Giải quyết khó khăn về quỹ đất xây nhà văn hóa

08:54, 06/12/2011

Những năm gần đây, phong trào xây nhà văn hóa (NVH) phát triển khá mạnh trên địa bàn T.P Thái Nguyên, bởi sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sự đóng góp của nhân dân.

Nhà văn hóa (NVH) tổ, xóm, khu dân cư là một mắt xích quan trọng chuỗi các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân. Xây dựng NVH có thể nói vừa là mục tiêu và cũng là động lực góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”. Những năm gần đây, phong trào xây NVH phát triển khá mạnh trên địa bàn T.P Thái Nguyên, bởi sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sự đóng góp của nhân dân.

 

Những con số thống kê cho thấy: năm 2005, toàn thành phố có 200 NVH xóm, tổ, liên tổ thì năm 2010, con số này được nâng lên 376 trên tổng số 623 xóm, tổ dân phố (đạt tỷ lệ 80,4%). Thành phố đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt tỷ lệ 85% xóm, tổ, liên tổ có NVH (tỷ lệ này tính cả những đơn vị dân cư dùng chung NVH). Tính từ đầu năm đến nay, số NVH được xây mới và đưa vào sử dụng là 21 nhà. Khó khăn lớn nhất cho việc triển khai xây dựng các NVH ở T.P Thái Nguyên hiện nay là quỹ đất công hạn hẹp, trong khi giá trị đất đai ngày một tăng cao, nhất là tại khu vực trung tâm, vượt xa khả năng của một tổ dân phố trong đền bù giải phóng mặt bằng.

 

Do không có đất xây NVH nên các cuộc hội họp và sinh hoạt của tổ dân phố số 3, phường Trưng Vương thường phải mượn nhà dân và không ít lần phải họp ngoài… đường (tận dụng khoảng trống trên một con ngõ) và nếu không may gặp mưa thì “chạy”. Có lần, cán bộ trong tổ đã phải mặc áo mưa đi phát quà Trung thu cho các cháu thiếu nhi. Vì nhu cầu bức thiết nên trong những lần tiếp xúc với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhân dân tổ 3 đều có ý kiến đề nghị được cấp đất để xây NVH. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổ trưởng cho biết, do không còn đất công nên quá trình “xin đất” xây NVH tổ đã kéo dài hơn chục năm nay. Năm 2009, tổ được thành phố cấp quyền sử dụng đất trên diện tích hơn 90 m2, vốn là phần đất dư ra khi quy hoạch xây dựng chợ Thái. Được khánh thành ngày 16-11 vừa qua, nhưng NVH tổ 3 không có sân thể thao, không có đất để xây các công trình phụ trợ bởi không đủ diện tích. Một số NVH hóa tại phường Trưng Vương (NVH các tổ 12,13,15,20) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nói chung, ở nhiều phường của T.P Thái Nguyên, tỷ lệ NVH trên tổng số tổ còn thấp (Trưng Vương 7/23; Túc Duyên 6/23; Đồng Quang 6/18; Hoàng Văn Thụ 14/33…), không ít NVH không đạt chuẩn về tiêu chí tổng diện tích khuôn viên theo Thông tư 06 của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Rõ ràng, thiếu quỹ đất xây NVH đang là khó khăn chung của nhiều tổ, xóm ở T.P Thái Nguyên, vấn đề này đang được thành phố và người dân quan tâm tìm cách tháo gỡ.

 

Chúng tôi đã đến tìm hiểu tại một vài địa phương mà ở đó chính quyền và người dân đã cùng vào cuộc và làm tốt công tác tạo mặt bằng để xây NVH. Phường Gia Sàng có 25 tổ dân phố, tất cả đều có địa điểm sinh hoạt với 18 NVH hiện có. Nghị quyết Đảng ủy phường đặt ra mục tiêu đến năm 2015, tất cả các tổ dân phố đều xây dựng được NVH riêng. Từ việc thực hiện Nghị quyết, công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng; phường cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn các tổ làm thủ tục xin cấp đất, tư vấn và thống nhất địa điểm thuận lợi. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, UBND cùng với sự năng động, nỗ lực của cán bộ và nhân dân các tổ, năm 2010, phường Gia Sàng xây mới được 4 NVH, từ đầu năm 2011 đến nay cũng có 4 NVH được xây mới và đưa vào sử dụng. Phường Quang Trung đưa ra cơ chế hỗ trợ 10% giá trị công trình (ngoài phần hỗ trợ của tỉnh và thành phố) nhằm khuyến khích các tổ đẩy mạnh việc xây dựng NVH. Xã Phúc Hà đặt mục tiêu trước năm 2015, 100% xóm có NVH (hiện đã có 11/14 xóm). Để đạt kế hoạch đó, xã tích cực vận động nhân dân tìm đất, đổi đất và đóng góp để giải phóng mặt bằng, tranh thủ sự tài trợ của Công ty Than Khánh Hòa.

 

Các phường Phú Xá, Phan Đình Phùng và Cam Giá… cũng là những địa phương làm khá tốt công tác này. NVH tổ 27, phường Phú Xá được khánh thành vừa tròn 1 năm nay trong niềm phấn khởi và tự hào của người dân. Ngôi nhà khang trang rộng 165 m2, với khuôn viên gần 600 m2 được hình thành từ nền ruộng thấp phải san lấp, nâng lên 1 m này là thành quả của 68 hộ dân trong tổ. Bà Lưu Thị Thành, Bí thư Chi bộ tổ 27 cho biết: Từ nhu cầu bức thiết về nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao trong khi quỹ đất công khan hiếm nên chưa được cấp, chúng tôi đã họp cán bộ và nhân dân thống nhất sẽ phát động đóng góp tự đền bù giải phóng mặt bằng để xây NVH, với kinh phí gần 100 triệu đồng. Từ khi hoàn thành đến nay, NVH đã phát huy vai trò rất tích cực như ngoài việc tổ chức hội họp, hàng tuần còn có ít nhất 2 buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, làm nơi sinh hoạt hè lý tưởng cho thanh thiếu nhi và thực sự còn là địa điểm học tập cộng đồng của tổ. Được biết, có 10 NVH ở phường Phú Xá đã được xây dựng bằng hình thức chủ động về mặt bằng như vậy.

 

Trong điều kiện khó khăn về quỹ đất như hiện nay, nhất là ở các phường trung tâm thành phố, hình thức NVH liên tổ (dùng chung cho những tổ liền kề) là giải pháp có thể chấp nhận được, ở những nơi được cấp đất nhưng diện tích hẹp nên tính đến phương án xây NVH có 2 tầng trở lên. Ngoài ra, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chủ động, tích cực của cán bộ cơ sở và sự đồng lòng của người dân sẽ là những yếu tố cơ bản để giải quyết vấn đề này.