Để đàn vật nuôi phát triển ổn định

01:02, 07/12/2011

Để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, huyện Phổ Yên đã và đang tích cực triển khai những biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Để tìm hiểu công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, chúng tôi đã đến xã Đồng Tiến, một trong những địa phương khôi phục nhanh đàn vật nuôi sau dịch của huyện Phổ Yên. Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Đức Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Vào thời điểm vụ đông xuân năm ngoái, dịch bệnh lở mồm long móng bùng phát trên địa bàn, nhiều hộ chăn nuôi còn giấu dịch vì tiếc của, muốn đem bán để gỡ lại chút vốn. Vì thế, chúng tôi đã phải phân công cán bộ phụ trách các thôn, xóm để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

 

Năm nay, công tác phòng dịch được triển khai chặt chẽ và bài bản hơn. Trước khi tiêm phòng, chúng tôi có tiến hành rà soát lại tổng đàn và thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện tiêm phòng 2 đợt/năm. Đợt 1 vào tháng 3, 4; đợt 2 vào tháng 9, 10. Sau khi tiêm phòng, chúng tôi còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân dấu hiệu của các loại dịch bệnh và các loại vắc xin phòng ngừa để bà con tự chủ động mua thuốc về tiêm bổ sung tùy vào từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của từng loại vật nuôi. Chị Trần Thị Thủy, xóm An Bình, xã Đồng Tiến cho biết: Nhà tôi nuôi 100 con lợn và trên 1.000 con gà thả đồi. Năm 2010, do chủ quan, không tiêm phòng nên 160 con lợn của gia đình bị chết do nhiễm dịch bệnh tai xanh. Năm nay, gia đình tôi không chờ huyện, xã cấp phát thuốc mới tiến hành tiêm phòng nữa mà đã tự đi mua thuốc ở Hà Nội về tiêm phòng cho yên tâm.

 

Không chỉ ở Đồng Tiến mà các xã, thị trấn khác trong huyện, công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm. Anh Lý Duy Hồng, cán bộ thú y xã Minh Đức cho biết: Năm 2010, do không tiêm phòng đầy đủ nên một số hộ trên địa bàn xã có trâu, lợn bị chết. Rút kinh nghiệm năm nay, nhiều gia đình đã chủ động đăng ký tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Tính đến thời điểm này, toàn xã đã tiêm phòng cho đàn gia súc đạt 150% kế hoạch. Các hộ chăn nuôi cũng thường xuyên quét dọn chuồng trại, phun hóa chất khử trùng tiêu độc sau mỗi lứa xuất chuồng. Cùng đó, chúng tôi còn đôn đốc bà con phát quang bờ rãnh, chuẩn bị vật liệu để che chắn cho vật nuôi khi trời rét đậm.

 

\Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Tường Vi, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phổ Yên cho biết: Hiện, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện có trên 22 nghìn con trâu, bò; 110 nghìn con lợn và trên 1 triệu con gia cầm; giảm khoảng 10% số lượng so với năm 2010. Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, cụ thể như: tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, nhất là các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp và những vùng giáp ranh dễ lây lan dịch bệnh để vận động người dân tiêm vắcxin và giám sát việc thực hiện công tác này; làm tốt việc cung ứng nguồn vắcxin và các vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng dịch đối với các hộ chăn nuôi. Ngoài ra, Trạm cũng đề nghị các địa phương cần theo dõi, quản lý và phát hiện sớm gia súc, gia cầm có dấu hiệu dịch bệnh để khống chế, ngăn chặn, tránh lây lan.

 

Thời điểm này, cùng với việc đảm bảo tiêm phòng dịch, huyện Phổ Yên còn chỉ đạo bà con chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Hướng dẫn người dân chuẩn bị các điều kiện về dự trữ thức ăn, vật liệu như: lấy phông bạt che chắn chuồng trại, cung cấp thức ăn có đủ tinh bột, đảm bảo dinh dưỡng để cho đàn vật nuôi có sức đề kháng tốt, phát triển ổn định.