Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường nông thôn

10:38, 30/11/2011

Vấn đề ô nhiễm môi trường sống do rác thải sinh hoạt, do chăn nuôi gia súc, gia cầm, do sử dụng phân hóa học trong trồng trọt… đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Từ thực tế đó, nhiều chị em ở xã Bình Sơn (T.X Sông Công) đã có mô hình, CLB hoạt động hiệu quả… góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường sống cho chính mình và cộng đồng.

Mô hình ủ phân vi sinh bằng chế phẩm EM để bón cho lúa, chè và các cây màu khác thay vì dùng phân chuồng, phân hóa học như trước đây là một trong những mô hình hiệu quả mà các chị em ở xã Bình Sơn đã và đang thực hiện. Sử dụng loại phân này vừa tiết kiệm chi phí (do nguyên liệu làm phân được tận dụng từ cành cây, rơm rạ…), lại vừa cải tạo được đất, ít gây ô nhiễm môi trường. Chị Nguyễn Thị Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm Trung Tâm, xã Bình Sơn cho biết: Chúng tôi được Hội Phụ nữ xã, Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển tập huấn kỹ thuật ủ phân bằng chế phẩm EM do Trung tâm cung cấp.

 

Tuy nhiên, tập huấn xong nhiều chị không dám làm vì sợ hỏng, vì thế các chị trong Ban Chấp hành Chi hội Phụ nữ đã làm trước, sau đó đến giúp từng nhà hội viên giúp ủ phân theo đúng quy trình, đồng thời mời các hộ lân cận cùng tham gia. Hiện nay, trên 80% hội viên trong Chi hội sử dụng phân vi sinh để bón cho cây trồng. Theo công thức: cứ 3 tạ phân chuồng, 7 tạ rác thải, 1 gói chế phẩm EM là ủ được 1 tấn phân vi sinh. 1 tấn phân này có thể bón cho 3 sào lúa, giảm 30% kinh phí so với sử dụng các loại phân hóa học khác, trong khi năng suất vẫn đạt 2 - 2,5 tạ/sào. Theo kinh nghiệm của nông dân thì sử dụng phân vi sinh giúp cho cây lúa có màu xanh thẫm, ít thu hút sâu bệnh hơn  sử dụng phân hóa học cây lúa có mầu xanh mướt sẽ thu hút sâu bệnh. Chế phẩm EM được Hội Phụ nữ xã đứng ra mua giúp nên rất thuận lợi. Đến nay, hầu hết các hội viên phụ nữ đã biết ủ phân vi sinh để sử dụng và được nhiều chi hội phụ nữ trong tỉnh đến tham quan, học tập.

 

Mô hình bếp đun ĐK (đỡ khói, đỡ khổ) do Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển (FED) phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai từ cuối năm 2009 đã được chị em phụ nữ đón nhận. Chị Trần Thị Luật, xóm Xuân Đãng 1 cho biết: Sử dụng bếp ĐK giảm được 40-70% khói bụi, không còn mồ hóng, bảo vệ mắt và phổi cho người đun bếp; giảm được 40-50% lượng chất đốt, đun nấu nhanh, không nóng bức, hạn chế hỏa hoạn… Thực hiện mô hình này, xã đã xây dựng được 548 lò sao chè cải tiến tiết kiệm củi, 265 bếp lò cố định, 45 bếp xách tay; xây bếp tặng Trường mầm non và Trường tiểu học. Thấy được hiệu quả, đến nay, hầu hết chị em phụ nữ nông thôn ở Bình Sơn đã sử dụng bếp đun ĐK với ưu điểm tiết kiệm chất đốt, tiết kiệm thời gian đun nấu, bếp sạch sẽ, giảm tình trạng phá rừng lấy củi…

 

CLB bảo vệ môi trường ở xóm Long Vân có 36 thành viên đều là phụ nữ rất tích cực tuyên tuyền, vận động chị em giữ gìn vệ sinh chung. Trên địa bàn xóm có chợ, tập trung nhiều hộ dân sinh sống nên rác thải thường đổ ra sông, ra ruộng… Cứ ngày 20 hàng tháng, các thành viên CLB đã tự nguyện thu gom rác thải, rau dưa thối ở chợ, quanh khu dân cư sau đó phân loại, một phần dùng để ủ làm phân bón, rác thải khác được tập kết và chuyển đi xử lý. Chị Đặng Thị Hoa, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Mỗi tháng, các thành viên CLB "không thù lao" ra quân dọn vệ sinh một lần. Không có xe thu gom rác, các chị phải cho vào bao tải để khiêng hoặc dùng xe máy chở rác thải ra tập kết ở đầu cầu cứng Sông Công, sau đó có xe ô tô của Công ty môi trường mang đi xử lý. CLB đã duy trì việc làm này gần 3 năm nay, sau mỗi lần lao động, thấy đường phố sạch sẽ, phong quang, ai cũng thấy hài lòng và vui vẻ thực hiện.

 

Những việc làm trên của các chị tuy nhỏ nhưng đã được thực hiện liên tục từ nhiều năm nay, góp phần thay đổi suy nghĩ của phụ nữ về môi trường sống, đồng thời tuyên truyền, vận động những người xung quanh để mỗi người hãy giữ gìn môi trường sống an toàn cho gia đình mình, chính là góp phần bảo vệ môi trường sống của cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Tiến, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Sơn cho biết: Ở nông thôn, vấn đề ô nhiễm môi trường do sử dụng phân hóa học, chất thải chăn nuôi… đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, vì thế việc tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường được tổ chức Hội quan tâm, nhất là việc duy trì và nhân rộng các mô hình, CLB môi trường hoạt động hiệu quả. Cuộc sống giờ đã bớt nghèo, miếng cơm, manh áo không còn đè nặng lên đôi vai người phụ nữ như trước, nhiều chị có điều kiện tham gia sinh hoạt các mô hình, CLB để được giao lưu, học hỏi, hiểu biết hơn về các vấn đề của xã hội, trong đó có môi trường. Hiểu rõ tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống sẽ giúp các chị tổ chức tốt cuộc sống gia đình, bởi mỗi thành viên tốt sẽ tạo nên một gia đình tốt; nhiều gia đình tốt sẽ tạo nên một xã hội tốt. Đó là mục tiêu của không chỉ chị em phụ nữ mà của toàn xã hội chúng ta.