EVN cố tình lờ đi những yếu kém trong quản lý, khiến Tập đoàn này bị lỗ triền miên. Và mỗi khi lỗ thường chỉ đổ lỗi cho một nguyên nhân duy nhất là: giá bán điện quá thấp
Bắt đầu từ hôm nay, giá bán điện lại được Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN tăng thêm một lần nữa trong 2011, bình quân tăng 5%, lên mức 1.304 đồng mỗi kWh.
Theo lý giải của EVN việc điều chỉnh giá bán điện lần này là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán điện.
Đây là những giải thích quá quen thuộc của ngành điện trước mỗi lần đòi tăng giá, hay nói cách khác là giải trình việc tăng giá điện để cho có lệ. Những giải trình này khiến người tiêu dùng khó lòng mà đồng thuận khi mà những yếu kém trong quản lý đã bị EVN lờ đi.
Thời điểm EVN “kiên quyết” tăng giá đúng lúc Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm tra tình hình tài chính của Tập đoàn này năm 2010. Những con số tưởng là khô khan nhưng lại khá sốc khi bóc trần tất cả những bất cập, yếu kém trong quản lý cũng như kinh doanh của Tập đoàn này. Từ trước tới nay dư luận luôn quan tâm đặt câu hỏi EVN đầu tư ngoài ngành bao nhiêu, lỗ lãi ra sao và liệu có tính vào giá điện cho các khoản đầu tư ngoài ngành này hay không thì thường nhận được câu trả lời của ngành điện là: tỷ trọng đầu tư ngoài ngành không đáng kể, chỉ là vài phần trăm! Thế nhưng con số tuyệt đối mà Kiểm toán Nhà nước đưa ra lại khác hẳn.
Cụ thể, tính đến 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là đầu tư vào các công ty con của Tập đoàn này. Lợi nhuận đầu tư của khoản tiền khổng lồ này rất thấp chỉ đạt trên 540 tỉ đồng với tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư chỉ hơn 1%. Riêng đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, viễn thông, chứng khoán và bất động sản là hơn 2.400 tỷ đồng.
Theo báo cáo, năm 2010 tập đoàn này lỗ 8.400 tỷ đồng và tăng giá là yếu tố quan trọng để bù đắp khoản lỗ này. Tuy nhiên, nếu như EVN không đầu tư tài chính dài hạn lên tới gần 50.000 tỷ đồng thì tập đoàn này chắc chắn đã không lỗ. Còn nói về hiệu quả đầu tư, đã có những giả định là nếu số tiền này được đầu tư cho các dự án thủy điện của EVN thì có lẽ nhiều dự án thủy điện sẽ hoàn thành đúng tiến độ vì đủ vốn, có thể sẽ tăng tỷ trọng nguồn điện từ thủy điện – nguồn điện rẻ hơn nhiều so với phát điện chạy từ nhiệt điện, hoặc mua từ các nguồn khác để khỏi… lỗ. Đó là chưa kể, do thiếu vốn đầu tư, các công trình chậm tiến độ còn kéo theo giá đầu tư tăng lên so với định mức vốn ban đầu, càng làm cho EVN vốn khó càng khó hơn khi ngập trong nợ nần.
Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, EVN hoàn toàn có những giải pháp khác ngoài việc tăng giá điện, để giảm số lỗ. Điều đáng lưu ý nhất là tỷ lệ tổn thất điện năng ở Việt
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, EVN hoàn toàn có thể tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm số lỗ thông qua tiết giảm chi phí nhân công hợp lý. Tất cả những con số, những điều mà Kiểm toán chỉ ra không hề được EVN giải trình rõ ràng cho người tiêu dùng trước mỗi lần tăng giá điện. Câu hỏi được đặt ra là: phải chăng EVN cố tình lờ đi những yếu kém trong quản lý, khiến Tập đoàn này bị lỗ triền miên. Và mỗi khi lỗ thường chỉ đổ lỗi cho một nguyên nhân duy nhất là: giá bán điện quá thấp so với khu vực và trên thế giới?!
Từ thực tế này cho thấy, người tiêu dùng đã đúng khi không đồng tình, có thể là bất bình mỗi khi EVN tăng giá điện với những cách lý giải chưa thỏa đáng như trong thời gian qua. Biết rằng ngành điện đang cần một khoản tiền lớn để bù đắp chi phí, từ đó thu hút được nguồn lực tái đầu tư vào ngành khắc phục tình trạng thiếu điện triền miên như hiện nay. Nhưng người dân cũng đòi hỏi sự công khai minh bạch từ ngành điện, chứ không phải giải trình kiểu cho có như những lần tăng giá điện vừa qua./.