Nhóm Giáo dục đồng đẳng xã Yên Lãng, Đại Từ hiện có 18 thành viên đang sinh hoạt. Họ đều là những người trước đây từng “gắn bó” với ma túy và bây giờ đang tìm lại cơ hội hòa nhập cộng đồng…
Trên công trường sản xuất vôi rộng hơn 7.000m2 ồn ã dưới chân núi Hồng hùng vĩ, hàng ngày vang lên tiếng xe chở than, tiếng máy nghiền đá, xen lẫn vào đó là tiếng cười nói vui vẻ của những người lao động. Anh đứng đó, hướng dẫn mọi người làm việc, vui vẻ, cởi mở, giản dị. Nếu không nói, ít ai biết được anh là ông chủ của cơ sở sản xuất vôi lớn, có thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng ở xã Yên Lãng (Đại Từ). Đó là anh Phạm Đức Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Đoàn Kết.
Những người lao động tôi gặp hôm đó trên công trường sản xuất vôi ai cũng lấm lem mặt vì bụi than, chỉ ánh mắt là sáng bừng lên. Mọi người khi được hỏi đều có chung chia sẻ: Cảm ơn anh Sơn đã cho họ có công ăn việc làm chân chính với mức thu nhập ổn định. Anh Sơn cho biết: Cơ sở sản xuất vôi của anh hiện tại giải quyết việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn thu hút nhiều lao động thời vụ. Điều đặc biệt, trong số những lao động ở xưởng của anh, ngoài các đoàn viên, thanh niên, phụ nữ trong xã, còn có 2 người trước đây có quá khứ lầm lỗi, nay hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.
Sinh năm 1967 ở một miền quê nghèo, gia đình đông anh em nên anh Sơn chỉ học hết cấp hai là ở nhà phụ giúp việc đồng áng cùng bố mẹ. Năm 1991, sau 3 năm đi nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, anh cũng như nhiều thanh niên khác đã lên tìm kiếm việc làm ở mỏ thiếc Sơn Dương (Tuyên Quang). Rồi anh bị bạn bè rủ rê, mắc vào “nàng tiên nâu” từ lúc nào không hay. Năm 1996, anh đã bị Công an huyện Đại Từ bắt giam 9 tháng vì tội tổ chức sử dụng chất ma túy trái phép. Sau khi mãn hạn cải tạo trở về, anh được mời ra sinh hoạt trong nhóm Giáo dục đồng đẳng ở xã. Sinh hoạt trong nhóm, anh hiểu, để xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, cần có việc làm chân chính. Anh xin đi làm thuê cho một chủ cơ sở sản xuất vôi trong xã. Từ tiền làm thuê, hai vợ chồng anh dành dụm xây được căn nhà 3 gian cấp 4. Năm 2003, với số vốn 4 triệu đồng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xa cho vay, vợ chồng anh đã mở xưởng sản xuất vôi tại gia đình với diện tích nhà xưởng 500m2, xây dựng 2 lò vôi, công suất 7 tấn/lần ra lò, tạo công ăn việc làm cho 3 lao động khác. Năm 2006, may mắn đã đến với anh khi Hội Nông dân xã quyết định đứng ra tín chấp cho anh vay 20 triệu đồng (với lãi suất 0,5%) để phát triển sản xuất. Vui mừng nắm lấy cơ hội, anh Sơn đã đầu tư mua các máy móc phục vụ việc mở rộng quy mô sản xuất. Cơ sở của anh không chỉ sản xuất vôi mà còn làm dịch vụ nghiền đá phục vụ các công trình xây dựng. Nhận thấy mô hình kinh tế của anh có điều kiện phát triển, Hội Nông dân huyện Đại Từ phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện đã đồng ý bao tiêu các sản phẩm vôi (dùng để xử lý nước thải, phòng chống dịch), đồng thời giới thiệu sản phẩm của gia đình anh tới người tiêu dùng. Giải quyết được khâu đầu ra, anh mừng như bắt được vàng, trong đầu anh luôn vang lên hai tiếng “cảm ơn” đối với các cán bộ Hội Nông dân đã giúp anh không chỉ làm lại cuộc đời mà còn làm giàu nữa.
Năm 2008, để đảm bảo phát triển sản xuất gắn liền với vệ sinh môi trường, anh thuê hơn 7.000m2 diện tích mặt bằng dưới chân núi Hồng (tại xóm Cây Hồng) và dời xưởng sản xuất đến đó. Hiện nay, mỗi năm, xưởng của anh sản xuất từ 1.800-2.000 tấn vôi cung cấp cho thị trường (trước đây là 1.000-1.200 tấn vôi/năm). Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ sở sản xuất của anh còn phát triển dịch vụ vận tải để chở thuê cho các doanh nghiệp. Anh được người dân tin yêu bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Đoàn Kết từ năm 2004 đến nay, đồng thời được giao nhiệm vụ là Trưởng nhóm Giáo dục đồng đẳng xã Yên Lãng.
Nhóm Giáo dục đồng đẳng xã Yên Lãng hiện có 18 thành viên đang sinh hoạt. Họ đều là những người trước đây từng “gắn bó” với ma túy và bây giờ đang tìm lại cơ hội hòa nhập cộng đồng. Là Trưởng nhóm, anh Sơn luôn vận động họ xóa bỏ mặc cảm, tích cực phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái nên người. Không chỉ động viên tinh thần, anh còn trực tiếp giúp đỡ họ bằng vật chất, như hỗ trợ tiền vật liệu xây dựng làm nhà (20 triệu đồng/hộ), cho họ có điều kiện trả góp. Hộ anh Nguyễn Văn Phong, xóm Quyết Thắng là một ví dụ. Anh Phong đã cai nghiện và sinh hoạt trong nhóm từ năm 2004. Được sự giúp đỡ của anh Sơn và Hội Nông dân xã cho vay 30 triệu đồng, năm 2007, anh Phong đã mua xe tải chuyên chở thuê chè khô cho các hộ trong xã về Nhà máy chè Đại Từ. Hiện, mỗi năm anh Phong có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Hiểu rõ tác hại của ma túy nên anh Sơn luôn trăn trở làm thế nào để hạn chế tệ nạn này phát sinh trên địa bàn. Anh đã tuyên truyền tới các hội viên nông dân để họ hiểu về Luật Phòng, chống ma túy. Đồng thời anh có nhiều ý kiến tham mưu cho Ban công tác Mặt trận cơ sở đề ra nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên nông dân vận động chồng, con đi cai nghiện ma túy ở Trung tâm 06. Khi họ cai nghiện trở về, anh cùng các đoàn thể lại giúp họ có việc làm tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Anh cũng phát huy vai trò của Chi hội trưởng Nông dân, phối hợp cùng các chi hội nông dân trong xã đi hòa giải, giúp đỡ các gia đình có người nghiện ma túy bằng ngày công lao động. Anh và các hội viên cũng theo dõi, phát hiện các trường hợp và tụ điểm tàng trữ chất ma túy, tham mưu với Công an xã triệt phá 3 tụ điểm, đưa các đối tượng đi giáo dục, cải tạo. Đã thành thông lệ, mỗi năm khi Tết đến, xuân về, anh lại cùng các thành viên trong nhóm Giáo dục đồng đẳng phối hợp với Đoàn thanh niên xã Yên Lãng tới thăm và tặng quà những người mới đi cai nghiện ở Trung tâm 06 trở về.
Với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế và trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, cuối năm 2010, tại Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Đề án 09 Chương trình Quốc gia Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tổ chức tại Vĩnh Phúc, anh Sơn đã được Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm. Đầu tháng 12 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp hành động giai đoạn 2002-2011, ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2012-2016 giữa Bộ Công an và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, anh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.