Được nghe nói về anh rất nhiều, cũng đã được làm việc với anh nhiều lần nhưng đến giờ, tôi mới có cơ hội được viết về anh - một hiệu trưởng mẫu mực, tận tâm, tận lực với nghề, góp phần quan trọng đưa Trường THPT Lương Phú (Phú Bình) gặt hái được nhiều thành tích trong dạy và học. Anh là Đào Xuân Tân.
Chúng tôi gặp 2 hiệu phó của Nhà trường là cô Đồng Thị Hiền và thầy Dương Thanh Trọng để tìm hiểu về anh. Qua câu chuyện, điều mà chúng tôi cảm nhận rất rõ từ cô Hiền, thầy Trọng là niềm tự hào khi nói về thầy Tân. Thật xúc động khi chúng tôi được biết, cô Hiền là lớp thầy cô dạy anh Tân hồi học Trường THPT Phú Bình. Cô Hiền kể đầy hào hứng: Khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, Tân mới 29 tuổi. Vậy nhưng, kể từ đó cho đến nay, Tân luôn thể hiện được sự mẫu mực, bao dung, sống có tình nghĩa, hết lòng với nghề và rất mực thương yêu học trò. Trong công việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, Tân rất biết kiềm chế, biết lắng nghe, để rồi giải quyết mọi việc thấu tình, đạt lý. Tân cũng là người thực hiện rất tốt công tác xã hội hóa giáo dục, có quan hệ mật thiết với chính quyền địa phương và các xã thuộc vùng tuyển sinh của Nhà trường. Qua đó, sự phối hợp giữa chính quyền, gia đình với Nhà trường trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh mang lại hiệu quả thiết thực. Có rất nhiều điều ở Tân mà bản thân tôi và các thầy cô giáo khác phải học tập… Và nói như đồng chí Nguyễn Đăng Tám, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phú Bình thì thầy Tân là người xứng đáng được tôn vinh nhất trong những người được tôn vinh. Thầy luôn nhận được sự tôn trọng, yêu mến của mọi người, từ học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp đến lãnh đạo xã, huyện và ngành Giáo dục - Đào tạo.
Trường THPT Lương Phú được thành lập năm 2002, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2003-2004. Trong cương vị là Hiệu phó của Trường THPT Phú Bình, anh được điều chuyển sang Trường mới giữ cương vị Hiệu trưởng. Cùng chuyển với anh đợt đó là 20 thầy, cô giáo khác cùng Trường. Năm học đầu tiên, thầy và trò phải học nhờ ở Trường Tiểu học và THCS Lương Phú. Biết bao khó khăn, vất vả đã đến với thầy và trò, nhưng với sự nhiệt tình, gương mẫu trong mọi hoạt động chung, thầy Tân đã tập hợp được sự đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh để cùng xây dựng Nhà trường có nền nếp ngay từ những ngày đầu thành lập. Thầy Trọng nhớ lại: Ngày nào cũng vậy, thầy Tân luôn có mặt từ rất sớm để vừa đôn đốc việc dạy và học, vừa theo dõi thi công xây dựng Trường. Nhìn gương thầy “miệng nói, tay làm” nên sau mỗi buổi dạy, chẳng ai bảo ai, thầy cô nào cũng tự giác ở lại để chờ thầy phân công công việc. Nhiều hôm xong việc, trời đã tối từ lúc nào. Cho đến giờ, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm ấy vẫn được cán bộ, giáo viên Nhà trường duy trì và phát huy.
Không chỉ trách nhiệm, tâm huyết với công việc, thầy Tân còn là tấm gương sáng về tinh thần học tập và nghiên cứu khoa học. Tốt nghiệp khoa Sinh học Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên) năm 1995, anh được nhận công tác tại Trường THPT Phú Bình. Hai năm sau, từ năm 1997-1999, anh theo học thạc sĩ Sinh học. Từ năm học 2007-2010, anh học văn bằng 2 cử nhân Kinh tế chính trị. Và mới đây nhất (tháng 11-2011), anh tiếp tục làm nghiên cứu sinh (tiến sĩ) cũng thuộc lĩnh vực Sinh học với đề tài về công nghệ chuyển Gen ở cây đậu tương. Nói về duyên cớ đến với nghề giáo, anh mộc mạc: Nhiều người bảo mình có tác phong của nhà giáo. Và mình cũng tự nhận thấy, đây là nghề phù hợp với tính cách của bản thân. Ở môi trường này, mình có điều kiện để hoàn thiện bản thân hơn, từ lời ăn tiếng nói, quan hệ ứng xử đến việc nâng cao trình độ… Cũng bởi thế, trong tủ sách của anh ở cơ quan cũng như ở nhà, chúng tôi thấy, anh có nhiều loại sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Từ loại sách văn học nghệ thuật, phong tục tập quán của các nước phương Đông, phương Tây đến những loại sách nghiên cứu khoa học, về các hiện tượng tự nhiên, xã hội… Những kiến thức tiếp thu được, khi có cơ hội, anh đều truyền đạt lại với cán bộ, giáo viên và học sinh của mình trong các buổi sinh hoạt ngoại khoá hoặc vào những buổi chào cờ đầu tuần: Từ việc bắt tay, pha trà, úp chén, chào hỏi, xưng hô hay chỉ là cách xoá bảng… Những việc tưởng chừng như rất đơn giản ấy nhưng không phải ai cũng biết và làm đúng. Nhiều khi, chỉ vì sự vô tâm hoặc thiếu hiểu biết mà một hành động nhỏ của cán bộ, giáo viên hay học sinh mà có thể để lại ấn tượng không tốt trong suy nghĩ của phụ huynh hoặc khách đến Trường.
Quả thật, mỗi khi đến công tác tại Trường, chúng tôi luôn có được cảm giác được tôn trọng và thân thiện khi tiếp xúc với bất kỳ cán bộ, giáo viên, học sinh nào của Trường. Nói như ông Lê Duy Vị, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh thì cán bộ, giáo viên của Trường THPT Lương Phú là những thầy cô tâm huyết nhất, yêu nghề nhất và học sinh của Trường cũng là những em chăm ngoan nhất, lễ phép nhất mà thầy từng tiếp xúc. Cũng bởi thế, tuy điểm đầu vào của học sinh luôn đứng ở tốp sau (chỉ cần học sinh không bị điểm liệt ở 2 môn thi vào là Toán, Ngữ văn là đỗ), nhưng chất lượng đầu ra của Trường nhiều năm học qua lại luôn ở tốp đầu. So với năm học 2005-2006 (năm học đầu tiên Nhà trường có đủ 3 khối lớp), ở năm học 2010-2011, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của Nhà trường tăng từ 46,7% lên 48,8%; số học sinh đoạt giải tỉnh từ 105 giải lên 225 giải; tỷ lệ đỗ đại học nguyện vọng 1 từ 23,9% lên 42,5%; tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp lớp 12 của năm học vừa qua là 100%. Có được thành tích này, ngoài việc tận tụy với các giờ dạy chính khóa, cán bộ, giáo viên Nhà trường đã không quản ngại vất vả, so bì thiệt hơn để tham gia các lớp bồi dưỡng miễn phí cho các em học sinh có lực học dưới trung bình. Mỗi năm học 2 lần, vào trước mỗi kỳ thi khoảng 2 tháng, giáo viên 6 bộ môn, gồm: Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh lại có trách nhiệm lập danh sách những em học lực dưới trung bình để Nhà trường sắp xếp lớp phụ đạo. Các môn học được bố trí lệch nhau để đảm bảo học sinh yếu ở môn học nào đều được học bồi dưỡng ở môn học đó. Trung bình mỗi đợt, học sinh được học từ 4-6 buổi/môn học. Mỗi buổi dạy, tuy chỉ được Nhà trường hỗ trợ 40-50 nghìn đồng tiền xăng xe (số tiền này được trích từ Quỹ Khuyến học của Nhà trường) nhưng các thầy, cô đều tham gia với trách nhiệm cao. Tất cả đều với mong muốn giản dị: Giúp học sinh yếu kém có được mặt bằng kiến thức như các bạn cùng trang lứa. Cùng tham gia giảng dạy những lớp học này có đủ 3 thành viên trong Ban Giám hiệu. Và hàng tuần, thầy Tân cũng như cô Hiền, thầy Trọng đều đảm bảo việc đứng lớp theo đúng quy định của ngành.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bản thân thầy Tân cũng như các thành viên trong Ban Giám hiệu Nhà trường luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, giáo viên Nhà trường được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Ngành, cũng như theo nguyện vọng chính đáng của mỗi người. Tính đến nay, 11/77 cán bộ giáo viên Nhà trường đã có trình độ thạc sỹ, 5 người đang theo học cao học; 24 giáo viên (chiếm tỷ lệ 33%) được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tất cả những yếu tố này đã giúp cho Trường THPT Lương Phú tuy thành lập chưa lâu nhưng đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Điều đó được minh chứng qua các chỉ tiêu của 1 trường đạt chuẩn quốc gia đã được Nhà trường đáp ứng đầy đủ (chỉ chờ được cấp thẩm quyền ra quyết định). Suốt 8 năm qua, Đảng bộ Nhà trường luôn đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu; tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên cũng liên tục đạt vững mạnh và vững mạnh xuất sắc; 7 năm liên tục, Trường được công nhận là Tập thể lao động xuất sắc; được nhận 2 Cờ thi đua, 17 Bằng khen của các cấp, ngành (trong đó có 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011). Riêng thầy Tân, 2 lần được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 6 lần được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Tỉnh uỷ UBND tỉnh và nhiều Giấy khen các loại. Đặc biệt, năm 2010, anh vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Anh cũng là một trong số rất ít các hiệu trưởng trong tỉnh được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện 2 khóa liên tục (2005-2010 và 2010-2015). Đáng quý hơn, lúc nào anh cũng được mọi người trân trọng gọi bằng “Thầy”, dù đó là phụ huynh học sinh hay cán bộ xã, huyện, thậm chí chỉ là những người nghe nói về anh.
Trở về với cuộc sống gia đình, anh Tân là người chồng mẫu mực, thương yêu vợ và 2 con. Anh tâm sự, chính sự thông cảm, chia sẻ của vợ đã giúp mình có điều kiện để toàn tâm, toàn ý tập trung cho công việc.