Hiệu quả từ chương trình lồng ghép hai trong một

10:22, 15/12/2011

Thực hiện chủ trương lồng ghép công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) với chăm sóc sức khỏe người dân, đến nay, huyện Định Hóa đã có gần 150 cán bộ vừa làm y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số (CTVDS).

Qua một số năm thực hiện, hình thức kiêm nhiệm này đã chứng tỏ hiệu quả tích cực, góp phần giảm nhanh tỷ lệ sinh, đặc biệt là số trường hợp sinh con thứ 3.

 

Gần 4 năm kiêm nhiệm cả 2 công việc, chị La Thị Điều, xóm Cắm Xưởng, xã Bảo Cường nhận thấy rõ ưu điểm khi lồng ghép công việc của y tế thôn bản và CTVDS. Theo chị Điều: Cả 2 công việc này đều hướng đến mục tiêu là giảm tỷ lệ sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nội dung công việc cũng liên quan mật thiết với nhau nên có thể kết hợp cùng thực hiện. Bắt đầu làm y tế thôn bản từ năm 1999, mỗi tháng, chị Điều mất từ 3-5 ngày để đi tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường ở thôn xóm, vận động thực hiện các chương trình mục tiêu như: Tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, xây dựng cộng đồng an toàn về sức khỏe, xã chuẩn Quốc gia về y tế… Năm 2008, chị Điều được giao thêm nhiệm vụ làm CTVDS. Cũng từng cần ấy thời gian, chị đã kết hợp tuyên truyền để phụ nữ trong xóm sử dụng các biện pháp tránh thai và sinh đẻ kế hoạch. Làm tốt cả 2 công việc nên xóm Cắm Xưởng đã nhiều năm liên tục không có trường hợp sinh con thứ 3, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng và sức khỏe cho người dân nói chung luôn được đảm bảo.

 

Giống như chị Điều, sau 6 năm làm y tế thôn bản xóm Nạ Á, xã Phượng Tiến, năm 2006, chị Lộc Thị Bưởi được giao đảm nhiệm thêm công việc CTVDS. Chị Bưởi tâm sự: “Những kiến thức của một y tế thôn bản đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi thực hiện nhiệm vụ mới. Sẵn có kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe và vận động người dân thực hiện các mục tiêu về y tế nên khi tuyên truyền dân số, cấp phát thuốc và dụng cụ tránh thai tôi không bị bỡ ngỡ như những người mới. Ưu điểm nữa khi lồng ghép là việc tuyên truyền, vận động được thực hiện đồng thời, thống nhất, từ đó mang lại hiệu quả cao hơn”. 5 năm trở lại đây, xóm Nạ Á không có trường hợp sinh con thứ 3 mặc dù có tới 6 cặp vợ chồng sinh con một bề.

 

Anh Chu Chiến Thắng, y tế thôn bản kiêm CTVDS xóm An Thịnh 1, xã Đồng Thịnh chia sẻ thêm với chúng tôi: “Thực tế, phụ cấp dành cho CTVDS ở xóm, bản chỉ là 120 nghìn đồng/tháng (trước năm 2011 là 50 nghìn đồng/tháng) nên hầu hết không ai muốn làm. Khi lồng ghép 2 công việc, tổng tiền phụ cấp một người được nhận có tăng lên chút ít (phụ cấp cho y tế thôn bản là 415 nghìn đồng/ tháng) nên đã khuyến khích chúng tôi tích cực, trách nhiệm hơn với  công việc”.

 

Nhận thấy hiệu quả của hình thức lồng ghép, tháng 4-2009, Sở Y tế đã có công văn số 23/SYT-DS hướng dẫn các huyện, thành, thị về việc ổn định đội ngũ CTVDS ở thôn bản. Theo đó, khuyến khích các địa phương giao cho cán bộ y tế thôn bản làm luôn công việc CTVDS. Thực hiện chỉ đạo của Sở, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Chi cục DS - KHHGĐ đã chỉ đạo các xã ổn định đội ngũ làm dân số ở cơ sở. Đối với những trường hợp CTVDS nghỉ thì chỉ đạo trực tiếp y tế thôn bản đảm nhiệm. Từ năm 2009 tới nay, huyện Định Hóa đã có gần 80 y tế thôn bản được giao kiêm nhiệm.

 

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Định Hóa nhận xét: Hầu hết cán bộ làm kiệm nhiệm đều rất nhiệt tình, trách nhiệm và đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏa cho nhân dân trong toàn huyện. 3 năm trở lại đây, tỷ lệ gia tăng tự nhiên dân số của huyện đã giảm xuống dưới 1%, số trường hợp sinh con thứ 3 giảm từ trên 60 trường hợp (năm 2008) xuống còn 35 trường hợp (năm 2001). Đặc biệt, trong năm 2011, tại gần 150 xóm, bản có sự lồng ghép cán bộ y tế thôn bản và CTVDS thì chỉ xảy ra 4 trường hợp sinh con thứ 3.

 

Ông Minh Khẳng định: Qua một thời gian triển khai, hình thức lồng ghép “hai trong một” giữa y tế thôn bản và CTVDS đã cho thấy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 150/435 xóm, bản của Định Hóa có cán bộ làm công tác kiêm nhiệm. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện và nhân rộng hình thức này. Đây cũng là mô hình cần được nghiên cứu, đánh giá và triển khai trong toàn tỉnh.