Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, sáng 19/12, Bảo tàng tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954”.
Dự Hội thảo có các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Bắc Thái, các sở, ban, ngành của tỉnh; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ)...
Tháng 10/1940, Bác gửi thư cho lãnh đạo phong trào trong nước “Cách mạng cần phải phát triển về Thái Nguyên mới có thể tiếp xúc với toàn quốc, để khi phát động đấu tranh vũ trang thuận lợi có thể tiến công, khó khăn vẫn giữ vững...”. Chính vì vậy, Thái Nguyên đã được chọn là nơi thành lập ATK trong căn cứ địa Việt Bắc sau này. ATK Định Hóa đã trở thành “Thủ đô kháng chiến”, nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng...
Có gần 20 bài viết được gửi đến tham luận tại Hội thảo với nhiều nội dung phong phú, có giá trị lịch sử, khoa học với cách nhìn nhận, đánh giá dưới góc độ khác nhau của các tác giả, các nhà nghiên cứu, tiêu biểu như: Những vấn đề cấp thiết trong công tác sưu tầm tài liệu hiện vật cách mạng ở tỉnh Thái Nguyên thuộc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954); Dựa vào dân để xây dựng, bảo vệ An toàn khu - Thủ đô kháng chiến; ATK Định Hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp... Đây là ý kiến đóng góp sâu sắc, có giá trị lịch sử cao, cung cấp nguồn nhân chứng quan trọng để bổ sung vào hồ sơ di tích, hồ sơ tài liệu, hiện vật liên quan đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) của tỉnh Thái Nguyên.
Tại Hội thảo, đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí cho rằng: Thái Nguyên là vùng đất địa linh nhân kiệt, có địa thế chiến lược hiểm yếu “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” đã góp phần to lớn vào chiến thắng trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Qua Hội thảo này là cơ sở để Bảo tàng tỉnh làm tốt hơn trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch cách mạng, các tài liệu, hiện vật cách mạng, kháng chiến hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng và một số còn được lưu giữ trong nhân dân. Từ đó định hướng lập kế hoạch, sưu tầm bổ sung các tài liệu, hiện vật giai đoạn này, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.