39 năm trăn trở tìm đồng đội

14:29, 16/12/2011

Là thương binh hạng 1/4, ông Dương Minh Vui (phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) sau 39 năm trăn trở, tìm kiếm đã đưa được hài cốt đồng đội về quê hương.

Gặp nhau nơi chiến trường lửa máu

 

Trong cái rét mùa Đông, người cựu chiến binh có mái tóc xoăn nhẹ đã điểm bạc, gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền lành kể cho tôi nghe một thời không thể nào quên của mình.

 

48 năm trước, khi mới 16 tuổi, một lần người anh họ là bộ đội đóng quân ở Phổ Yên về thăm nhà đưa theo một người đồng đội là anh Nguyễn Đình An (lúc đó 21 tuổi). Ông Vui kể: thời gian các anh ở nhà ít quá, tôi chỉ kịp luộc nồi khoai lang nghệ cho 2 anh ăn rồi phải chia tay. Nhưng hình ảnh chàng trai có chiếc răng “bọc vàng” lấp lánh, khỏe mạnh, thật nam tính trong bộ đồ trinh sát, luôn kè kè tấm bản đồ địa bàn đã gây ấn tượng mạnh. Từ đó, tôi khao khát trở thành một người lính trinh sát như anh An.

 

Ước mơ đã trở thành hiện thực, năm 1970, ông Vui nhập ngũ và được điều vào chiến trường miền Nam huấn luyện, gặp lại anh An, lúc đó là Trung úy, Trưởng Ban quân báo trinh sát, Trung đoàn E31-F2, Quân khu 5 làm nhiệm vụ tuyển quân. Ông Vui nhớ lại: Nhìn thấy anh An, tôi ngờ ngợ nhận ra chiếc răng “bọc vàng”. Tôi mạnh dạn nhắc về kỷ niệm khoai lang nghệ, anh An nhận ra tôi, hỏi: “Cậu có thích vào quân báo trinh sát không?”. Tôi trả lời ngay: “Từ ngày gặp các anh, em đã ước mơ được làm trinh sát…”. Anh ghi tên tôi vào danh sách, từ đó tôi được ở chung đơn vị, chiến đấu bên anh An. Kỷ niệm chiến trường thì nhiều lắm, có lần bị địch phục kích, không nhận được lương thực tiếp tế, chúng tôi phải đi đào củ chuối, dong riềng ăn cả tuần lễ; rồi quần áo thiếu, có khi phải quấn võng che người đợi quần áo khô… bao nhiêu sướng khổ anh em tôi đã chia sẻ trong 2 năm cùng đơn vị. Lặng đi một lát, ông Vui tiếp: Năm 1971, trong một lần thực thi nhiệm vụ, chúng tôi sa vào vùng địch phục kích, 7 chiến sĩ trong đơn vị hy sinh, tôi bị đạn bắn “sượt” qua mũ cối, máu tuôn ra bết tóc nhưng vẫn nổ súng chặn địch, bảo vệ cán bộ an toàn. Lúc gặp lại nhau, anh An ôm lấy tôi: “Vui ơi! có đau lắm không? hút tạm điếu thuốc rê cho ấm nhé…!”. Sau trận đó, tôi được thăng cấp từ Tiểu đội trưởng lên Đại đội trưởng trinh sát Trung đoàn 31. Đầu năm 1972, anh An được phong quân hàm Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31.

 

Ông Vui nhấp ngụm nước như lắng lại cảm xúc rồi chậm rãi: ngày 24/7/1972, trong trận đánh cao điểm Bàng Thùng, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, anh An bị thương nặng và hy sinh khi mới 30 tuổi. Sau trận đánh tôi mới đến được nơi chôn cất anh, vẽ lại sơ đồ (sau nhà bà Ba Dày, thuộc thôn 3, xã Sơn Thạch, nay là thôn Gia Cát Tây, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) với mong muốn sau này đưa được hài cốt anh về quê nhà. Sau đó tôi giao sơ đồ mộ cho anh Phi, Trưởng Ban Chính sách Trung đoàn 31 để báo cáo cấp trên và lưu giữ. Dù anh An đã mất nhưng tôi luôn thấy anh An còn sống và luôn ở bên tôi. Những chặng đường anh An trải qua từ một tân binh cho đến khi trở thành Trưởng Ban Quân báo trinh sát rồi Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng… tôi cũng đi những bước đường đi như vậy. Dường như định mệnh luôn gắn kết chúng tôi với nhau.

 

Hành trình kiếm tìm đồng đội

 

Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, trở về quê hương sum vầy cùng người thân rồi gây dựng hạnh phúc riêng, nhưng ông Vui luôn canh cánh trong lòng vì chưa tìm được gia đình của liệt sĩ Nguyễn Đình An để báo tin về phần mộ. Trước đây ông chỉ biết anh An quê ở Kiến Xương (Thái Bình), lấy vợ người Đại Từ (Thái Nguyên). Rất nhiều lần ông Vui nhờ bạn bè, đồng đội tìm gia đình liệt sĩ Nguyễn Đình An ở Thái Bình nhưng không thấy. Năm 2008, tình cờ nằm điều trị phục hồi chức năng do vết thương cũ tái phát ở Bệnh viện Điều dưỡng tỉnh, ông Vui gặp ông Nguyễn Quang Huy, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Lục Ba (Đại Từ). Qua câu chuyện của ông Vui, ông Huy nhận ra liệt sĩ Nguyễn Đình An, người có “chiếc răng vàng” chính là bạn học cùng em trai mình. Vui mừng khôn xiết, ông Vui cung cấp mọi thông tin về liệt sĩ Nguyễn Đình An rồi nhờ ông Huy thông báo tới gia đình anh An. Được tin về em trai, ông Nguyễn Đình Tân, lúc đó đã 79 tuổi, trú tại xóm Thành Lập, xã Lục Ba (Đại Từ) tìm ông Vui để hỏi tường tận. Khi nghe ông Vui kể những kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Đình An hay mang theo người gồm: chiếc đài National mặt trắng, một chiếc đồng hồ Poljot và quyển nhật ký cá nhân, ông Tân òa khóc, thốt lên: “Đây đúng là đồng đội em tôi rồi”. Nhưng do hoàn cảnh gia đình lúc đó quá khó khăn, ông Tân chưa thể đi tìm em được.

 

Năm 2010, ông Vui liên lạc với các đồng chí trong đơn vị cũ và nhờ đồng chí Anh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam, đồng chí Trấc là cán bộ cao cấp quân đội đã nghỉ hưu đến phòng Chính sách Quân khu 5 tìm lại hồ sơ, được biết mộ của anh An có trích lục đầy đủ nhưng chưa đưa vào nghĩa trang. Ông lại tiếp tục nhờ vợ chồng đồng đội Hùng - Hoa nhân về quê ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam) vào tìm kiếm trong nghĩa trang các huyện lân cận như: Thăng Bình, Nông Sơn nhưng cũng không thấy bia mộ. Ông lần hồi bắt liên lạc được với nữ y tá Bùi Thị Thông, người trực tiếp chăm sóc anh An khi bị thương, nhờ chị Thông đến khu vực mộ anh An. Chị Thông đã gặp bà Trần Thị Triều, người sống ở khu vực này, bà cho biết: “Đã có đội quy tập liệt sĩ đến đào bới nhưng không thấy hài cốt”. Thử mọi cách tìm kiếm đều không có kết quả, cuối cùng ông Vui và gia đình liệt sĩ tìm gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Mẫn, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (Hà Nội). Nhà ngoại cảm vẽ sơ đồ mộ chí liệt sĩ Nguyễn Đình An và khẳng định: “Hài cốt vẫn còn ở chỗ cũ”. Chẳng quản sức khỏe yếu (ông đã mất 1 chân tại chiến trường Campuchia), ông Vui bàn bạc với gia đình anh An, lập kế hoạch đi tìm hài cốt liệt sĩ. Ngày 1/11/2011, ông Vui cùng 4 bố con ông Tân trở lại chiến trường xưa. Gần 40 năm đã qua, lại bị bom đạn xáo trộn, rất khó tìm ra phần mộ liệt sĩ Nguyễn Đình An. Ông Vui lấy bản đồ địa bàn, sơ đồ mộ chí định hướng, đồng thời gọi điện thoại nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Mẫn trợ giúp. Niềm vui vỡ òa khi ông và gia đình tìm được mộ hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình An. Không quản trời mưa to, gió lớn, quần áo vẫn còn ẩm ướt trên người, ôngVui dẫn đoàn đưa hài cốt liệt sĩ tới Ủy ban nhân dân, phòng Thương binh - Xã hội, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quế Sơn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam để xác nhận và làm thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình An trở về quê hương.

 

Sau 10 ngày ròng rã tìm kiếm, vào 15 giờ ngày 10/11/2011, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình An được đưa về quê nhà trong vòng tay chờ đón của gia đình, Đảng ủy, chính quyền, nhân dân xã Lục Ba. Gia đình liệt sĩ Nguyễn Đình An đã làm lễ báo cáo trước bàn thờ gia tiên, trước vong linh anh An và xin được nhận ông Vui là anh em kết nghĩa.

 

Hiện là Phó Chủ tịch Hội Đông y T.P Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Đông y phường Quang Trung; Phó Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 2, Quân khu 5 (khu vực Thái Nguyên), ở tuổi 64, nhưng công việc nào ông vẫn luôn hoàn thành tốt. Cứ đến ngày 20/10 hàng năm, nhân kỷ niệm thành lập Sư đoàn 2, ông thường đi thăm hỏi, khám chữa bệnh cho những hội viên ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn và thăm các gia đình có con em là liệt sĩ của Sư đoàn ở khu vực Thái Nguyên. Năm 2004, ông được tôn vinh Người thương binh tiêu biểu toàn quốc.

 

Câu chuyện 39 năm trời canh cánh nỗi lòng tìm kiếm, lặn lội hơn nghìn cây số, không quản nắng mưa, tốn kém tiền bạc, cùng gia đình đi tìm phần mộ và đưa hài cốt đồng đội trở về, ai cũng cảm động khen ngợi nghĩa cử cao đẹp, tình cảm thủy chung bền chặt của người lính cụ Hồ Dương Minh Vui.