Người dân đang mong cái cần câu

09:59, 09/12/2011

Khu Đồng Ươm, Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai), có 45 hộ đều là dân tộc Mông. Từ những năm 1980, các gia đình từ Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh (Cao Bằng) đã về sinh sống tại đây…

Mới đây, chúng tôi có dịp vào khu Đồng Ươm, là nơi định canh, định cư của bà con dân tộc Mông. Anh Lầu Văn Bằng, đảng viên được phân công phụ trách khu Đồng Ươm, cho biết:  Khu Đồng Ươm có 45 hộ đều là dân tộc Mông. Từ những năm 1980, các gia đình từ Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang (Cao Bằng) đã về sinh sống tại đây. Mới đầu, khu Đông Ươm này là rừng núi, không có đường vào, bà con đến đây khai phá dần, hiện nay đã thành bản… Được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, khu Đồng Ươm đang từng bước đổi mới. Đường từ trung tâm xóm Tân Tiến vào khu Đồng Ươm dài khoảng 2km đã được cải tạo, hạ thấp độ cao, tuy nhiên bà con vẫn phải đi bộ là chủ yếu, còn đi xe máy thì rất khó khăn vì đá tai mèo còn lởm chởm.

 

Về cuộc sống của nhân dân ở đây, được biết hiện còn tới 99% số hộ thuộc diện nghèo (chỉ có gia đình đảng viên Bằng là không phải hộ nghèo vì có ngô, thóc đủ ăn cả năm). “Điển hình” của sự khó khăn là gia đình anh Lý Văn Dinh, năm nay mới 24 tuổi nhưng đã có tới 4 đứa con, không có ruộng cấy lúa, mỗi vụ chỉ trồng được khoảng 6kg hạt ngô giống nên năm nào cũng thiếu ăn đến 4 tháng. Hay gia đình anh Lý Văn Giàng (có 5 nhân khẩu) cũng không có ruộng cấy lúa, chỉ trông vào cây ngô, mỗi năm thiếu ăn khoảng 3 tháng.

 

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt của bà con ở đây, anh Lầu Văn Bằng cho biết: Được sự giúp đỡ của cấp trên và Chương trình xây dựng nông thôn mới, khu Đồng Ươm vừa được đầu tư khoảng 100 triệu đồng xây dựng được 3 bể chứa nước, hiện nay các gia đình đều có nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, nước phục vụ canh tác còn thiếu lắm, đồng đất thường khô cạn nên năng suất cây trồng không cao.

 

- Khó khăn nhất của Đồng Ươm hiện nay là gì ? Tôi hỏi.

 

Anh Bằng cho biết thêm: Khó khăn nhất hiện nay của bà con là điện sinh hoạt. Các hộ đã kéo điện từ trung tâm xóm Tân Tiến vào đây, nhưng cột điện đều làm bằng tre tạm bợ, không bảo đảm an toàn, trong khi đó lại chưa có điều kiện mua cột bê tông thay thế. Khó khăn thứ hai là do ở đây chưa có lớp học nên gần 80 cháu học lớp 1 và lớp 2 hàng ngày vẫn phải đi bộ gần 10km đến trung tâm xã để học, chiều lại đi bộ về, vừa vất vả lại vừa không an toàn cho các cháu...

 

Đến khu Đồng Ươm, chúng tôi nhận thấy đời sống của bà con ở đây còn rất nhiều gian nan. Tuy nhiên, có những khó khăn có thể sớm khắc phục nếu được các cấp, ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ (như giúp làm đường điện, xây dựng lớp học…). Đây cũng là vấn đề mà đại diện nhiều doanh nghiệp đã trao đổi với chúng tôi: Chúng ta cần giúp đỡ, hỗ trợ cho bà con “cái cần câu" để họ tự vươn lên trong cuộc sống. Và, người dân ở khu Đông Ươm (cũng như nhiều địa phương khác) đang rất mong chờ điều này từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội.