộc. Thanh niên nam nữ múa hát rồi kéo nhau ra mương máng xem nước về. Có người sướng quá lội ra giữa dòng nước ngụp lặn hưởng cái vị mát lành của dòng nước. Vụ mùa năm đó lúa tốt bời bời, các vụ sau lúa tốt như đồng bằng, không còn cảnh chó chạy hở đuôi, cánh đồng xơ xác, lúa không trỗ được vì thiếu nước. Dân gọi công trình thuỷ lợi hồ Núi Cốc là công trình Đại hạnh phúc

 

Vẫn là kinh nghiệm muôn thuở của người cầm quyền là phải dựa vào sức dân. Huy động triệt để sức dân làm thuỷ lợi thay đổi ruộng đồng, chống lũ lụt, tưới tiêu nước, phát điện, phát triển vận tải thủy, nuôi thuỷ sản và cuối cùng là cung cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt. Khi Đảng viên và nhân dân đã nhất trí với Đảng thì sự đoàn kết trong cấp uỷ là bài học xương máu. Dân Bắc Kạn coi Núi Cốc là của Bắc Thái không còn của Thái Nguyên cũng như sau này khi dân mấy huyện phía nam và thành phố Thái Nguyên coi dường Bậc Bố Bắc Kạn là của mình. Dân Bắc Kạn ngạc nhiên vì Đảng bộ đã huy động toàn tỉnh tập trung cho mở đường Bậc Bố, con đường khó khăn như đừờng lên trời. Chỉ nghĩ đến đã thấy ngại. Ai dám mơ đến. ấy vậy mà một sáng dân đã mở cờ vác trống ra đường xem thông xe con đường Bậc Bố và sau đó còn nhiều công trình khác ở Bắc Kạn được triển khai.

 

Toàn Đảng toàn dân vào chiến dịch. Các bí thư cấp uỷ, Chủ tịch các cấp đều trở thành Chính uỷ tư lệnh trưởng. Biên chế tổ chức các làng, các xã theo đơn vị, tất cả theo quân phong quân kỷ quân đội. Các Đảng viên lúc đó thật tuyệt vời ai cũng xung phong hoặc nhận lấy vất vả khó khăn, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu. Các đội 202 là đội quân chủ lực. Tất cả vào chiến dịch. Tư lệnh Phùng Quang Thanh dẫn đoàn quân sư 312  cùng với các lực lượng vũ trang đóng ở khu vực Thái Nguyên đều xung trận như đi chiến dịch. Người dân còn nhớ hình ảnh ông tư lệnh cũng vác đất, quần áo xanh cũng bê bết đất như lính trong Sư đoàn, cũng ăn những bữa đại táo tại công trường với lính tráng. Thanh niên sinh viên gần ba chục trường đại học, cao đẳng, trung cấp được huy động tham gia chiến dịch, các thầy cô giáo cũng có mặt tại công trường với các em học sinh, sinh viên tham gia lao động. Không có sức máy, máy móc bấy giờ rất hiếm phải ưu tiên cho những chỗ quan trọng mà sức người không thi công được. Những trang thiết bị cơ giới máy móc phải nhập ngoại mà rất đắt. Đất nước chiến tranh còn nghèo. Vậy mà đêm đêm trên hồ Núi Cốc vẫn âm vang tiếng người và cả tiếng máy. Núi Cốc huyền sử đang được chặn dòng xây đập nâng cao mức nước tạo dòng chảy mạnh mẽ tưới cho ba bốn huyện trong tỉnh và hỗ trợ cho một số huyện thuộc tỉnh Bắc Giang. Chỉ có sức người mà tạo nên công trình thế kỷ bằng sự chắt chiu bền bỉ theo lối kiến tha lâu cũng đầy tổ, thử thách sự dẻo dai, cần cù lao động của từng con người trong khi đó Bắc Thái lúc đó lại đang thiếu lương thực như một số tỉnh miền Bắc.

 

Có thực mới vực được đạo. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Ủy ban họp khẩn cấp cử đồng chí Đặng Quốc Tiến thay mặt tỉnh “chạy gạo” cũng như mấy chủ tịch trước đó, các chủ tịch tỉnh bấy giờ được tiếng là chủ tịch “gạo”. Gạo để cứu đói cho dân. Gạo đối với Thái Nguyên lúc đó là mặt hàng chiến lược cung cấp cho công trình thuỷ lợi Núi Cốc. Chủ tịch Tiến phải mang “đặc sản” của tỉnh: Thép, chè  vào thành phố Hồ Chí Minh đổi lấy gạo chở bằng tàu hoả ra. Nghe tin hàng ngàn tấn gạo về, các cán bộ tỉnh, ban chỉ huy công trường sung sướng vì đã có thực chắc sẽ vực được đạo. Cả công trường vang dội lời ca tiếng hát cổ vũ sức lao động, năng lượng tinh thần được cộng với sức mạnh vật chất làm cho năng suất nâng cao không ngừng. Một phong trào thi đua giữa các đơn vị thật sôi nổi.

 

Người dân Bắc Thái lúc đó đi làm thuỷ lợi ở các công trình Núi Cốc, Gò Miếu, Bảo Linh v...v đều tự hào là những chiến sĩ  đi chiến dịch. Lại nói đến Bảo Linh và một số công trình thủy lợi và giao thông về xã hội đều có ý nghĩa như một hành động đền ơn đáp nghĩa đồng bào dân tộc đã cưu mang giúp đỡ Cách mạng. Những người con của Cách mạng nhiều người đến đây là ở lại đây với đồng bào suốt thời kháng chiến chín năm, sau hòa bình (1954), coi đó như quê hương thứ hai của mình, tiêu biểu là Vũ Ngọc Linh. Anh đã tạm biệt quê hương quan hộ Tiên Du - Bắc Ninh nơi có nhiều kỷ niệm, hội hè đình đám để gắn bó với đồng bào, làm việc ở miền núi hơn sáu chục năm, từ tuổi thanh xuân gần ba mươi tuổi đến ngoài chín mươi tuổi mới về Hà thành. Một ông Khu ủy viên lúc ba mươi tuổi đến TW ủy viên hai khóa, qua cương bị Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Bắc Thái. Anh hiền lành như ông già miền núi, chỗ nào khó, ở đâu cần đoàn kết là Trung ương điều anh đến. Vậy là thâm niên Trung ương vẫn không “nhảy” về Trung ương để có chức có quyền cao hơn. Đồng bào dân tộc Bắc Thái và các tỉnh anh đến đều coi anh như một già làng trưởng bản của dân tộc mình.

 

Người viết dòng này hồi hộp giấu anh vì những dòng nói thật về anh, vốn  anh rất tránh những gì viết và nói về mình. Biết thế nhưng viết về Bắc Thái mà không viết về anh đôi dòng thì thật là thiếu sót. Anh Am (Vũ Ngọc Linh) một đồng chí Trung ương về hưu không còn quyền lực nhưng trong lòng nhân dân anh vẫn là một Trung ương đúng nghĩa của từ này. Cửa nhà anh vẫn đông những người nhân nghĩa ra vào. Sau sự nghiệp của người đàn ông bao giờ cũng là một người đàn bà, chị Thục vợ anh một người đàn bà hiền hậu đã giúp anh tập trung vào sự nghiệp vì dân vì nước, chẳng bao giờ nhận quà bánh của người dân. Nòi nào giống ấy. Đó là người đàn bà sinh trưởng trong một gia đình truyền thống, đến bây giờ tôi mới biết, chị là em ruột bà Khuất Duy Tiến, một nhà cách mạng của Hà Nội.

 

Người Bắc Thái tự hào về Núi Cốc và một số công trình thủy lợi giao thông, đấy là hiện hình của những mơ ước nhiều đời tạo nên bề dày văn hóa xứ Thái và đang phát huy nội lực trong kinh tế thị trường, đó là vùng du lịch sinh thái lớn. Thả con thuyền trên hồ Núi Cốc, mặt nước trong xanh phẳng lỳ như một mặt gương khổng lồ, phóng tầm mắt lên dãy Tam Đảo xanh mờ hội họa. Bức vẽ của trời điểm  những cánh chim chấp chới  như những chấm sáng. Không gian thiêng liêng, núi non im lặng nhưng lòng du khách rộn rã trước hình sông thế núi. Những mặt nước trời cho mát rượi trong xanh và nuôi sống đất đai, nuôi sống muôn loài và con người. Người ta gọi Tổ quốc của mình là nước, nước nọ, nước kia hoặc đất nước, cặp âm dương tạo nên sự sống. Nước đúng là một tài nguyên tự nhiên quý giá. Nước là sự sống của con người và muôn loài. Nó phải được sử dụng vào mục đích sống. Nước là hàng hoá đặc biệt. Nước phải được tái sản xuất, phải lấy nước nuôi nước. Nước có giá trị và giá trị sử dụng con người phải nắm lấy. Công trình thuỷ lợi Núi Cốc là nguồn nước lớn, nó không chỉ là gương mặt văn hóa xứ Thái mà kinh tế xứ Thái, du lịch xứ Thái, thuỷ sản xứ Thái..v.v Hồ Núi Cốc lại được hồ Gò Miếu bù đắp nên luôn đủ nước. Sự tiếp sức ấy tạo nên sự liên hoàn cho Núi Cốc hoạt động liên tục. Một địa phương đa dạng về địa hình, có núi non sông hồ đồng bằng rừng núi sẽ giúp nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội và văn hóa. Địa hình lý tưởng ấy sẽ làm cho con người sống phong phú, không bó hẹp, không hạn chế mà còn mở mang sự suy nghĩ phát triển. Trong quy hoạch chiến lược và phát triển của mình, Bắc Thái phải lợi dụng không gian thiêng liêng, đa hệ sinh thái mà trời đất ban cho để phát triển, chấn hưng nối nghiệp đời đời. Con cháu thế hệ mai sau phải tiếp nối mở rộng phát triển kinh tế đặc biệt văn hóa khu Núi Cốc. Phải có giải pháp đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội, địa phương cần có chính sách đầu tư khuyến khích tạo điều kiện cho những tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển.

 

Công trình làm thay đổi gương mặt quê hương

 

 Khu du lịch hồ Núi Cốc được đầu tư nhiều hạng mục phục vụ du khách. Ảnh: T.H

 

Lãnh đạo Bắc Thái từ những thập niên cuối thế kỷ trước đã đặt nền móng cho những công trình trị thủy, hướng thủy lợi vào mục đích và ngày nay những người kế nghiệp cứ thế phát huy. Từ ngày đầu mở nước xứ Thái đã có mặt các anh Vũ Ngọc Linh, Doanh Hằng, Bắc Dũng của tỉnh. Các anh Nguyễn Thanh Bình, Bộ trưởng sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trần Nhơn - Thứ trưởng và cả những người công nhân kỹ sư không có cương vị gì như anh Lưu Viết Bấc kỹ sư, anh Trần Duy Liên, người từ cuối năm 1960 đã là cán bộ xây dựng công trình thuỷ lợi Suối Củn, Cao Bằng và đã được chính Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Ngọc Linh kết nạp vào Đảng tại công trường. Duyên kỳ ngộ khi anh Linh về Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Thái, Liên lại được Bộ điều về Núi Cốc rồi qua Thác Huống, Bảo Linh... gắn bó với Thái Nguyên. Liên đã cùng với trưởng ban Đỗ Đình Trung, kỹ sư Đỗ Ngọc Thiên và Trần Nhơn lội rừng khảo sát thực tế tuyến tràn xả lũ và đề xuất với Bộ thay đổi kết cấu công trình từ hình thức bậc nước sang hình thức máng phun như hiện nay. Sáng kiến này đã tiết kiệm đáng kể khối lượng đào đá, khối lượng xây đúc công trình, rút ngắn tiến độ thi công, tạo mỹ quan cho công trình. Còn anh Phạm Mạnh Hùng kỹ sư, làm thủy lợi cả tuổi trẻ không ngày cưới vợ, ra trường từ 1966 qua thủy lợi Đồng Mô, Núi Cốc, Ngải Sơn đến bốn mươi tư tuổi mới lấy vợ. Anh chỉ là một nhân viên kỹ thuật nhưng thông thạo thổ ngơi, kỹ thuật và máy móc đã cùng các chuyên gia của bộ các cán bộ Ty Thủy lợi tỉnh thăm dò tính toán để chọn địa điểm xây dựng đập.

 

Nhớ lại ngày ấy trước cảnh nước sôi lửa bỏng cần có một tư lệnh chiến dịch là người có kiến thức dám làm và biến quyết tâm của toàn Đảng toàn dân Bắc Thái thành hiện thực trên các công trình thủy lợi. Thường vụ họp khẩn cấp, cán bộ phải dám hy sinh. Đôn Văn Cước, Ủy viên ủy ban sắp vào chân Phó chủ tịch được phái xuống trực tiếp làm Trưởng Ty thủy lợi. Anh Cước vui vẻ nhận nhiệm vụ khi được anh Linh giao việc. Vì phẩm chất đảng viên vì uy tín của người giao việc mà chỉ sau mấy ngày Cước đã vào việc. Nhìn vào tấm gương người chỉ huy mình sắp tới, ba quân răm rắp vào chiến dịch. Mặc dù trước đó đã có ý kiến của một chuyên gia cao cấp bên nước bạn sang giúp đỡ Việt Nam về thủy lợi. Sau khi nghiên cứu thực tế Việt Nam đã đưa ra ba điểm chính: làm thủy lợi nhỏ là chính, giữ nước đầu nguồn là chính, làm thủ công là chính. Ý kiến của chuyên gia bạn ta phải nghiên cứu và áp dụng tùy từng địa phương, từng địa hình cụ thể. Trên thực tế ta vẫn mạnh dạn triển khai sáng tạo những phương án táo bạo miễn là có hiệu quả cao. Quả nhiên nhiều công trình thủy lợi đã phát huy tác dụng. Riêng công trình thủy lợi Núi Cốc rất có tác dụng với Bắc Thái, nó đang là nguồn sinh lực quan trọng nuôi dưỡng phần hồn và cả phần xác con người xứ Thái. Núi Cốc trở thành đặc trưng của Thái Nguyên, nhắc đến Thái Nguyên là người ta nhớ đến Núi Cốc.

 

Bằng sức lao động của con người, bằng trí tuệ tài năng của đội ngũ cán bộ khoa học thủy lợi của Bộ của Ty Thủy lợi tỉnh. Ngày ấy các anh đã bỏ xe, lội bộ dọc kênh và thâm nhập vào dân ven lòng hồ. Hết hỏi han thăm dò dân lại gặp trực tiếp các cán bộ xem ý Đảng lòng dân có gặp nhau không. Mở chiến dịch là đụng chạm đến lòng hồ, đến nơi ăn chốn ở của dân. Đoàn các anh đội mưa, đội nắng đi từ tối đến sáng, đi từ ngày này sang tháng khác, từ bắt đầu công trình đến hoàn thành công trình. May thay, các anh đều nhận được sự ủng hộ giúp đỡ và cả sự hy sinh của nhân dân. Cũng có một vài ý kiến lo lắng ái ngại vì phải thay đổi cuộc sống, di chuyển nơi ăn chốn ở, chuyện đi lại học hành, chuyện phong tục tập quán, chuyện người miền núi hy sinh cho miền xuôi... Mấy huyện phía Nam tỉnh đón nước về giải cơn khát ngàn đời. Những khát vọng ước ao xưa đã thành sự thực. Dân mở tiệc ăn mừng ngày khánh thành công trình. Sau đó, những công trình thủy lợi Bảo Linh, Gò Miếu, Thác Huống, con đường Bậc Bố, đường Na Rì, đường lên Ba Bể và còn nhiều công trình khác đã làm cho bộ mặt kinh tế văn hóa xứ Thái thay đổi, hòa nhập với sự đổi mới và phát triển của cả nước. Có lẽ ngành văn hóa Thái Nguyên cũng nên có một công trình đặt ở địa điểm nào đó để đặt tên, ghi công những con người, những công trình thủy lợi Thái Nguyên đã góp phần thay đổi bộ mặt quê hương, thể hiện sự tri ân của nhân dân Bắc Thái với những người đã có công xây dựng nên nền văn hoá tinh thần và vật chất xứ Thái và cũng thể hiện lòng biết ơn của Đảng và cách mạng đối với bà con dân tộc xứ Thái trong những năm “cháo bẹ rau măng” kháng chiến chống Pháp và những năm gian khổ chống Mỹ. Núi Cốc đã ghi tạc dấu ấn trong tâm hồn người dân xứ Thái, trong lòng người dân Việt và du khách quốc tế qua đây.

 

Có thể nói toàn Đảng, toàn dân toàn quân Bắc Thái đã để lại một công trình thế kỷ. Người về tham quan Núi Cốc có cái thú vị khi tham quan hồ nước mênh mang với những rừng cây xanh rợp mát trên hồ còn có cái thán phục trí tuệ và bàn tay con người trước những tấm bê tông đồ sộ chắn đập và toàn bộ hệ thống điều tiết nước. Trong một lần đoàn chuyên gia thủy lợi của Nhật Bản gồm nhiều cán bộ có chuyên môn giỏi, những giáo sư tiến sĩ đến tham quan hồ Núi Cốc và công trình thủy lợi đã ngạc nhiên đến sửng sốt về trình độ thi công thiết kế của các kỹ sư công nhân Việt Nam trong khi họ cứ đinh ninh công trình này phải nhờ nước bạn giúp đỡ chứ Việt Nam không thể tự làm được.

 

Chiến dịch thủy điện Núi Cốc còn sừng sững bên mặt hồ êm đềm bao la, cây cỏ xanh rờn. Xa xa là những dãy núi xanh mờ mịt ẩn hiện những con người và muông thú quý. Những chiến sĩ của chiến dịch Núi Cốc đã kẻ còn người mất. Ôi thời gian! Núi Cốc lắm nỗi buồn chìm khuất đấy hồ và cũng lắm niềm vui dào dạt mênh mang như nước mặt hồ. Chúng ta đón nhận những gì dễ thấy và vui vẻ với nó. Đấy là cuộc sống là sự thật nhưng đôi khi cũng phải tưởng vọng đến quá khứ đầy gian lao  hào hùng. Hồ Núi Cốc với mỗi người Bắc Thái đều có một kỷ niệm, làm sao gói được cả trăm ngàn kỷ niệm ấy trong  một bút ký. Chỉ có thể nói và viết về Núi Cốc một huyền thoại mới trong một cuốn sách vài cuốn sách mới hy vọng đến được với những số phận còn mất, buồn vui, mơ ước của người xứ Thái trong những ngày xây dựng công trình thế kỷ./.