Trong quá trình hoàn tất mục tiêu “phát triển Thái Nguyên thành Trung tâm kinh tế của vùng trung du, miền núi Bắc bộ”, cùng với các ngành kinh tế quan trọng khác, ngành Điện đã và đang vào cuộc tích cực, thực hiện tốt vai trò tiên phong của mình.
Đi đôi với đảm bảo cấp điện phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ và khu vực đô thị, hiện nay ngành Điện đang hướng về vùng nông thôn nhằm từng bước cải thiện lưới điện đã xuống cấp bấy lâu.
I.Công cuộc cải thiện lưới điện nông thôn
Có lẽ đây là nhiệm vụ lớn lao và mang tính thời sự nhất đối với ngành Điện hiện nay. Bởi, khi cả nước đang tập trung cao độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (vấn đề cấp điện ổn định là một trong những nội dung quan thiết nhất) thì việc sốt sắng vào cuộc của Công ty Điện lực Thái Nguyên mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Điện về với bản làng
Gần đây chúng tôi đã phản ánh về sự đổi thay của bản người Mông xóm vùng cao Lân Đăm, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) khi nguồn điện lưới Quốc gia được kéo tới mỗi gia đình đồng bào. Hơn 30 năm trời bà con nơi đây phải sống trong cảnh “đèn dầu” nên 12 hộ dân với 79 nhân khẩu trong xóm đều thuộc diện hộ nghèo. Cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng họ cho đến cuối năm 2010 khi nguồn điện lưới 0,4kV được đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn II kéo về xóm thì cuộc sống của bà con mới bớt khổ. Đồng bào đã được tiếp cận với khoa học kỹ thuật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, được sử dụng máy móc sản xuất nông nghiệp…
Cuộc sống mới đã bắt đầu với bản vùng cao xa xôi này. Cùng với Lân Đăm, rất nhiều bản làng hẻo lánh khác trên địa bàn tỉnh cũng dần cải thiện đời sống nhờ có nguồn điện ổn định của Nhà nước kéo về. Ở các xã vùng sâu vùng xa như Thần Sa, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Phương Giao của huyện Võ Nhai, rồi Linh Thông, Lam Vỹ, Bảo Linh của huyện Định Hoá, Văn Lăng, Tân Long của huyện Đồng Hỷ… những năm qua đều được tỉnh quan tâm tạo điều kiện xây dựng các công trình cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương và nâng cao đời sống cho đồng bào. Không nói đâu xa, ngay như xóm vùng sâu của xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) là Tân Thái (cách trạm biến áp 6km) cũng nhiều năm không có điện, mới đây đã được Công ty Điện lực Thái Nguyên đầu tư đưa điện lưới tới 75 hộ gia đình trong xóm.
Mấy năm gần đây, Linh Sơn 2 đã trở thành xóm khá giả của xã miền núi Bình Sơn (T.X Sông Công). 79 hộ dân trong xóm tuy thuần nông song lại no đủ hơn lên chính nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Lúc trước, xóm luôn có từ 50% số hộ nghèo trở lên, nhưng nay chỉ còn khoảng 15% đến 20%. Lý giải cho sự thay đổi đáng kể này, ông Nguyễn Huy Tập, Bí thư chi bộ xóm Linh Sơn 2 cho biết: Chủ yếu là do có lưới điện ổn định, từ đó bà con được mở mang đầu óc, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giải phóng sức lao động. Tỷ lệ người dân sử dụng điện phục vụ sản xuất cũng như lượng điện tiêu thụ đều tăng hàng năm. Ngay như nhà tôi trước đây chỉ sử dụng khoảng 50 số điện nhưng nay phải là 100 số trở lên vì có thêm nhiều máy móc sản xuất, sinh hoạt. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì từ năm 2008 trở về trước Linh Sơn 2 cũng giống như nhiều xóm bản nông thôn khác đều phải sử dụng điện gián tiếp, chịu nhiều giá thông qua chủ thầu là HTX điện năng của xã (bán điện qua công tơ tổng).
Theo phản ánh của người dân thì giá điện thời điểm đó tăng theo từng tháng, có lúc phải chịu giá cao gấp đôi bình thường. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ lưới điện của xóm đã được bàn giao cho Công ty Điện lực Thái Nguyên quản lý, người dân được sử dụng điện trực tiếp qua một kênh. Nhà nước đã đầu tư trạm biến áp Bình Sơn 3, 100 kVA 22/0,4kV, cột hạ thế, còn dây dẫn do xã và nhân dân đóng góp kéo về đảm bảo chất lượng cấp điện tốt hơn. Ông Nguyễn Huy Liệu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho rằng: Từ khi lưới điện của xã được bàn giao cho ngành Điện thì các sự cố về điện được xử lý nhanh hơn, hạ tầng lưới điện được cải thiện hơn, không còn tình trạng nợ đọng tiền điện.
Chúng tôi có dịp về xã Tân Khánh (Phú Bình) và được biết, từ khi nguồn điện bàn giao về cho ngành Điện quản lý trực tiếp đến nay, lĩnh vực nông nghiệp ở đây được cải thiện rõ rệt. Do nguồn điện ổn định, người dân đã bắt đầu dám đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp hiện đại hơn và chủ động xây dựng các mô hình kinh tế gia đình. Cả xã hiện có tới 102 trang trại chăn nuôi khác nhau, 5 cơ sở ấp nở con giống gia cầm, 14 cơ sở sử dụng máy xẻ, chế biến đồ gỗ, 2 xí nghiệp may, trên 20 máy xay xát và nhiều máy sao, vò chè trong dân…
Quyết tâm cải thiện lưới điện nông thôn
Từ khi tiếp nhận toàn bộ lưới điện nông thôn (2009) trên địa bàn tỉnh đến nay, do khối lượng hạ tầng lưới điện khổng lồ lại xuống cấp nghiêm trọng nên khiến ngành Điện gặp không ít khó khăn trong cải tạo. Tuy nhiên, Công ty Điện lực Thái Nguyên vẫn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, vận dụng các điều kiện có thể để cải thiện từng bước lưới điện khu vực nông thôn. Với xã Bình Sơn, trong tổng số 25 xóm thì hiện vẫn còn 4 xóm khó khăn về hạ tầng lưới điện. Các xóm này gồm Khe Lim, Tân Sơn, Lát Đá, Phú Sơn cách trạm biến áp tới 7km, đường đi lại khó khăn, dây dẫn xa, phụ tải nhiều nên điện rất yếu. Sau khi nắm bắt tình hình, Công ty đã tiến hành khảo sát, bố trí xây dựng thêm 2 trạm biến áp nữa tại xã này với mục đích cấp điện ổn định không để cho đồng bào các xóm vùng sâu, vùng xa của xã chịu thiệt thòi.
Theo đánh giá của Công ty Điện lực Thái Nguyên, sau khi tiếp nhận lưới điện nông thôn, không chỉ các địa bàn miền núi, vùng cao mà ngay cả hai huyện vùng thấp là Phú Bình và Phổ Yên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc cải tạo lưới điện. Bởi vì lưới điện của 2 địa phương này trước đây (những năm 90 của thế kỷ trước) chủ yếu do người dân tự đầu tư xây dựng, cột điện làm bằng tre, gỗ là chủ yếu, đường dây thì cũ nát. Theo đánh giá chuyên môn, nếu cải tạo lại lưới điện ở đây thì chỉ còn cách là thay thế toàn bộ. Tuy nhiên, do khối lượng quá lớn, ngân sách hạn chế nên khó có thể cùng một lúc giải quyết ngay thực trạng này được.
Thống kê cho thấy, riêng huyện Phú Bình hiện có 372,8km dây dẫn và khoảng 10 nghìn cột điện, trong đó có 1.058 cột tre, gỗ. Tỷ lệ các trạm điện đặt cách xa khu dân cư trung bình từ 3km đến 4km, tổn thất điện năng có trạm lên tới trên 40%. Trong hơn 2 năm qua, với quyết tâm cao độ của mình, ngành Điện đã tiến hành thay thế toàn bộ 32 nghìn chiếc công tơ mới và tập trung sửa chữa lớn, xây dựng thêm 5 trạm chống quá tải ở địa phương này. Đồng thời cải tạo đường dây và một số trạm biến áp thiết yếu gồm: Làng Trại, Kim Sơn, Kim Đĩnh (xã Tân Kim), Tân Khánh 1 (xã Tân Khánh), Làng Vầu (xã Tân Hoà), Tân Thành (xã Tân Thành)… Huyện Phú Bình đã lựa chọn 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới là Lương Phú, Tân Khánh, Đồng Liên và Nhã Lộng. Điện lực huyện cũng lấy những xã đó làm điểm triển khai cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn. Hiện tại, Điện lực Phú Bình đang ưu tiên cho sửa chữa, khắc phục các điểm xung yếu, đường dây mất an toàn ở Lương Phú và Tân Khánh. Ngoài ra, còn thành lập 17 tổ dịch vụ ở 21 xã, thị trấn trong huyện để quản lý tốt hơn.
Việc cải thiện lưới điện nông thôn là nhiệm vụ quan trọng đang được ngành Điện đặt ra và quyết tâm giải quyết. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện không đơn giản chỉ trong một vài năm mà để đạt được kết quả toàn diện phải mất khá nhiều thời gian. Hiện tại, do khối lượng quá lớn, cải tạo ở hơn 100 xã trên địa bàn nên ngành Điện đang tập trung giải quyết những khu vực xung yếu, những vị trí quan trọng nhằm chống quá tải, tránh thất thoát và mất an toàn lưới điện.
II. Trách nhiệm lớn đối với sự phát triển của địa phương
Kiểm tra công tác vận hành hệ thống điện tại Trạm biến áp của Công ty CP Phụ tùng máy số 1.
Không cần phải bàn cãi về vai trò vốn rất quan trọng của ngành Điện đối với sự phát triển của mỗi địa phương. Với Công ty Điện lực Thái Nguyên cũng vậy, sự vững vàng và ổn định của hệ thống lưới điện thời gian qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp vào việc đưa tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Cấp điện ổn định cho các ngành công nghiệp mũi nhọn
Trong phát triển kinh tế, các lĩnh vực cấu thành như công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp… đều rất quan trọng, còn đối với ngành Điện, nhiệm vụ quan trọng số 1 chính là việc ổn định nguồn điện phục vụ các lĩnh vực trên. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ xin phản ánh sự tác động tích cực của ngành Điện đến một trong những lĩnh vực chủ đạo nhất của tỉnh hiện nay, đó là công nghiệp.
Các ngành công nghiệp trọng điểm có phụ tải lớn được ngành Điện đặc biệt chú ý chính là khu vực công nghiệp khai khoáng, luyện kim, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng và may mặc. Đối với Khu công nghiệp Gang thép, một trong những khu vực đứng đầu bảng của cả tỉnh về tiêu thụ điện năng, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã bố trí xây dựng trạm điện 110 kV và ưu tiên cấp điện khá ổn định. Mới đây, để chuẩn bị phục vụ giai đoạn 2 của Khu công nghiệp này, một trạm biến áp 110kV mới đã được đầu tư tại đây. Theo đánh giá của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thì từ trước đến nay chưa có sự cố lớn nào về điện xảy ra tại Khu công nghiệp này. Ông Phan Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Nhà máy luyện Gang (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) cho biết: Luyện thép là ngành tiêu tốn nhiều điện năng và rất cần một nguồn điện ổn định. Nếu thường xuyên để ngừng lò vì lý do mất điện thì mỗi lần khởi động lại sẽ rất tốn kém, điện năng tiêu thụ lúc khởi động sẽ gấp nhiều lần so với khi đang hoạt động bình thường. Tuy vậy, từ nhiều năm nay việc phải ngừng lò do mất điện ở đơn vị là rất hãn hữu.
Là một thị xã công nghiệp với các Khu công nghiệp quy mô lớn nên vấn đề đảm bảo lưới điện ở khu vực này rất được Điện lực Sông Công chú trọng. Đối với hai phụ tải lớn nhất là Nhà máy Fero Mangan và Công ty CP thép Toàn Thắng do công suất lớn nên đơn vị đã bố trí các trạm biến áp công suất tương ứng, riêng Nhà máy Fero Mangan xây dựng 2 trạm biến áp công suất cực đại. Năm 2011 này, ngành Điện đã tiến hành đầu tư xây dựng 2 hệ thống chống quá tải tại Khu A và Khu B – Khu công nghiệp Sông Công với giá trị hàng chục tỷ đồng.
Chúng tôi có buổi làm việc với đại diện Công ty CP Phụ tùng máy số 1 và được biết, thời gian qua, để giảm tổn thất điện năng, ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất liên tục, đơn vị này đã phối hợp với ngành Điện thay mới toàn bộ đường dây từ 6kV lên 22kV. Những năm gần đây, tốc độ sản xuất của Công ty tăng mạnh, sản lượng điện tiêu thụ cũng tăng theo. Năm 2008 bình quân Công ty phải trả 1,4 tỷ đồng tiền điện/tháng thì đến nay con số này đã tăng lên 2 tỷ đồng/tháng. Tuy vậy, nguồn điện vẫn rất đảm bảo, đặc biệt các sự cố về điện không xảy ra. Ông Chu Văn Thái, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật của Công ty cho hay: Tháng 6-2011, do sơ xuất của công nhân vận hàng máy ngoạm khi đang thi công đường làm hỏng dây dẫn chung của Khu công nghiệp, gây mất điện diện rộng. Là đơn vị có trách nhiệm, Công ty đã phối hợp với Điện lực thị xã linh hoạt xử lý sự cố, kịp thời khắc phục đảm bảo sản xuất.
Chỉ với một số dẫn chứng đó thôi cũng đủ cho thấy việc cấp điện cho các phụ tải lớn trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà ngành Điện đã nỗ lực làm được thời gian qua. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua có động lực phát triển mạnh hơn. Từ một tỉnh nông nghiệp chiếm chủ đạo, giờ đây ngành công nghiệp đứng ở vị trí tiên phong. Sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh tăng mạnh hằng năm đồng nghĩa với việc giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng vượt bậc. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt khoảng 12.200 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2009. Năm 2011, giá trị này cũng tăng khoảng 12,9% so với năm 2010.
Chuyên nghiệp hoá trong quản lý lưới điện
Đó không chỉ là tiêu chí mà còn là cái đích hướng đến của ngành Điện Thái Nguyên. Quản lý lưới điện hiện nay không đơn thuần chỉ là các thao tác trực tiếp trên hệ thống đường dây, trạm biến áp hay điều tiết tại các phụ tải mà quản lý thông qua các trung tâm điều khiển từ xa với công nghệ, máy móc hiện đại, cán bộ kỹ thuật có tính chuyên nghiệp cao. Chúng tôi đã được tiếp cận với Phòng Điều độ (Công ty Điện lực Thái Nguyên) để tận mắt chứng kiến công tác quản lý vận hành lưới điện thông qua hệ thống sơ đồ lưới điện toàn tỉnh. Trưởng Phòng Điều độ, ông Ninh Văn Phong cho biết: Tại trung tâm điều khiển này cán bộ Điện lực có thể biết và điều tiết lưới điện toàn tỉnh một cách chính xác. Thời gian qua, Phòng đã cùng với Điều độ hệ thống điện miền Bắc xử lý kịp thời những sự cố nhỏ tại lưới điện trung áp, phối hợp vận hành một số trạm biến áp của đơn vị có phụ tải lớn. Với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, chúng tôi luôn đảm bảo vận hành thông suốt, an toàn, ổn định lưới điện trên toàn địa bàn.
Được biết, năm 2009, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã áp dụng thành công công nghệ mới trong xử lý tình huống về điện tại các địa bàn. Đó là lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa, truyền dữ liệu tại các máy cắt đường dây về trung tâm điều khiển. Lưới điện của tỉnh hiện có 13 bộ máy cắt đường dây. Điều đáng lưu ý là phần lớn số máy cắt này được lắp đặt tại các đường dây dài, không có người trực, khó đi lại. Do vậy, khi có sự cố tác động, việc theo dõi, thao tác, lấy thông số gặp nhiều khó khăn dẫn đến tăng chi phí vận hành, thời gian xử lý sự cố kéo dài, giảm sản lượng. Khi nhận thấy sự bất lợi này, một nhóm cán bộ kỹ thuật của Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tiến hành lập phương án lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa, truyền dữ liệu thông qua đường dây điện thoại của bưu điện. Anh Đỗ Văn Chung, cán bộ trực tiếp tham gia lập phương án trên giải thích: Trước đây khi tiến hành đóng, cắt điện tại cơ sở phải gọi điện qua trực ban của Điện lực huyện, sau đó công nhân được cử đến tận vị trí cần thiết để thao tác cắt điện. Hiện nay với công nghệ kỹ thuật số cao, khi có sự cố hệ thống sẽ nhận diện và tự động xử lý sự cố một cách chính xác.
Với đội ngũ cán bộ, kỹ sư tay nghề cao, hằng năm ngành Điện luôn chú trọng đến công tác thí nghiệm định kỳ thiết bị điện. Từ đó phát hiện ra các khiếm khuyết để kịp thời khắc phục, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, đặc biệt là tại các trạm biến áp trung gian. Thực hiện các thao tác kỹ thuật tiên tiến để xử lý tình trạng ảnh hưởng (có khi là sự cố cháy máy) do sét đánh tại các trạm biến áp đã vận hàng trên 10 năm. Ngoài ra, để giảm tổn thất điện năng lưới điện, ngành Điện đã tích cực lắp đặt các điểm tụ bù hạ thế tại các trạm biến áp; vận hành 100% các tổ tụ bù lắp đặt trên lưới, thường xuyên theo dõi điện áp để yêu cầu các trực trạm 110kV điều chỉnh nấc phân áp hợp lý; tiến hành giảm bán kính cung cấp điện, nâng cao chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện…
Tiếp tục tăng trưởng và ổn định
Có thể nói, cùng với doanh số, sản lượng, vấn đề ổn định nguồn điện luôn là ưu tiên số 1 của ngành Điện. Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 253.991 khách hàng sử dụng điện, trong đó có 236.951 khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, còn lại là sử dụn điện sản xuất và mục đích khác. Từ đầu năm đến nay, điện thương phẩm của Công ty Điện lực Thái Nguyên thực hiện đạt trên 1 tỷ kwh điện, tăng trên 140 triệu kwh điện so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt trên 1.170 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng điện thương phẩm so với cùng kỳ của từng thành phần phụ tải gồm: Công nghiệp, xây dựng tăng 18,94%; thương mại, dịch vụ tăng 11,18%; nông lâm ngư nghiệp tăng 26,54%, quản lý tiêu dùng tăng 8,29% và các hoạt động khác tăng 10,35%. Đây được xem là kết quả khả quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh nội tại của ngành điện. Chính sự tăng trưởng này phần nào cho thấy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang ngày một mạnh mẽ.
Theo ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên thì để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và yêu cầu đặt ra của xã hội, ngành Điện luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp điện đảm bảo, chất lượng, an toàn và ổn định, phục vụ tốt các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh. Chủ động nắm bắt các nhu cầu phụ tải, nhất là các phụ tải lớn để không bị động trong cung cấp điện tránh việc ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp của tỉnh. Mỗi năm phấn đấu giảm 15% số trường hợp sự cố thoáng qua, 10% số vụ sự cố vĩnh cửu trên lưới điện, kiên quyết không để xảy ra sự cố cháy máy biến áp, sự cố vĩnh cửu lưới điện do nguyên nhân chủ quan. Công ty tiến hành xây dựng chương trình giảm tổn thất điện năng chi tiết theo từng quý, từng năm, trong đó nhận dạng đúng các yếu tố gây tổn thất điện năng thực tế và dự đoán các yếu tố có thể tác động bất lợi; triệt để khai thác các phương thức kết dây hợp lý nhằm giảm tổn thất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc mua bán, sử dụng điện, nhất là đối với khu vực điện hạ áp nông thôn; không ngừng củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công nhân…